Khái quát một vài nét chính trên về tình hình thu hút FDI năm 2020 với VnEconomy, trong một bối cảnh đặc biệt khi nền kinh tế trong nước và thế giới chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, khi là những tháng đầu tiên triển khai theo tinh thần của Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về thu hút FDI, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nói:
- Trước khi bàn cụ thể về việc thu hút FDI những tháng qua của năm 2020, với bối cảnh mới, cần nhìn lại thời điểm Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50 về thu hút vốn FDI (tháng 8/2019). Khi trước đó, những lần tổng kết 20 năm, 25 năm và 30 năm (30 năm vào năm 2017) đều vạch ra những nhược điểm rất lớn của FDI, tuy nhiên sự thay đổi là rất ít, những khuyết điểm của hàng chục năm trước cứ lặp đi lặp lại.
Vì thế, Nghị quyết 50 đặt ra những vấn đề rất lớn cho FDI, trong đó có những nhược điểm như vốn mỏng, trốn thuế, chuyển giá, tác động lan tỏa thấp, công nghệ không như mong muốn… Nghị quyết cũng đề ra cách tiếp cận theo hướng thu hút những dự án công nghệ cao, nhất là những công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Fintech,…
Nếu nhìn tình hình thu hút FDI hơn nửa đầu năm nay, có thể coi chưa đạt yêu cầu của Nghị quyết. Mặc dù 4 tháng đầu năm Việt Nam giãn cách xã hội, nước ngoài vào ít, xúc tiến đầu tư không có mấy, nhưng 3 tháng sau đó (tháng 5, 6 và 7) thì khác. Như công bố của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 7 vốn FDI thực hiện đạt 10,12 tỷ USD (chủ yếu thực hiện trong 3 tháng 5, 6 và 7 - tăng trưởng khoảng 7-8% so với cùng kỳ năm 2019), và coi đây như một thành tích; Lũy kế 9 tháng đạt gần 14 tỷ USD.
Với đại dịch Covid-19, có những đánh giá của một số tổ chức thế giới cho rằng, FDI năm nay của toàn cầu sẽ không quá 1 nghìn tỷ USD, tức chỉ bằng 60% so với mức đỉnh điểm đã đạt được. Dù vậy, thu hút vốn FDI của chúng ta những tháng qua vẫn giữ được gần bằng cùng kỳ năm 2019, nhưng, theo tôi, chất lượng FDI thì không đạt yêu cầu.
Chất lượng FDI chưa đạt yêu cầu, cụ thể là như thế nào, thưa ông?
Theo tôi thể hiện ở 3 nhược điểm.
Thứ nhất, trừ một vài dự án lớn trong đó có dự án 4 tỷ USD, còn lại bình quân chỉ 1-1,5 triệu USD. Ở những thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM những dự án FDI có vốn đầu tư 1-1,5 triệu USD phải nói là quá nhỏ. 1 - 1,5 triệu USD nếu là dự án về dịch vụ còn có thể chấp nhận được, còn công nghiệp thì không thể chấp nhận.
Nhiều người lập luận rằng vẫn có những dự án công nghệ tương lai có vốn đầu tư 1 - 1,5 triệu USD, nhưng thời đại hiện nay, những dự án công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI), số vốn này không thể đầu tư được. Hay năng lượng sạch cũng không thể có. Phải nói là dự án quá nhỏ.
Khi trước họp với Thủ tướng, một vị Phó chủ tịch Tp.HCM có báo cáo Thành phố vừa rồi thu hút toàn dự án nhỏ, chỉ hơn 1 triệu USD. Theo tôi, Tp.HCM dại gì mà thu hút dự án 1 triệu USD, vì mình có tới 800 nghìn doanh nghiệp, trong đó có khá nhiều doanh nghiệp vừa và lớn có thể bỏ ra vài triệu USD - dưới 100 tỷ để đầu tư vào một vài dự án. Hàng nghìn, thậm chí có thể hàng vạn doanh nghiệp Việt làm được.
Nhược điểm thứ hai là vắng bóng những dự án công nghiệp tương lai, hiện đại.
Ai mà xem những dự án ở Hà Nội, Tp.HCM thì chưa có gì gọi là công nghiệp tương lai. Năm ngoái Hà Nội còn có một dự án về thành phố thông minh 4 tỷ USD do tập đoàn BRG và tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) góp vốn nhưng giờ vẫn chưa triển khai. Còn chưa có dự án nào là khả dĩ.
Hay Tp.HCM còn chuẩn bị khu gọi là thành phố trong thành phố nhưng cảm giác cũng chưa ai màng đến, chưa nhà đầu tư nào vào bàn bạc tham gia phát triển thành một thung lũng silicon mới hay một thành phố hiện đại mới.
Nhược điểm thứ ba là chúng ta chưa đưa ra ưu đãi để thích ứng với trình độ phát triển của các tỉnh, thành phố.
Nhưng theo ông đâu là nguyên nhân của những nhược điểm trên khi mà chúng ta đã có Nghị quyết 50 với những định hướng rất rõ ràng, cụ thể về thu hút vốn FDI?
Nguyên nhân cơ bản chính là hệ thống quản lý nhà nước. Gần đây có các nghị quyết của Đảng về cải cách hệ thống chính trị, cải cách thể chế kinh tế. Có thể trong văn kiện sắp tới cũng đề ra các thể chế chính trị, thể chế kinh tế.
Trước đây ta rất coi trọng cải cách thể chế kinh tế, sau là cải cách thể chế chính trị. Tuy nhiên, khi nền kinh tế đã phát triển ở mức tương đối cao thì chúng ta bắt đầu thấy rằng thể chế chính trị kìm hãm, hệ thống của nhà nước cồng kềnh, lắm tầng nhiều nấc, các bộ thì chức năng không rõ ràng, thậm chí chồng lấn lên nhau; rồi hệ thống từ Trung ương đến địa phương không mấy có thay đổi.
Ví như Hà Nội, Tp.HCM, hai thành phố chiếm khoảng 40% GDP, 45% thu ngân sách nhưng cũng quản lý như các tỉnh miền núi. Bây giờ mới bắt đầu đặt vấn đề chính quyền đô thị, thay đổi quản lý ở thành phố, nông thôn...
Chúng ta có những dập khuôn mãi như thế. Dần dần có những thay đổi nhưng lại nửa vời, như thỉnh thoảng cho Đà Nẵng một tí đặc cách, Hà Nội, Tp.HCM một số chính sách đặc thù… Chưa có chỉ đạo có tính chất quan điểm về hệ thống nhà nước trong nền kinh tế khác biệt như vậy. Kinh tế của chúng ta phát triển nhưng hệ thống quản lý lại không tương thích.
Vì vậy, lần này, Việt Nam đề ra cải cách cả hệ thống thể chế chính trị, thể chế kinh tế và trong cải cách đó là tinh giản bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tinh gọn theo hướng chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển sang kinh tế số, chính quyền điện tử, Chính phủ số để nâng cấp toàn bộ hệ thống. Chính phủ gần đây cũng liên tục chỉ đạo chuyển nhanh sang Chính phủ số, Chính phủ điện tử, kinh tế số. Hôm trước còn bổ sung thêm ban điều hành Chính phủ điện tử và Chính phủ số mới.
Nếu bứt phá vào những vấn đề này và chủ đầu tư cũng định hướng vào vấn đề như vậy thì chúng ta sẽ có thay đổi rất lớn trong quản trị nhà nước.
Vậy còn việc đưa ra ưu đãi để thích ứng với trình độ phát triển của các tỉnh, thành phố trong vấn đề thu hút FDI thì sao?
Năm ngoái khi Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cùng đối tác Nhật Bản, Úc với sự tài trợ của các bên có làm hội thảo về tương lai của Việt Nam nên phát triển như thế nào, tôi có đưa ra cách tiếp cận chia ra làm 3 loại trình độ phát triển.
Thứ nhất, những thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vũng Tàu… và những tỉnh có nhiều dự án như Đồng Nai, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bình Dương… Tổng cộng khoảng 13 tỉnh với 3 đặc điểm lớn: (1) GDP vượt quá mức trung bình rất nhiều, (2) thu ngân sách không chỉ đủ đảm bảo trang trải cho địa phương mà còn góp nhiều cho thu ngân sách Trung ương, và (3) tạo ra công nghiệp.
Hiện nay, tỷ trọng công nghiệp của cả nước 55% là của FDI, trong đó 13 tỉnh này chiếm 70-80%, do đó xuất khẩu của 13 tỉnh thành này cũng chiếm 80-90% xuất khẩu của cả nước.
13 tỉnh, thành này có trình độ phát triển cao nhất nên cần phải đưa ra kịch bản riêng để tăng trưởng rất nhanh, kéo theo những tỉnh lân cận. Đây gọi là khu vực phát triển nhanh nhất của Việt Nam. Nếu có chính sách rõ ràng để tăng đầu tàu này lên thì mỗi tỉnh chỉ cần tăng 1-2% cũng đủ kéo các tỉnh như Lai Châu, Điện Biên…
Thứ hai là những tỉnh cỡ trung bình như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam… khoảng vài chục tỉnh đang làm ăn khá giả, đã có góp chút cho ngân sách nhà nước thì vừa coi trọng thu hút các dự án đầu tư thâm dụng lao động như may mặc, da giày nhưng chuyển đổi từ gia công sang sản xuất, bởi chúng ta có tiềm lực nội địa rất tốt nên có thể khai thác tốt hơn tiềm năng và coi trọng dần dần chuyển sang công nghiệp hiện đại và dịch vụ hiện đại.
Loại thứ 3 là vài chục tỉnh còn thấp thì không thể dùng chính sách ưu tiên được. Xa như Lai Châu có ưu đãi thuế cũng không nhiều doanh nghiệp lên. Do vậy phải tập trung giải quyết cơ sở hạ tầng, đường cao tốc, thông tin, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao … tức hoàn toàn tiếp cận theo một cách khác. Nhà nước phải tập trung đầu tư vào đấy.
Đầu tư nước ngoài cũng tiếp cận theo 3 cách như thế. Tỉnh nào cao nhất (nhóm 1) thì chẳng dại gì làm may mặc, dệt may. Còn những anh thấp thì không thể nào mà đầu tư công nghiệp cao được.
Cũng bởi vậy, khi thực hiện định hướng đầu tư nước ngoài trong thời gian qua, tôi cho rằng nhược điểm là chúng ta chưa có cách tiếp cận cụ thể, đầy đủ như vậy nên chưa có định hướng, chưa có các chính sách riêng cho từng địa phương, để từ đó địa phương căn cứ vào và đề ra chính sách, có sắc thái riêng cho mình trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Nếu chúng ta không thay đổi thì không thể nào tranh thủ được cơ hội.
Trong một báo cáo đầu tư thế giới thường niên của Liên Hiệp Quốc cách đây chưa lâu có nhận định đầu tư FDI tại các nền kinh tế đang phát triển của châu Á sẽ giảm khoảng 30-45% trong năm nay vì đại dịch Covid-19. Việt Nam chắc cũng sẽ không nằm ngoài dòng chảy này?
Tôi nghĩ không ảnh hưởng đến Việt Nam. Ảnh hưởng lớn nhất là Trung Quốc.
Trước đây FDI vào các nước đang phát triển Trung Quốc luôn chiếm hơn một nửa, mình được có tẹo. Nhưng giờ Trung Quốc giảm (FDI), mình hưởng cái giảm này của Trung Quốc thì chúng ta rõ ràng là được.
Hơn nữa, phải thấy rằng, về mặt số lượng FDI chỉ nên chiếm 22-23% tổng vốn đầu tư xã hội, còn lại là trong nước. Đã đến lúc mình phải tự lực. Cũng như ODA cũng sẽ giảm vì hết ưu đãi rồi, cho nên phải kích hoạt vốn trong nước. PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công - tư) cũng là hướng rất quan trọng, làm được tốt sẽ kích hoạt đầu tư trong nước.
Gần đây có xu hướng mua bán sáp nhập (M&A) cũng thay đổi nhiều trong cơ cấu vốn đầu tư. Như 7 tháng đầu năm, M&A đạt hơn 8 tỷ USD, mà đây lại là tiền tươi thóc thật.
Tóm lại FDI chỉ nên chiếm 22-23% tổng vốn đầu tư xã hội nhưng quan trọng nhất là chất lượng FDI.
Như phân tích trên của ông thì dịch Covid-19 còn mang lại lợi thế cho Việt Nam trong thu hút FDI?
Đúng. Covid-19 đang tạo ra hai lợi thế mới cho Việt Nam.
Thứ nhất, một cuộc khủng hoảng dịch bệnh toàn cầu gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mà các chuyên gia kinh tế đánh giá còn nặng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng 2008-2009, thậm chí tương đương cuộc khủng hoảng 1929-1933.
Khi công bố giảm thiểu suy thoái kinh tế của Mỹ, Anh, người ta còn cho rằng 200 năm nay chưa có lúc nào kinh tế của Mỹ, Anh lại bị như vậy. Một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa biết đi đến đâu thì Việt Nam nổi lên có thể đối phó tốt với khủng hoảng toàn cầu như vậy.
Mặc dù tăng trưởng không nhiều, 2,12% của 9 tháng đầu năm nhưng vẫn là một trong những nước tăng trưởng và người ta đánh giá có khả năng tăng cao hơn. Còn năm 2021 thì Việt Nam có thể tăng 6,5% hoặc cao hơn.
Điều đó nói lên năng lực điều hành của Chính phủ, tinh thần của người Việt Nam, kỉ cương chấp hành nghiêm chỉnh hướng dẫn của Chính phủ, không có chuyện biểu tình như Đức phản đối việc đeo khẩu trang, không có chuyện không chấp hành như Mỹ về giãn cách xã hội… Đôi khi cũng có chuyện này chuyện khác nhưng về cơ bản ý thức của người Việt Nam trong đại dịch là rất tốt.
Ngay Đà Nẵng vừa rồi cũng được báo chí quốc tế bình luận tích cực rằng Việt Nam có hệ thống phản ứng rất nhanh so với các nước. Hệ thống này không phải dễ thiết lập được từ Trung ương đến địa phương. Khi có dịch lập tức có những kích hoạt mà cả hệ thống vào cuộc, và phát hiện rất nhanh. Đấy là lợi thế mới.
Lợi thế thứ hai là khả năng chống chịu của nền kinh tế.
Mặc dù tất cả bị ảnh hưởng nghiêm trọng như vậy nhưng các doanh nghiệp, người buôn bán bình thường vẫn linh hoạt trong tìm kiếm cơ hội để làm ăn. Vẫn có hàng triệu người thất nghiệp, nhưng con số không ghê gớm.
Ngay sau khi không còn giãn cách xã hội nữa, các tháng 5,6,7 chúng ta đã khôi phục du lịch trong nước. Phải nói phản ứng rất nhanh. Các bãi biển, nhà hàng khu du lịch, hệ thống đường không nội địa… nhanh chóng khôi phục lại.
Cộng với các lợi thế cũ, hai lợi thế mới này giúp Việt Nam trở thành điểm đến được các nhà đầu tư rất coi trọng. Điều này đã được AmCham, EuroCham… đánh giá và có điều tra hẳn hoi.
Vậy theo ông Việt Nam cần làm gì để tận dụng được những lợi thế mới này?
Cũng cần phải đề cập đến luồng ý kiến hiện nay về việc di dời nhà máy từ Trung Quốc và một số nước khác sang nước thứ 3 trong đó có Việt Nam.
Việc dời nhà máy từ Trung Quốc sang các nước là hiện hữu và là trào lưu vì tương quan giữa Trung Quốc và thế giới đã thay đổi, vì chiến lược của Mỹ, EU, Nhật Bản với Trung Quốc đã thay đổi. Tuy nhiên, tôi cho rằng không nên hi vọng sẽ có dịch chuyển ào ạt các nhà máy từ Trung Quốc về Mỹ hay sang nước thứ 3. Giỏi lắm khoảng 10% chuyển về Nhật, Mỹ, và 3-5% chuyển sang nước thứ ba trong đó có Việt Nam.
Trung Quốc có công bố đang có khoảng 2.000 tỷ USD FDI đang hoạt động, như vậy giỏi lắm chuyển về Mỹ, Nhật 200 tỷ USD, còn chuyển sang nước thứ 3 khoảng 100 tỷ USD. 100 tỷ đấy với Việt Nam cũng là đáng kể, vì năm 2019 ta có 21 tỷ USD vốn thực hiện, trong đó 20% là vốn trong nước, còn khoảng 18 tỷ USD là vốn nước ngoài. Giờ thu hút vài chục % trong số 100 tỷ USD kia cũng tốt lắm, hơn nữa đây là dòng vốn đang hoạt động chứ không phải vốn đầu tư mới. Do đó cần phải coi đây là cơ hội mới.
Trước cơ hội mới này, theo tôi có bốn giải pháp, và cũng là những giải pháp mà tôi đã đề nghị tại cuộc họp của Thủ tướng cùng các Phó thủ tướng với một số bộ ngành, các địa phương có FDI và một số chuyên gia về thu hút FDI cách đây ít tháng.
Thứ nhất là đất. Khi có trào lưu trên, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố sẵn sàng đất sạch để thu hút khoảng 1.000 xí nghiệp lớn nhất từ Trung Quốc chuyển sang. Hay Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng tuyên bố thành lập khu công nghiệp, chuẩn bị sẵn sàng 4.000 ha đất cho các nhà máy di dời sang.
Việt Nam hiện có khoảng 16 khu kinh tế và hơn 300 khu công nghiệp hiện nay vẫn còn khoảng 45% là đất (chưa sử dụng), nên theo tôi Thủ tướng cần yêu cầu tất cả các khu này cần chuẩn bị đất sạch và không được nâng giá đất khi họ chuyển sang. Chúng ta có đất sạch, hạ tầng cơ sở đã tốt rồi, thì chắc chắn thu hút được.
Thứ hai nhà đầu tư yêu cầu nhân công chất lượng cao. Lâu nay chúng ta luôn nói Việt Nam có lợi thế nhân công giá rẻ, tôi không tán thành điều này. Samsung hiện có khoảng 170 nghìn người làm việc, mà Samsung là khu công nghiệp cao. Intel có 3.000 người làm việc, cũng thuộc khu công nghệ cao.
Như Samsung nói trình độ lao động Việt Nam của Samsung tại Việt Nam tương đương với lao động của Samsung tại Hàn Quốc nhưng giá nhân công ở Việt Nam chỉ khoảng 500 USD/tháng, còn tại Hàn Quốc ít nhất là 1.000-1.200 USD/tháng. Nghĩa là năng suất lao động Việt Nam bằng lao động Hàn Quốc nhưng chỉ bằng một nửa tiền lương. Vậy thì dại gì mà người ta không vào.
Tất nhiên những nơi có FDI cũng cần phải tăng cường hơn nữa giáo dục đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng cao. Vấn đề này không có gì ghê gớm mà không làm được.
Thứ ba, rất quan trọng, khi chúng ta vẫn duy trì cách tiếp cận rất cũ về quy định thiết bị cũ và lo Việt Nam trở thành bãi rác thải. Tôi 30 năm làm về đầu tư nước ngoài và đến nay người ta cứ nói mãi vấn đề này nhưng không ai chỉ ra chỗ nào là bãi thải của thế giới. Nhiều ngành hiện đại lắm như khai thác dầu khí, làm gì có bãi thải. Điện tử làm gì có.
Khi người ta vào đây người ta đang sản xuất và vào để tiếp tục sản xuất nhưng lại vướng Thông tư 23 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc kiểm tra thiết bị cũ, thì chắc không ai đưa thiết bị vào. Do vậy Chính phủ cần có chỉ thị về không phải thiết bị cũ, nhưng để đảm bảo quyền lợi đất nước, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra các tiêu chuẩn như gói bụi, tiếng ồn, chất thải rắn, lỏng… ví dụ vậy. Nếu đạt yêu cầu thì sản xuất không hướng dẫn để họ đạt yêu cầu. Như thế, tôi tin nhà đầu tư rất hoan nghênh.
Và thứ tư là thủ tục làm thế nào để nhà đầu tư nhanh chóng đưa nhà máy vào hoạt động, chứ lại sáu, bảy tháng hay một năm thì không ai đưa vào. Nên tranh thủ thời cơ này để cải thiện cách tiếp cận của mình với đầu tư nước ngoài. Mình hay nói làm tổ để đón đại bàng, và cũng có đại bàng đã vào. Nhưng phải thừa nhận đến nay mới có đại bàng châu Á như Samsung, LG, Toyota…, chứ còn đại bàng châu Âu, Mỹ thì rất ít.
Giờ để đón đại bàng Mỹ, đại bàng châu Âu chúng ta phải thay đổi, không có cách gì khác.