Thông tin từ Hội nghị giao ban công tác tháng 3 và quý 1/2024, triển khai chương trình công tác tháng 4 và quý 2/2024 do Bộ Tài chính tổ chức cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện tháng 3 ước đạt 141,8 nghìn tỷ đồng, bằng 8,34% dự toán, bằng 71,3% bình quân hai tháng. Lũy kế thu ngân sách nhà nước quý 1/2024 ước đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2023.
THU NGÂN SÁCH KHẢ QUAN, HOÀN THÀNH 31,7% DỰ TOÁN
Trong đó, thu nội địa ước đạt 467,5 nghìn tỷ đồng, bằng 32,4% dự toán, tăng 13,5% so cùng kỳ năm 2023. Không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu/chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa ước đạt 33,5% dự toán, tăng 9,7% so với cùng kỳ.
Thu dầu thô đạt 15,8 nghìn tỷ đồng, bằng 34,4% dự toán, tăng 2,1% so cùng kỳ năm 2023. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 56,2 nghìn tỷ đồng, bằng 27,5% dự toán, giảm 12,5% so cùng kỳ năm 2023.
Số thu quý 1 đạt khá so dự toán chủ yếu do ngành tài chính tập trung thu các khoản phát sinh quý 4/2023 và chênh lệch theo quyết toán thuế năm 2023 như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng các đối tượng nộp theo quý, thuế thu nhập cá nhân... theo chế độ được kê khai nộp ngân sách nhà nước trong quý 1/2024. Trong đó, riêng thu thuế thu nhập doanh nghiệp quý 1 đã thu 2 kỳ nộp thuế đạt 45,5% dự toán, tăng 8,1% so cùng kỳ.
Cũng theo Bộ Tài chính, về chi ngân sách nhà nước, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 3 ước đạt 140,3 nghìn tỷ đồng; luỹ kế chi quý 1/2024 đạt 393,5 nghìn tỷ đồng, bằng 18,6% dự toán, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 89,9 nghìn tỷ đồng, bằng 13,3% dự toán Quốc hội quyết định, tỷ lệ giải ngân ước 13,67% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng cả về lượng (khoảng 16,7 nghìn tỷ đồng) và tỷ lệ giải ngân so cùng kỳ (cùng kỳ năm 2023 đạt 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Chi trả nợ lãi ước đạt 29,1% dự toán, tăng 16,6%; còn chi thường xuyên ước đạt 21,5% dự toán, tăng 3,4% so cùng kỳ năm 2023...
Về cân đối ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho biết cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 27/3/2024 đã thực hiện phát hành gần 80,2 nghìn tỷ đồng Trái phiếu chính phủ, kỳ hạn bình quân 11,53 năm, lãi suất bình quân 2,24%/năm.
Trên cơ sở các kết quả đạt được trong quý đầu tiên của năm, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, nhất là các cơ quan thu như thuế, hải quan tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, nhằm thu đúng, thu đủ về ngân sách nhà nước.
Báo cáo tại hội nghị về tình hình thu ngân sách nhà nước do ngành thuế quản lý, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành, cho biết tổng thu ngân sách nhà nước tháng 3/2024 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 131.256 tỷ đồng, bằng 8,8% so với dự toán cả năm, tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước cả quý 1/2024 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 490.196 tỷ đồng, bằng 33% so với dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ.
"Trong tháng 4 và quý 4/2024 tới đây, ngành thuế sẽ đẩy mạnh công tác truy thu nợ thuế, đặc biệt là tăng cường quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử từ giao dịch trên các sàn thương mại điện tử đến các hình thức kinh doanh trực tuyến, livestream".
Ông Mai Xuân Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
“Số thu ngân sách là rất khả quan, tuy nhiên những khó khăn, tiềm ẩn trong công tác thu của ngành thuế thời gian tới còn rất lớn, ngành thuế sẽ kiên trì, quyết liệt trong công tác thu thuế và ngăn tình trạng nợ thuế gia tăng”, lãnh đạo Tổng cục Thuế nhận định.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng nợ thuế nội địa ước tính đến ngày 31/3/2024 khoảng 186 nghìn tỷ đồng, cao hơn 9,4% so với thời điểm 31/12/2023.
Trên cơ sở số nợ thuế tính đến thời điểm này, cơ quan thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo cục thuế địa phương, uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đánh giá tình hình và triển khai quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế.
Từ điểm cầu Tổng cục Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ, cho biết trong quý 1/2024 đối với công tác xây dựng cơ chế chính sách, đơn vị được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng 3 đề án và các thông tư do Bộ Tài chính giao.
Về công tác xuất nhập khẩu và thu thuế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1/2024 đạt 177,96 tỷ USD, tăng 15%, tương ứng với 23,4 tỷ USD. Trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 92,88 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023; tổng kim ngạch nhập khẩu 85,08 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Trong quý 1/2024 xuất siêu đạt 7,8 tỷ USD.
Tuy nhiên, thu ngân sách quý 1/2024 do cơ quan hải quan thực hiện chỉ đạt 88.354 tỷ đồng, bằng 23,8% dự toán giao, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, những tháng đầu năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Báo cáo phương hướng nhiệm vụ trong quý 2/2024, ông Thọ cho biết Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục bám sát công tác xây dựng thể chế chính sách nhằm hoàn thành đúng tiến độ được giao. Bên cạnh đó tiếp tục các hoạt động tạo thuận lợi thương mại, tăng cường công tác thu, chống thất thu, truy thu thuế; tập trung hoàn thành một số hội nghị lớn của ngành hải quan dự kiến diễn ra trong quý 2/2024…
CHỐNG GIAN LẬN THUẾ, TĂNG THU TỪ THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn cho rằng các đơn vị đã nỗ lực hoàn thành khối lượng công việc khá lớn từ xây dựng cơ chế chính sách, điều hành thu chi ngân sách, công tác nội ngành…
Về điều hành chính sách tài khóa, lãnh đạo Bộ Tài chính nhận định dù kết quả công tác thu ngân sách tháng 3 và quý 1/2024 đạt khá, tuy nhiên cần tiếp tục đánh giá, phân tích rõ kết quả số thu ngân sách để có các giải pháp điều hành chính sách tài khóa tiếp theo.
"Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan cần tiếp tục rà soát các giải pháp về chống gian lận thương mại, đẩy mạnh thu thuế lĩnh vực thương mại điện tử, góp phần lành mạnh hóa môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách cả năm 2024", Thứ trưởng đề nghị.
Để hoàn thành nhiệm vụ quý 2/2024, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng lưu ý các đơn vị chuyên môn tiếp tục tăng cường công tác quản lý hóa đơn điện tử với mặt hàng xăng dầu, công tác giải ngân, quyết toán ngân sách, công tác tài chính nhà nước, công tác tài chính nội ngành...
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, Bộ Tài chính hiện đang phải triển khai nhiều đề án luật lớn: Luật Thuế tiêu thị đặc biệt (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); 18 nghị định; 11 đề án và 24 thông tư ban hành theo thẩm quyền... Do đó, cần tăng cường sự phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan để đảm bảo về thời gian, chất lượng.