Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội ba tháng đầu năm của TP.HCM vừa được Cục Thống kê TP.HCM công bố cho thấy, cùng với đó thị trường tiền tệ trên địa bàn Thành phố trong thời gian này được duy trì ổn định, lãi suất, tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt.
THU NGÂN SÁCH TĂNG, CHI NGÂN SÁCH GIẢM
Báo cáo cho thấy, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước lũy kế ba tháng đầu năm 2022 ước thực hiện 121.037 tỷ đồng, đạt 31,3% dự toán pháp lệnh năm và tăng 9,4% so với cùng kỳ.
Cụ thể, thu nội địa ước thực hiện 84.772 tỷ đồng, đạt 32,7% dự toán, chiếm 70,0% tổng thu cân đối và tăng 9,3% so cùng kỳ năm ngoái.
Trong số tổng thu 84.772 tỷ đồng nói trên, thu từ khu vực tư nhân (ngoài quốc doanh) chiếm tỷ trọng cao nhất, ước thực hiện 23.295 tỷ đồng, đạt 34,6% dự toán, chiếm 19,3% tổng thu và giảm 10,3%. Kế đến là thu từ khu vực FDI, ước thực hiện 18.703 tỷ đồng, đạt 34,6% dự toán, chiếm 15,5% tổng thu và giảm 6,2%. Thu từ doanh nghiệp nhà nước ước thực hiện 7.580 tỷ đồng, đạt 28,9% dự toán, chiếm 6,3% tổng thu và tăng 15,9%.
Thu dầu thô ước thực hiện 4.755 tỷ đồng, đạt 45,3% dự toán năm, chiếm 3,9% tổng thu cân đối và tăng 35,2%. Riêng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt cao, ước thực hiện 31.500 tỷ đồng, đạt 27,0% dự toán, chiếm 26% tổng thu cân đối và tăng 6,6%.
Trong khi đó, thu cân đối ngân sách địa phương lũy kế cả quý 1/2022, ước thực hiện 29.841 tỷ đồng, đạt 17,7% dự toán pháp lệnh năm, chiếm 24,7% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước và tăng 29,9% so cùng kỳ.
Ở chiều ngược, số liệu thống kê cho thấy, tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) lũy kế ba tháng đầu năm 2022 ước thực hiện 9.327 tỷ đồng, đạt 9,4% dự toán pháp lệnh năm và giảm 33,8% so cùng kỳ. Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện 9.033 tỷ đồng, đạt 9,3% dự toán, chiếm 96,8% tổng chi ngân sách địa phương và giảm 27,4% so cùng kỳ.
Bao gồm chi đầu tư phát triển ước thực hiện 791 tỷ đồng, đạt 1,8% dự toán và giảm 82,1%.
Chi thường xuyên ước thực hiện 8.184 tỷ đồng, đạt 16,8% dự toán và tăng 3,4%. Trong số này, chi cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề ước thực hiện 2.292 tỷ đồng, đạt 15,7% dự toán và giảm 1,8%; chi cho y tế ước thực hiện 612 tỷ đồng, đạt 6,6% dự toán và tăng 100,8%; chi khoa học và công nghệ ước thực hiện 409 tỷ đồng, đạt 26,2% dự toán và giảm 12,2%.
Ủy ban nhân dân TP.HCM đã giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 cho các sở, ngành và khối quận huyện với tổng vốn (đợt 1) 29.464,0 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ 35.749,2 tỷ đồng); trong đó, vốn vay nước ngoài của Chính phủ Việt Nam là 5.451,0 tỷ đồng , vốn ngân sách của Thành phố 24.013,0 tỷ đồng.
Tính đến tháng 3/2022, ước khối lượng thực hiện tăng 2,9 lần so với tháng 2 và tăng 2,7% so cùng kỳ. Nhiều dự án khối lượng thực hiện cao, như: Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên; dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; dự án vệ sinh môi trường (giai đoạn 2); dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống (TP. Thủ Đức); xây dựng mới Trung tâm chuyên sâu Sơ sinh (khối 5B) của bệnh viện Nhi đồng 1.
DOANH NGHIỆP LẠC QUAN, GIỮ ỔN ĐỊNH
Kết quả khảo sát gần đây về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại TP.HCM cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh trong ba tháng đầu năm 2022 tốt hơn so với ba tháng cuối năm 2021.
Cụ thể, có 31% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên; số doanh nghiệp đánh giá hoạt động ở mức giữ ổn định và có khó khăn hơn lần lượt là 34,6% và 34,4%.
Đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ lạc quan nhất với 80% cho rằng tốt lên và giữ ổn định. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp FDI và khối tư nhân lần lượt là 74,1% và 60,2%.
Kết quả khảo sát cũng đưa ra dự báo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong ba tháng tiếp theo. Theo đó, quý 2/2022 có 45,9% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 32,6% giữ ổn định và 21,5% khó khăn hơn.
Về nguồn nhân lực, kết quả khảo sát cho biết có 37,3% doanh nghiệp nói rằng không tuyển dụng được lao động; 36,3% doanh nghiệp thiếu nguyên, nhiên, vật liệu và 35,3% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính. Một điểm đáng lưu ý là, mặc dù giá xăng dầu tăng liên tục trong những tháng đầu năm 2022 nhưng kết quả khảo sát lại cho thấy chỉ có 9,0% doanh nghiệp cho rằng thiếu năng lượng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Số giấy phép cấp mới tăng nhưng số vốn đăng ký giảm là một thực tế theo số liệu thống kê, tính từ ngày 01/01 đến ngày 15/3/2022. Cụ thể, trong khoảng thời gian này, TP.HCM đã cấp phép thành lập 8.477 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 140.134 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, số giấy phép tăng 34,5% và vốn giảm 5,7%. Trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu có 6.194 doanh nghiệp thành lập, tăng 35,9% so cùng kỳ; vốn đăng ký 99.651 tỷ đồng, tăng 30,6%.
Cũng cần nhắc lại, năm 2021, tính từ ngày 01/01 đến 15/3/2021, TP.HCM đã cấp phép 6.304 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 148.583 tỷ đồng. Số liệu này, so với năm 2020 thì số giấy phép giảm 22,4% trong khi số vốn tăng 56,3%. Chín ngành dịch vụ chủ yếu có 4.557 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 72,3% trong tổng số, giảm 21,7% so cùng kỳ; vốn đăng ký 76.284 tỷ đồng, chiếm 51,4% và tăng 10,7%.
Thu hút đầu tư nước ngoài FDI, tính từ đầu năm đến hết ngày 20/3/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM đạt 406,6 triệu USD, gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn điều chỉnh và giá trị góp vốn, vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 40,1% so cùng kỳ 2021.
Đăng ký cấp mới FDI có 127 dự án với vốn đăng ký đạt 102,4 triệu USD, giảm 12,8%. Trong đó, có đến 86,9% tổng vốn đăng ký tập trung tại ba ngành, gồm: Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; thông tin và truyền thông; và tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Ba quốc gia có số vốn đăng ký mới chiếm nhiều nhất là Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, chiếm 74,4% tổng vốn cấp mới.
Thu cân đối ngân sách địa phương lũy kế cả quý 1/2022, ước thực hiện 29.841 tỷ đồng, đạt 17,7% dự toán pháp lệnh năm, chiếm 24,7% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước và tăng 29,9% so cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) lũy kế ba tháng đầu năm 2022 ước thực hiện 9.327 tỷ đồng, đạt 9,4% dự toán pháp lệnh năm và giảm 33,8% so cùng kỳ.