August 06, 2024 | 17:59 GMT+7

“Thủ phạm” gây bán tháo: Carry-trade đảo chiều hay nỗi lo suy thoái?

An Huy -

Các nhà giao dịch carry-trade đã rơi vào thế “trở tay không kịp” khi đồng yên tăng giá hơn 11% so với đồng USD sau khi chạm đáy của 38 năm vào thời điểm cách đây 1 tháng....

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Đợt bán tháo những ngày gần đây trên thị trường chứng khoán thế giới có nguyên nhân chính là việc các nhà đầu tư ồ ạt rút khỏi vị thế giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade), thay vì một sự dịch chuyển lớn trong triển vọng kinh tế Mỹ - theo các nhà phân tích.

Báo cáo việc làm xấu hơn kỳ vọng mà Bộ Lao động Mỹ công bố vào hôm thứ Sáu tuần trước là chất xúc tác dẫn tới việc nhà đầu tư ồ ạt xả cổ phiếu. Tuy nhiên, chỉ riêng báo cáo này không đủ để trở thành động lực khiến các chỉ số chứng khoán giảm dữ dội đến như vậy, chẳng hạn cú giảm hơn 12% ghi nhận ở chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản trong phiên ngày thứ Hai.

Thay vào đó, nhiều nhà phân tích cho rằng câu trả lời có thể nằm ở việc các nhà đầu tư đồng loạt đóng vị thế carry-trade, loại hình giao dịch mà trong đó họ mượn tiền từ những nền kinh tế có lãi suất thấp như Nhật Bản hay Thụy Sỹ để đầu tư vào những tài sản có lợi suất cao hơn ở những nơi khác. Các nhà giao dịch carry-trade đã rơi vào thế “trở tay không kịp” khi đồng yên tăng giá hơn 11% so với đồng USD sau khi chạm đáy của 38 năm vào thời điểm cách đây 1 tháng.

“Theo đánh giá của chúng tôi, phần lớn sự bán tháo này của thị trường xuất phát từ việc các nhà đầu tư đồng loạt rút khỏi vị thế carry-trade. Một số quỹ vĩ mô (macro fund) đã phạm sai lầm trong giao dịch và các lệnh dừng đã được kích hoạt, bắt đầu với các vị thế ngoại hối và đồng yên Nhật Bản”, Giám đốc dầu tư Mark Dowding của công ty BlueBay Asset Management nhận định với hãng tin Reuters.

“Chúng tôi không thấy có bằng chứng từ các dữ liệu kinh tế rằng sắp có một cuộc hạ cánh cứng của nền kinh tế Mỹ”, ông Dowding nói thêm.

Một nhà đầu tư tại thị trường châu Á đề nghị không tiết lộ danh tính nói rằng một số quỹ phòng hộ hệ thống (systematic hedge fund) thuộc hàng lớn nhất đã bắt đầu bán cổ phiếu sau động thái tăng lãi suất bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vào tuần trước.

Dù rất khó để biết chính xác quy mô vị thế carry-trade bị đảo ngược trong những ngày qua, các nhà phân tích cho rằng lượng vốn tập trung dày đặc ở cổ phiếu công nghệ Mỹ - với nguồn tiền không nhỏ từ carry-trade - lý giải vì sao đây lại là những tài sản “chịu trận” nhiều nhất.

Theo một báo cáo của ngân hàng ING, được thúc đẩy bởi quãng thời gian nhiều năm Nhật Bản theo đuổi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo, carry-trade đã dẫn tới sự phát triển bùng nổ trong hoạt động vay mượn đồng yên xuyên biên giới để đầu tư vào tài sản ở khắp nơi trên thế giới. ING dẫn số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho thấy lượng vay vốn bằng đồng yên xuyên biên giới đã tăng thêm 742 tỷ USD trong thời gian từ cuối năm 2021 đến nay.

“Đây là một cuộc tháo chạy khỏi carry-trade đồng yên và khỏi chứng khoán Nhật Bản. Các thông số vị thế của chúng tôi cho thấy nhà đầu tư đã nắm giữ tỷ trọng lớn (overweight) chứng khoán Nhật Bản và nắm giữ tỷ trọng thấp (underweight) đồng yên. Bây giờ, họ không còn muốn nắm giữ ít đồng yên nữa”, chiến lược gia trưởng Tim Graf của công ty State Street Global Markets phát biểu.

Các nhà đầu cơ đã cắt giảm mạnh vị thế bán khống đồng yên Nhật trong những tuần gần đây. Theo dữ liệu từ cơ quan giám sát thị trường của Mỹ, giới đầu cơ đã giảm vị thế bán khống yên Nhật về mức 6,01 tỷ USD - mức thấp nhất kể từ tháng 1 và giảm từ mức cao nhất 7 năm là 14,526 tỷ USD ghi nhận hồi tháng 4.

“Không thể đảo ngược vị thế carry-trade lớn nhất thế giới từng chứng kiến mà không gây ra một vài tổn thất”, chiến lược gia trưởng Kit Juckes của ngân hàng Societe Generale phát biểu.

Các quỹ phòng hộ thường dùng tiền đi vay cho các vụ đặt cược, nên việc các quỹ này điều chỉnh vị thế thường khuếch đại chuyển động trên thị trường. Các ngân hàng cấp đòn bẩy cho các quỹ phòng hộ, cụ thể là cung cấp khoản vay để các quỹ đi đầu tư, và các khoản vay này giúp làm gia tăng khả năng kiếm lời cũng như cả khả năng thua lỗ của quỹ.

Một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs vào hôm thứ Sáu cho thấy tổng lượng đòn bẩy mà bộ phận môi giới của Goldman Sachs cung cấp cho các quỹ phòng hộ đã giảm trong tháng 6 và tháng 7, nhưng vẫn gần mức cao nhất 5 năm.

Theo một báo cáo khác của Goldman Sachs, tuần trước là tuần thứ ba liên tiếp mà giá trị đặt cược của các quỹ phòng hộ đặt cược rằng thị trường chứng khoán sẽ giảm lớn hơn giá trị đặt cược của các quỹ này rằng thị trường sẽ tăng. Trong đó, cứ mỗi đặt cược giá lên lại có 3,3 đặt cược giá xuống. Cũng theo báo cáo này, trong 3 phiên giao dịch tính đến hết ngày thứ Hai (5/8), các quỹ phòng hộ trên thị trường Nhật Bản giảm 7,6%.

Giới đầu tư cho biết các quỹ vĩ mô có thể đã tham gia vào các giao dịch tiền tệ liên quan đến đồng yên, nhưng nhiều quỹ phòng hộ giao dịch cổ phiếu - do lệnh cấm bán khống đang áp dụng ở Hàn Quốc và một số rào cản đối với bán khống ở thị trường Trung Quốc - đã chuyển trọng tâm sang thị trường Nhật Bản.

Theo các nhà phân tích, thị trường chứng khoán có thể tiếp tục giảm trong ngắn hạn do nhà đầu tư còn rút khỏi carry-trade, nhưng mức độ biến động của thị trường có thể sẽ giới hạn.

Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất trên 120 điểm phần trăm trong thời gian từ nay đến cuối năm, thay vì mức giảm 0,5 điểm phần trăm như kỳ vọng ở thời điểm đầu tuần trước. Thị trường cũng tin rằng Fed sẽ giảm lãi suất tròn 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9. Tuy nhiên, kỳ vọng như vậy rất có khả năng một lần nữa thay đổi nếu các số liệu kinh tế sắp tới cho thấy nền kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate