January 05, 2012 | 09:53 GMT+7

Thu phí lưu hành xe sẽ không hiệu quả?

Đinh Tịnh

Bộ trưởng bảo thu phí để đảm bảo công bằng xã hội, chuyên gia nói chỉ tăng gánh nặng cho dân

Ùn tắc giao thông vẫn là bài toán nan giải ở các thành phố lớn.
Ùn tắc giao thông vẫn là bài toán nan giải ở các thành phố lớn.
Đề xuất thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ôtô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm của Bộ Giao thông Vận tải đang vấp phải sự phản đối trái chiều từ dư luận.

Ngày 30/12/2011, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng có tờ trình gửi Thủ tướng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

Dự kiến, ôtô và xe máy đều phải đóng thêm một loại phí gọi là “phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ”. Ôtô tùy theo dung tích xilanh sẽ phải đóng thấp nhất 20 triệu đồng và cao nhất 50 triệu đồng/năm. Với môtô, xe máy tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng) phải đóng 500.000 đồng cho xe có dung tích dưới 175 cm3 và 1 triệu đồng cho xe có dung tích lớn hơn.

Ngoài phí lưu hành, Bộ cũng đề xuất thu phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm (buổi sáng từ 6h-8h30, buổi chiều từ 16-19h, trừ ngày nghỉ, ngày lễ), trong đó miễn thu phí với xe công và xe buýt.

Việc thu phí áp dụng tại khu vực nội đô thành phố, thu qua các trạm thu phí ở chiều vào với mức 30.000 đồng/lượt xe ôtô 4 đến 7 chỗ và 50.000 đồng/lượt với các loại ôtô còn lại. Khu vực thu và mức thu cụ thể sẽ do UBND cấp tỉnh, thành quy định.

Ngay sau khi đề xuất này được trình Chính phủ, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp ngay trong ngành giao thông cũng không đồng tình bởi họ cho rằng: việc thu phí chỉ có thể tăng nguồn thu chứ không thể hạn chế được sự gia tăng của các loại phương tiện cá nhân...

Theo ông Nguyễn Khánh Toàn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, nếu để hạn chế xe cá nhân và giảm ùn tắc giao thông thì phương án tăng phí phương tiện sẽ không hiệu quả. Bởi lẽ, với mức tăng như đề xuất thì nếu cần thiết họ sẽ sẵn sàng đóng tiền để vào nội thành. Nếu thu 1 triệu đồng/năm (khoảng 80.000 đồng/tháng) thì rất nhiều người dân sẵn sàng đóng phí để được đi xe của mình.

Còn việc chỉ thu phí ôtô cá nhân vào nội đô mà không thu tiền xe công là sai luật và bất bình đẳng. Hơn nữa, người sử dụng ôtô là người giàu nên vào trung tâm phải đóng 30.000-50.000 đồng không ảnh hưởng nhiều. Họ sẽ vẫn đi xe ôtô chứ không sử dụng phương tiện công cộng. Như thế Nhà nước chỉ thu được nhiều tiền nhưng không thể đạt được mục tiêu hạn chế xe cá nhân.

Ông Toàn cũng cho rằng, trong khi ổn định an sinh xã hội đang được Chính phủ quyết liệt triển khai thì việc ban hành thêm nhiều loại phí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Vì thế, thu phí phương tiện chỉ là giải pháp tình thế. Cần cân nhắc cẩn trọng khi áp dụng chứ đừng dồn thêm gánh nặng cho người dân.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, chiều 3/1, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: ở các nước tiên tiến như Anh, Mỹ, Singapore đều đã tiến hành thu phí lưu thông vào giờ cao điểm. Loại phí này đều được nộp vào ngân sách để chi cho hạ tầng giao thông và kiềm chế ùn tắc. Vì thế, nếu Việt Nam thí điểm thu phí nhằm giải quyết ùn tắc, giảm tai nạn giao thông, đồng thời, tận dụng nguồn thu đó xây dựng quỹ bảo trì đường bộ là hợp lý.

Theo Bộ trưởng, đây còn là giải pháp “đảm bảo công bằng xã hội”, vì người đi xe máy, ôtô phải cùng Nhà nước xây dựng hạ tầng, người nghèo đi phương tiện công cộng thì không phải đóng góp. Với mức đóng xe máy là 500.000 đồng một năm thì mỗi tháng người dân chỉ phải nộp chưa đến 50.000 đồng.

Bộ trưởng cũng cho biết: dự kiến, về phương án thu phí lưu hành, Cục Đăng kiểm sẽ thu phí ôtô các loại, còn xe máy sẽ do phường xã thu. Với phí lưu hành vào giờ cao điểm sẽ do các thành phố lớn quyết định mức và biện pháp thu.

Với câu hỏi vậy Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thu phí đến khi nào, nếu thu mà vẫn ùn tắc giao thông thì sao? Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: tôi không thể khẳng định các biện pháp bao giờ mới chấm dứt và có giải quyết được hết tai nạn và ùn tắc hay không. Bởi đây chỉ là một trong những giải pháp đồng bộ góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông mà thôi.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate