Ngày 13/9, trong phần giải trình tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề cháy nổ tiếp tục gia tăng trong thời gian qua, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, đã thông tin về vụ cháy chung cư mini xảy ra tại phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Thứ trưởng Bộ Công an cho biết ngay sau khi nhận được tin báo về vụ cháy, lãnh đạo Bộ Công an đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo Công an Hà Nội khẩn trương dập tắt đám cháy, cứu nạn cứu hộ. Tuy nhiên, về thiệt hại, số lượng mà Công an Hà Nội đang thống kê rất nặng nề. Số lượng người bị chết và số bị thương rất lớn.
Liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy, Thứ trưởng Bộ Công an đánh giá các đơn vị có sự quyết liệt trong tổ chức kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện, cũng như cơ quan, doanh nghiệp. Thậm chí, Công an địa phương đình chỉ hoạt động của một số đơn vị không đảm bảo. Dù vậy, số liệu thống kê cho thấy còn trên 38.000 cơ sở chưa khắc phục được.
Bộ Xây dựng đã tham mưu ban hành tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy mới cao hơn so với tiêu chuẩn cũ. Trong khi đó, các cơ sở trước kia xây dựng áp dụng tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy cũ nên khó khắc phục. Lãnh đạo Bộ Công an cho biết nếu đình chỉ các cơ sở này sẽ gây khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ quan, doanh nghiệp. Hiện Bộ Công an đang tiếp tục tham mưu, phối hợp với Bộ Xây dựng để tháo gỡ.
Báo cáo về công tác phòng cháy, chữa cháy, Chính phủ cho biết Bộ Công an, Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phòng cháy, chữa cháy, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cơ quan chức năng cũng tổ chức tổng rà soát toàn quốc các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy, kiên quyết xử lý các vi phạm; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thẩm định, nghiệm thu và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, cũng được đẩy mạnh bên cạnh việc xây dựng, nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại địa bàn cơ sở.
Báo cáo khẳng định quyết liệt tạm đình chỉ, đình chỉ công trình, dự án đang được triển khai, hoạt động có xảy ra vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, nhất là các công trình đưa vào hoạt động khi chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
Báo cáo cũng thừa nhận tình hình cháy, nổ trên toàn quốc vẫn diễn biến phức tạp. Trong kỳ báo cáo, cả nước xảy ra 2.031 vụ cháy (tăng 38,16%), làm 83 người chết (tăng 48,21%), 74 người bị thương (tăng 5,71%), thiệt hại 637 tỷ đồng (giảm 30,37%); xảy ra 8 vụ nổ (giảm 60%), làm 5 người chết (giảm 58,3%), 21 người bị thương (tăng 50%), thiệt hại 50 tỷ đồng (giảm 99%).
Nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ còn rất lớn. Qua rà soát, toàn quốc hiện còn khoảng 38.140 cơ sở đã đưa vào sử dụng còn tồn tại vi phạm về phòng cháy, khó có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng đánh giá vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy được xử lý nghiêm, song cũng nhấn mạnh số vụ cháy, số người chết do cháy tăng mạnh.
Theo số liệu từ Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023 đã xảy ra 881 vụ cháy, làm chết 45 người, bị thương 43 người; về tài sản ước tính sơ bộ thành tiền khoảng 87,15 tỷ đồng và 149,08 ha rừng. Bên cạnh đó, xảy 05 vụ nổ làm 03 người chết và 10 người bị thương.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã trực tiếp tham gia 565 vụ cứu nạn cứu hộ. Tổ chức cứu được 193 người, tìm được 389 thi thể bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.
Trong số các vụ cháy có 320 vụ xảy ra ở nhà dân (chiếm 33,6%); 124 vụ cháy kho, cơ sở sản xuất, kinh doanh (chiếm 13,4%); 99 vụ cháy phương tiện giao thông (chiếm 10,7%); 82 vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh (chiếm 8,9%); 60 vụ cháy rừng (chiếm 6,5%); 24 vụ cháy chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bách hóa (chiếm 2,6%); 12 vụ cháy trụ sở làm việc (chiếm 1,3%); 11 vụ cháy chung cư (chiếm 1,2%); 04 vụ cháy cơ sở giáo dục (chiếm 0,4%); 03 vụ cháy quán bar, karaoke (chiếm 0,3%) và 142 vụ cháy các loại hình cơ sở khác (chiếm 16,1%).
Theo điều tra, nguyên nhân xảy ra 455/881 vụ cháy (chiếm 49,2%) là do sự cố hệ thống, thiết bị điện 299 vụ (chiếm 32,4%); do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 79 vụ (chiếm 8,5%); do sự cố kỹ thuật 07 vụ (chiếm 0,8%); do tai nạn giao thông 03 vụ (chiếm 0,3%); do vi phạm quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy 01 vụ (chiếm 0,1%); do tự cháy 16 vụ (chiếm 1,7%); do tác động hiện tượng thiên nhiên 02 vụ (chiếm 0,2%) và nguyên nhân khác 48 vụ (chiếm 5,2%). Hiện đang tiếp tục điều tra 426/924 vụ (chiếm 48,4%).
Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình cháy và thiệt hại do cháy gây ra vẫn tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp kinh doanh (xảy ra 402 vụ, chiếm 43,5% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (xảy ra 124 vụ, chiếm 13,4% tổng số vụ cháy).
Vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội, xảy ra vào đêm 12/9. Căn nhà này có diện tích hơn 200 m2, với khoảng 150 người dân sinh sống. Vụ cháy đã làm thương vong nhiều người.
Ngay sau khi xảy ra vụ cháy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi công điện yêu cầu UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Công an và lực lượng chức năng khắc phục hậu quả vụ cháy; điều tra nguyên nhân vụ cháy; làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.