Thông tin về việc Hoa Kỳ công bố áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 diễn ra chiều ngày 6/4/2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết điều này có thể gây tác động đáng kể và đa chiều đến hoạt động xuất khẩu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới; tạo ra tác động không tốt đối với hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ảnh hưởng đến phát triển của một một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút đầu tư FDI, đầu tư trong nước, cũng như liên quan đến dịch vụ, việc làm của lao động trong nước.
Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng khác; dệt may, da giày…; phần sản phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo đối mặt nguy cơ giảm kim ngạch xuất khẩu.
TẬP TRUNG XỬ LÝ CÁC VẤN ĐỀ CÒN TỒN TẠI TRONG QUAN HỆ KINH TẾ THƯƠNG MẠI SONG PHƯƠNG
“Khi tăng thuế, giá cả hàng hóa của Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ tăng lên, mức độ cạnh tranh với hàng hóa nước khác sẽ kém đi. Đồng thời, sức mua của người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng suy giảm, nên hàng hóa Việt Nam sẽ giảm”, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài bày tỏ quan ngại. Thứ trưởng cho biết ở đây cũng liên quan đối tác hợp đồng chúng ta đã ký kết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng sẽ xem xét với chính sách như thế này có tiếp tục hợp đồng hay không. Hơn nữa, các hợp đồng mới sẽ tương đối khó khăn.
Hiện nay, Chính phủ đang có những giải pháp tích cực để tiếp xúc với phía Hoa Kỳ và có giải pháp làm sao hài hòa cho chúng ta. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp, tăng cường làm việc ở các cấp của Hoa Kỳ nhằm làm rõ quan điểm của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhắc lại, sau khi Tổng thống Hoa Kỳ công bố mức thuế đối ứng, sáng ngày 3/4/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có Công hàm gửi Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đề nghị tạm hoãn quyết định áp thuế trên để trao đổi, tìm giải pháp hài hòa lợi ích cho cả hai bên; đồng thời, đề nghị thu xếp cuộc điện đàm trong thời gian sớm nhất để trao đổi, xử lý vấn đề này.
Sau đó, tại cuộc điện đàm tối ngày 4/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương, vì lợi ích hai nước; Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là bước tiến quan trọng trong quá trình giải quyết vấn đề thuế quan của Hoa Kỳ.

Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cho biết trong thời gian tới, thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ (TIFA), Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các Bộ ngành liên quan duy trì trao đổi chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ, phối hợp với Hoa Kỳ xử lý những vấn đề tồn tại trong quan hệ kinh tế thương mại song phương, cũng như nghiên cứu những khung khổ hợp tác kinh tế, thương mại phù hợp trong tình hình mới phục vụ lợi ích cộng đồng doanh nghiệp hai nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã lập Tổ công tác tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Tổ phó Tổ công tác, thành viên là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Tổ công tác.
Thời gian tới, Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực, nhất là điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ để chủ động tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp nhằm thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực và các điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ thời gian tới, vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, cục diện đối ngoại thuận lợi, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.
THỰC HIỆN HIỆU QUẢ 7 GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU
Theo Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, trong thời gian tới, xuất khẩu của chúng ta sẽ gặp nhiều thách thức, do đó các bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam để thực hiện hiệu quả các giải pháp đề ra, nhằm đạt được sự tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025.
Thứ nhất, tận dụng thế mạnh sẵn có của 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; 70 cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương.
Thứ hai, đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với các thị trường mới Trung Đông, Mỹ Latinh, Trung Á và các thị trường mới nổi khác.
Thứ ba, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Thứ tư, hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất trong nước, xuất khẩu của Việt Nam đảm bảo sự thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển.
“Chúng ta phải có chính sách quyết liệt hơn với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để thúc đẩy phát triển trong nước, đáp ứng với các yêu cầu xuất xứ của các quốc gia”, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh.
Thứ năm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp cũng như cảnh báo sớm và xử lý kịp thời với các nguy cơ vụ kiện hoặc vụ việc phòng vệ thương mại nhằm hạn chế thấp nhất mức thiệt hại xảy ra cho Việt Nam.
Thứ sáu, mở rộng hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.
Thứ bảy, mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh nhưng bền vững, xanh hóa, số hóa, dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thúc đẩy mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy nội địa hóa; thúc đẩy khai thác thị trường, tài nguyên trong nước.
Đối với doanh nghiệp Việt Nam, để giảm thiểu rủi ro từ các biến động thương mại quốc tế, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước thực hiện các biện pháp sau:
Một là, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về thị trường và chính sách thương mại của các quốc gia, để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.
Hai là, trên cơ sở Hiệp định thương mại tự do đã có, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu: Khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, cũng như phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới.
Ba là, nâng cao chất lượng sản phẩm: Đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường của các thị trường xuất khẩu, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Bốn là, kiểm soát xuất xứ nguyên, vật liệu: Chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong FTA và tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại.
Năm là, tăng cường năng lực phòng vệ thương mại, nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài, thông qua việc cập nhật thường xuyên thông tin và tham gia các khóa đào tạo liên quan.
“Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu trước những biến động của thương mại quốc tế và duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững”, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh; đồng thời, Thứ trưởng khẳng định: Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, và tích cực nghiên cứu mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu tiềm năng.