Tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ nhiều thông tin và định hướng phát triển của Việt Nam, giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước trả lời xác đáng các câu hỏi: Tại sao nên đầu tư vào Việt Nam? Vì sao nên chọn Đà Nẵng? Nên đầu tư vào các lĩnh vực nào?
NỀN TẢNG AN TOÀN, ỔN ĐỊNH
Chia sẻ với các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Chúng tôi biết sức mạnh của mình ở đâu, điểm yếu của mình là gì”. Thủ tướng kỳ vọng trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp sẽ cùng Chính phủ phát huy các thế mạnh, khắc phục điểm yếu, hướng tới xây dựng kinh tế phát triển hùng cường.
Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, thị trường cạnh tranh theo quy luật cung cầu nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết.
Việt Nam chú trọng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Theo đó, mọi người dân, thành phần kinh tế sống và làm việc tuân thủ pháp luật. Ngược lại, người dân và doanh nghiệp được pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp.
Bên cạnh việc hoàn thiện khung khổ pháp luật, Việt Nam cũng tích cực phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Mọi ý kiến đóng góp xây dựng đất nước đều được lắng nghe.
Đường hướng phát triển kinh tế của Việt Nam là an toàn, bền vững. Phát triển để phục vụ con người. Việt Nam tôn trọng quyền con người, phát huy tối đa năng lực con người để phục vụ phát triển, trong đó có người Việt Nam, người nước ngoài.
Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại hoà bình, hữu nghị…là bạn tốt, là đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế, yêu chuộng hoà bình.
Chủ trương của Việt Nam là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nhưng cũng đồng thời hợp tác sâu rộng với thị trường quốc tế: “Chúng tôi có nền kinh tế rất mở, hội nhập sâu rộng, tích cực, chủ động. Vừa qua chúng tôi đã ký 15 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 thị trường lớn trên thế giới, khiến nền kinh tế có độ mở rất cao. Hội nhập nhưng phải đủ sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài. Có như vậy các doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư, mà đầu tư mới có lãi”, Thủ tướng chia sẻ.
Trong bối cảnh dịch bệnh và căng thẳng địa chính trị toàn cầu, Thủ tướng cho biết Việt Nam vẫn giữ được 3 chữ an: "An ninh - An toàn - An dân". Đây là điều kiện rất quan trọng để các doanh nghiệp yên tâm làm ăn, phát triển: “Đầu tư không phải 1 năm, 2 năm, 3 năm mà lâu dài. Có những doanh nghiệp đã đầu tư vào đầy 30 năm và tiếp tục muốn đầu tư nữa”.
Bên cạnh 3 chữ an, kinh tế Việt Nam còn duy trì ổn định, khẳng định khả năng chống chịu trước những cú sốc lớn trong suốt hơn 2 năm vừa qua: “Mấy hôm nữa sẽ công bố số liệu vĩ mô 6 tháng đầu năm nhưng kết quả rất khả quan. Lạm phát đến giờ này vẫn kiểm soát được tốt. Các cân đối lớn của nền kinh tế lớn được đảm bảo, thu đủ chi, xuất khẩu và nhập khẩu cân đối, an ninh lương thực, an ninh năng lượng đảm bảo…”.
Bên cạnh những việc đã làm được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn trong cải cách thể chế, phát triển hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.
“Thực tiễn diễn ra rất nhanh, toàn diện nhưng thể chế chưa thể đáp ứng ngay các yêu cầu của cuộc sống”, Thủ tướng chia sẻ và cho biết Chính phủ đang chỉ đạo các bộ/ngành địa phương cải cách trên tinh thần quyết liệt nhưng không nóng vội, phải bình tĩnh, sáng suốt.
ĐÀ NẴNG ĐÃ “BIẾN KHÔNG THÀNH CÓ, BIẾN KHÓ THÀNH DỄ”
Là người trực tiếp tham gia vào việc chia tách Quảng Nam – Đà Nẵng 25 năm trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng với sự phát triển nhanh của thành phố: “Đà Nẵng đã vươn lên rất mạnh mẽ trên tất cả các mặt, biến không thành có, biến khó thành dễ. Ai đến Đà Nẵng cách đây 25 năm thì cảm nhận điều đó rất rõ. Lúc bấy giờ Đà Nẵng rất khó khăn. Đến nay đã sự khác biệt rất rõ ràng”.
Theo Thủ tướng, tinh thần vượt khó chính là điểm mạnh nhất của Đà Nẵng, bên cạnh những lợi thế khác về vị trí chiến lược, hạ tầng.
Đà Nẵng không chỉ là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, mà còn là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ (gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); là đầu mối giao thông quan trọng, đô thị biển lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên, cửa ngõ phía Đông của Hành lang kinh tế Đông - Tây; dễ dàng kết nối với các trung tâm kinh tế của khu vực (Hồng Kông, Singapore, Malaysia...).
Đà Nẵng có điều kiện tự nhiên thuận lợi; có nhiều danh lam, thắng cảnh, bãi biển đẹp (Non Nước, Mỹ Khê, Thanh Khê, Nam Ô); vừa có đảo, bán bảo, vừa có núi, đồi và đồng bằng. Thời tiết thuận lợi, có vịnh Đà Nẵng với mực nước sâu, thuận lợi xây dựng cảng biển và là nơi trú đậu tránh bão của tàu công suất lớn. Đà Nẵng cũng là một trong 5 ngư trường lớn nhất cả nước với trữ lượng thủy sản chiếm 43% tổng trữ lượng cả nước.
Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam và Đà Nẵng trên tinh thần “chân thành, tin cậy và trách nhiệm”, “đã nói là làm, đã làm là hiệu quả”, luôn “tự hào và vinh dự” khi lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư, cùng nhau chiến thắng, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Người đứng đầu Chính phủ cũng gợi ý 6 lĩnh vực trọng điểm mà các doanh nghiệp nên đầu tư vào Đà Nẵng, bao gồm: Công nghệ thông tin; Phòng chống biến đối khí hậu, năng lượng xanh; Đa dạng hoá chuỗi cung ứng; Hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị; Phát triển thị trường vốn.
Riêng với thị trường vốn, Thủ tướng cho biết vừa qua Chính phủ đã có những biện pháp chấn chỉnh để thị trường phát triển lành mạnh theo hướng công khai, minh bạch, bảo vệ các doanh nghiệp, nhà đầu tư chân chính.
Tới đây, Chính phủ cũng sẽ có những chấn chỉnh trên thị trường bất động sản để dòng tiền đi đúng, đảm bảo ổn định và phát triển kinh tế.
Một lần nữa, Thủ tướng khẳng định không hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp đầu tư vào Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung với sự chân thành, tin cậy và tinh thần trách nhiệm.