June 25, 2022 | 15:48 GMT+7

Tám giải pháp tháo gỡ “nút thắt” môi trường đầu tư của Đà Nẵng

Thu Hằng -

Để tháo gỡ các điểm nghẽn trong môi trường đầu tư kinh doanh, thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách thủ tục hành chính; tăng cường chuyển đổi số…

Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng trình bày về cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng. Ảnh: Ngô Anh Văn.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng trình bày về cơ hội đầu tư vào Đà Nẵng. Ảnh: Ngô Anh Văn.

Tại Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 tổ chức chiều ngày 25/6, trình bày về định hướng thu hút đầu tư của thành phố, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng, đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ các nút thắt về môi trường đầu tư.

ĐÀ NẴNG ĐANG HỒI SINH 

Ông Hồ Kỳ Minh khẳng định, Đà Nẵng đã và đang hồi sinh tích cực và đầy triển vọng. Điều này được minh chứng rõ thông qua sự thăng hạng của các Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp vị trí thứ tư, cải thiện một bậc so với năm ngoái; Chỉ số đánh giá xếp hạng cải cách hành chính (PAR-Index) xếp thứ 3 và Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thuộc nhóm “trung bình cao”.

Mặc dù vậy, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho rằng vẫn còn tồn tại một số điểm nghẽn trong môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố cần tháo gỡ để có thể khơi thông các nguồn lực phát triển. Đó là số lượng và chất lượng nguồn nhân lực Đà Nẵng chưa cân đối, thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng ngoại ngữ, nhất là đối với các ngành nghề mà Đà Nẵng đang tập trung thu hút đầu tư như công nghệ thông tin, logistics, du lịch...

"Công tác cải cách thủ tục hành chính mặc dù được cải thiện nhưng có lúc, có nơi vẫn còn tình trạng không nhất quán trong hướng dẫn, giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp. Một số trường hợp làm kéo dài thời gian giải quyết thủ tục liên quan đến đăng ký đầu tư và giấy phép lao động", ông Hồ Kỳ Minh thừa nhận. 

Bên cạnh đó, tỷ lệ doanh nghiệp FDI dự kiến mở rộng quy mô thấp hơn đáng kể so với mức trung bình cả nước. Ngoài ra, công nghiệp hỗ trợ của thành phố còn kém phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao, dẫn đến khả năng liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp địa phương còn rời rạc và chưa có tác dụng lan tỏa.

Để tháo gỡ những “nút thắt” trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Đà Nẵng cho biết, thành phố đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư đảm bảo phát triển hiệu quả và thực chất.

THU HÚT ĐẦU TƯ CÓ CHỌN LỌC 

Theo đó, thành phố Đà Nẵng đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2022/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 144/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

Hai là tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông và đô thị, trong đó đẩy nhanh khởi công, xây dựng cảng biển Liên Chiểu, mở rộng và nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (mở rộng nhà ga hành khách T1 và xây mới ga hàng hóa) gắn với phát triển dịch vụ logistics và trung chuyển quốc tế, đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông đường bộ kết nối đường cao tốc, đường quốc lộ với ga đường sắt, cảng biển và cảng hàng không quốc tế.

Ba là chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ thông tin đón dòng vốn dịch chuyển quốc tế vào Việt Nam. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu công nghệ cao theo hướng đồng bộ, hiện đại. Hoàn thành thủ tục thành lập, lựa chọn nhà đầu tư và hoàn thiện hạ tầng đưa vào sử dụng các cụm công nghiệp (Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam) và 3 khu công nghiệp (Hòa Cầm - giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh).

Thành phố cũng sẽ sớm đưa Khu Công viên phần mềm số 2, Khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, Cụm Công nghiệp Cẩm Lệ vào khai thác. Trước mắt khởi công, từng bước đưa vào hoạt động đối với các dự án: Tổ hợp Không gian sáng tạo Hòa Xuân, Khu Công nghệ thông tin Danang Bay, Trung tâm phần mềm và công nghệ cao Viettel và tiến tới đầu tư các Khu Công viên Phần mềm số 3, 4.

Bốn là trên cơ sở Quyết định số 359/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch phân khu, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2022 làm cơ sở để triển khai các dự án trọng điểm, kêu gọi đầu tư vào thành phố thời gian tới.

Năm là tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Nghiên cứu, triển khai xây dựng các cơ sở giáo dục mang đẳng cấp quốc tế; mở rộng nâng cấp các chuyên ngành: du lịch, công nghệ thông tin, logistics, tài chính, công nghệ cao... đạt chất lượng quốc tế; chú trọng kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng quản lý và kỹ năng mềm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Cùng với đó là nhân rộng mô hình hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động.

Đại diện các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn. Ảnh: Ngô Anh Văn. 
Đại diện các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn. Ảnh: Ngô Anh Văn. 

Sáu là xác định khâu trọng tâm trong cải cách thủ tục hành chính thành phố là hoàn chỉnh, công khai quy trình chuẩn bị đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư không sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện ngoài các Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung và Cụm công nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các tổ công tác liên ngành do lãnh đạo UBND thành phố là tổ trưởng tiếp tục tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong thủ tục đầu tư, quy hoạch, đất đai, xây dựng, công tác giải tỏa đền bù, bàn giao mặt bằng phục vụ triển khai một số dự án trọng điểm có quy mô vốn đầu tư lớn…

Bảy là tăng cường chuyển đổi số, hoàn thiện mô hình Chính quyền điện tử theo hướng hiện đại; công khai, minh bạch các thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quy hoạch, đầu tư, đất đai, đăng ký kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và giải quyết các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, người dân.

Tám là xây dựng đội ngũ công chức chuyên nghiệp, năng động, lấy doanh nghiệp/nhà đầu tư là đối tượng để phục vụ; tăng cường trật tự kỷ cương trong quản lý hành chính; có cơ chế để khuyến khích sự năng động sáng tạo, bảo vệ tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ công chức, đồng thời có những chế tài rõ ràng, xử lý điều chuyển đối với những cán bộ, công chức trì trệ, nhũng nhiễu.

“Thành phố xác định đầu tư tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Đà Nẵng với những thế mạnh nội tại của mình chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, gắn thu hút đầu tư với đảm bảo quốc phòng - an ninh; bảo vệ tài nguyên và môi trường; gia tăng số lượng dự án FDI có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và gắn kết với đầu tư trong nước nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate