March 29, 2021 | 07:02 GMT+7

Thủ tướng chấp thuận mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên

Hạnh Mai

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên do nhà đầu tư Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện với tổng kinh phí 1.547 tỷ đồng

Sân bay Điện Biên Phủ - Ảnh: VGP
Sân bay Điện Biên Phủ - Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 470/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên với tổng kinh phí 1.547 tỷ đồng.

Theo đó, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên do nhà đầu tư Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện.

Mục tiêu của Dự án là đầu tư xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên công suất 0,5 triệu hành khách/năm, bảo đảm khai thác máy bay A320, A321 và tương đương; tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đồng thời bảo đảm an ninh, quốc phòng của tỉnh Điện Biên nói riêng và cả vùng Tây Bắc nói chung.

Dự án có vốn chủ sở hữu 100% và thời hạn hoạt động dự án là 50 năm. Tiến độ thực hiện 34 tháng kể từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định chủ trương đầu tư dự án và thực hiện giám sát, đánh giá hoạt động đầu tư, quản lý và phối hợp quản lý hoạt động đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Điện Biên chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các thủ tục và bố trí đủ vốn bảo đảm đủ điều kiện thực hiện giải phóng mặt bằng dự án đáp ứng tiến độ triển khai các hạng mục dự án, bảo đảm hiệu quả việc sử dụng đất sau khi thực hiện giải phóng mặt bằng, tránh việc lãng phí tài nguyên. 

UBND tỉnh Điện Biên Chủ trì, phối hợp với các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi, bàn giao đất xây dựng dự án theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định pháp luật hiện hành có liên quan theo tiến độ triển khai dự án. 

Đồng thời, phối với Bộ Tài chính và chỉ đạo các đơn vị liên quan và hướng dẫn ACV thực hiện ưu đãi về thuế và các chính sách liên quan theo quy định của pháp luật hiện hành; phối hợp giải quyết kịp thời các khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp và hướng dẫn ACV trong việc rà soát, hoàn thiện hồ sơ dự án trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, bảo đảm phương thức bay an toàn, phát huy tối đa vai trò, hiệu quả đầu tư dự án và phù hợp Đề án giao, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý và các văn bản pháp luật có liên quan, các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Bộ Giao thông vận tải tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với Dự án trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư và quản lý khai thác, sử dụng Cảng hàng không Điện Biên theo quy định của pháp luật.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ dự án, hiệu quả đầu tư dự án, hiệu quả sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước theo quy định của pháp luật. Tiếp thu, thực hiện các ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan có liên quan tại báo cáo thẩm định. 

ACV có trách nhiệm tổ chức triển khai lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo đúng quy định hiện hành. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt theo quy định. Chỉ được triển khai thực hiện dự án sau khi Báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.

ACV tổ chức, triển khai thực hiện và quản lý dự án theo đúng quy định của pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đảm bảo an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay; bảo đảm phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả khai thác Cảng hàng không Điện Biên.

Thủ tướng chấp thuận mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên - Ảnh 1.

Cảng Hàng không Điện Biên vốn là sân bay dã chiến năm 1954 - cứ điểm 206 - Ảnh: VGP

Cảng Hàng không Điện Biên nằm trên địa bàn phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ - trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh Điện Biên và miền Tây Bắc của Tổ quốc, là nơi diễn ra trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. 

Trước đây là Sân bay Mường Thanh, Cảng Hàng không Điện Biên vốn là sân bay dã chiến năm 1954 - cứ điểm 206, một căn cứ tiếp vận rất quan trọng nằm trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp năm xưa. Đây là cầu nối quan trọng nối liền Thủ đô Hà Nội, các miền trong cả nước và bạn bè quốc tế với Điện Biên; giữ vị trí xung yếu trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh quốc gia.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate