October 16, 2022 | 21:42 GMT+7

Thủ tướng chấp thuận tách cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng thành dự án độc lập

Anh Tú -

Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km được Thủ tướng Chính phủ cho phép tách khỏi dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thành dự án độc lập, để có cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện...

Do nhà đầu tư và các ngân hàng tài trợ gặp khó khăn về nguồn vốn nên cao tốc​ Hữu Nghị - Chi Lăng tạm dừng từ năm 2019 đến nay.
Do nhà đầu tư và các ngân hàng tài trợ gặp khó khăn về nguồn vốn nên cao tốc​ Hữu Nghị - Chi Lăng tạm dừng từ năm 2019 đến nay.

Thủ tướng Chính phủ vừa có công văn số 961 gửi UBND tỉnh Lạng Sơn về việc hoàn thiện thủ tục triển khai dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng, dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.

 

Theo đó, Thủ tướng thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn và ý kiến của các bộ, ngành liên quan về việc tách dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng ra khỏi dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn thành dự án độc lập để triển khai thực hiện theo quy định hiện hành.

Thủ tướng giao UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục là cơ quan chủ quản để tổ chức thực hiện dự án thành phần 2 sau khi tách theo đúng các quy định của pháp luật.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 172/TB – VPCP ngày 13/6/2022; chủ trì, phối hợp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án của dự án thành phần 2 để hoàn thiện các thủ tục chấm dứt phụ lục hợp đồng theo quy định pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, không để xảy ra tranh chấp khiếu kiện; khẩn trương tổ chức hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định.

Trước đó, vào tháng 8, UBND tỉnh Lạng Sơn có Công văn số 920/UBND - KT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện thủ tục triển khai dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Tại công văn này, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Thủ tướng cho phép tách dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km, có mục tiêu kết nối cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với cửa khẩu Hữu Nghị ra khỏi dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thành dự án độc lập để triển khai thực hiện theo quy định hiện hành và giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tổ chức thực hiện dự án sau khi tách.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị người đứng đầu Chính phủ cho phép tỉnh này và các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án của dự án thành phần 2 hoàn thiện các thủ tục chấm dứt phụ lục hợp đồng.

Được biết, dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được phê duyệt vào năm 2018 gồm các dự án thành phần 1 (đoạn Km45+100 - Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500) và dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng), sử dụng 100% vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn vốn khác), xác định tổng mức đầu tư, các chỉ tiêu tài chính, dữ liệu và tính toán phương án tài chính, hoàn vốn đầu tư theo các dự án thành phần trên nguyên tắc độc lập, có sự chia sẻ, quản lý đồng bộ của toàn dự án.

Hiện nay, dự án thành phần 1 (đoạn Bắc Giang – Chi Lăng) hoàn thành, đưa vào khai thác vận hành năm 2020 (không đề xuất điều chỉnh).

Trong khi đó, dự án thành phần 2 do nhà đầu tư và các ngân hàng tài trợ gặp khó khăn về nguồn vốn nên sau khi khởi động năm 2019 đã tạm dừng.

Đến nay, dự án thành phần 2 được cấp có thẩm quyền phê duyệt hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 1.000 tỷ đồng; đồng thời có một số ngân hàng cam kết tài trợ vốn, đảm bảo tính khả thi cho phương án tài chính của dự án.

Tuy nhiên, ngày 18/6/2020 Quốc hội khóa XIV ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP) với nhiều quy định mới chặt chẽ về quản lý phần vốn nhà nước tham gia vào dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Nếu tiếp tục thực hiện dự án như nội dung được phê duyệt thì cần thiết phải thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) thuộc dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Tuy nhiên, do dự án sử dụng nhiều nguồn vốn, có sự tham gia của ngân sách nhà nước, trải qua nhiều giai đoạn thực hiện và được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau (trước và sau khi có Luật PPP) nên gây khó khăn, vướng mắc cho quá trình tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate