Chiều 7/10, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) thông tin về việc tăng cường xuất khẩu hàng nông sản chính ngạch trên các tuyến đường sắt cùng các giải pháp đẩy nhanh thông quan hàng hóa và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh. Qua đó, hạn chế rủi ro, đảm bảo hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giải quyết ùn tắc tại các cửa khẩu đường bộ trong bối cảnh dịch bệnh và phía Trung Quốc vẫn đóng cửa biên giới.
TẮC ĐƯỜNG BỘ, CHUYỂN SANG ĐƯỜNG SẮT
Theo Tổng cục Hải quan, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “zero covid” với các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ngặt nghèo kéo dài, dẫn đến việc lưu thông hàng hóa, phương tiện, con người qua khu vực biên giới phía Bắc gặp nhiều khó khăn, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Kéo theo, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường bộ biên giới phía Bắc liên tục sụt giảm.
"Lượng hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu theo hình thức nhỏ giọt và thường rơi vào trạng thái bị động theo thông báo của cơ quan chức năng Trung Quốc, mặc dù các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, triển khai vùng xanh, vùng đệm tại các cửa khẩu được các địa phương triển khai", báo cáo của Tổng cục Hải quan nêu.
Cụ thể, số liệu thống kê từ cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai cho thấy, tổng giá trị xuất nhập khẩu ước 9 tháng năm 2022 chỉ đạt 1,7 tỷ USD, sụt giảm 39,4% so với cùng kỳ 2021.
Tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai), hoạt động thông quan nhiều thời điểm bị gián đoạn, có khi ngừng thông quan trong thời gian dài. Hiện tại, tuy Trung Quốc nới lỏng phòng chống dịch hơn nhưng tình hình vẫn chưa khôi phục như thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Ngoài ra, các cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh Lào Cai thông quan hàng hóa vẫn hạn chế, chỉ phát sinh hoạt động xuất qua cửa khẩu phụ Bản Vược và cửa khẩu Mường Khương nhưng giá trị không đáng kể.
Trong khi thông thương hàng hoá bằng đường bộ, đường biển bị gián đoạn thì đường sắt có lợi thế vận chuyển thông suốt, ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh, cước phí vận chuyển thấp hơn so với các loại hình vận chuyển khác.
"Từ năm 2017 đến năm 2021, sản lượng vận tải hàng liên vận quốc tế tăng trưởng mạnh. Nếu năm 2017 vận chuyển hơn 870.000 tấn qua cả hai cửa khẩu ga Lào Cai và ga Đồng Đăng thì năm 2021, đạt hơn 1.130.000 tấn. Sản lượng năm 2021 tăng 31% so với năm 2020".
(Số liệu từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam).
Vì vậy, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang lựa chọn hình thức vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt liên vận quốc tế.
Cũng trong năm 2021, sản lượng hàng hóa liên vận quốc tế của Công ty cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) đạt gần 1 triệu tấn, tăng trưởng 300%...
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản chính ngạch trên các tuyến đường sắt.
Trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp sử dụng hình thức vận tải đường sắt, Tổng cục Hải quan vừa chủ trì tổ chức buổi làm việc có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý ngành đường sắt như Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), đại diện các doanh nghiệp, để lắng nghe ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp.
Đồng thời triển khai việc khảo sát tại ga Kép, ga Sen Hồ tỉnh Bắc Giang, nghiên cứu khả năng bố trí, sắp xếp lực lượng hải quan tại các ga này nếu được nâng cấp thành ga liên vận quốc tế.
CHỚP THỜI CƠ, SỚM NÂNG CẤP HẠ TẦNG NHÀ GA
Để tăng cường tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Bộ Tài chính kiến nghị 2 giải pháp chính.
Một là, tăng cường xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính như cửa khẩu Hữu Nghị, Lào Cai, Móng Cái.
Theo đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên môi trường số, thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua các nền tảng, ứng dụng thương mại điện tử.
Cùng với đó, tăng danh mục hàng hoá được phép xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và xây dựng cơ chế quản lý phù hợp đối với hoạt động mua bán, trao đổi của cư dân biên giới.
Mở rộng, nâng cấp các cặp cửa khẩu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thành cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương).
Đặc biệt, Tổng cục Hải quan cho rằng cần đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc trong việc ký kết các Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại trái cây đang được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc để chuẩn hoá các yêu cầu kiểm dịch thực vật, giảm tỷ lệ kiểm tra đối với hàng nông sản của Việt Nam, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục pháp lý, kỹ thuật để mở cửa thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Tăng số lượng các cửa khẩu được phép nhập khẩu nông sản từ Việt Nam.
Hai là, tăng cường hiệu quả, hiệu lực vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua đường sắt.
Tổng cục Hải quan cho biết hiện ngành hải quan đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) và trang bị điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí nhân lực đầy đủ để đảm bảo thực hiện thủ tục hải quan thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường sắt được nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo việc kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, "năng lực vận chuyển, bốc xếp hàng hóa và cơ sở hạ tầng tại ga hiện chưa đáp ứng được xu hướng tăng lên của vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt", Tổng cục Hải quan nêu rõ khó khăn.
"Cần đầu tư cơ sở hạ tầng ngành đường sắt để đủ năng lực đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang tăng lên của thị trường; tận dụng được lợi thế luôn thông suốt, ít bị tác động của dịch bệnh, góp phần giảm chi phí logistics, tăng lưu thông hàng hóa của hình thức vận tải bằng đường sắt liên vận quốc tế", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Để đảm bảo phát triển hiệu quả việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu trên tuyến vận tải đường sắt, cuối tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính có công văn số 4612/BTC-TCHQ gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị thực hiện một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả vận chuyển hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu bằng đường sắt.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị nhanh chóng đầu tư đồng bộ trong việc nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng tại nhà ga, bến bãi tại ga liên vận quốc tế Đồng Đăng (Lạng Sơn), ga liên vận quốc tế Lào Cai và ga liên vận quốc tế Yên Viên như: mở rộng khu vực bãi lưu giữ, xây dựng tường rào chắc chắn, trang bị hệ thống camera, barie, cân điện tử, nhà kho phục vụ kiểm hóa, lưu giữ hàng hóa vi phạm, trang bị máy phát điện cho các chuyến tàu chở hàng.
Cùng với đó, "trình cấp có thẩm quyền quy hoạch bổ sung ga Kép tỉnh Bắc Giang và các ga đủ điều kiện cơ sở hạ tầng để nâng lên thành ga liên vận quốc tế, đáp ứng nhu cầu tăng lên trong vận chuyển liên vận quốc tế bằng đường sắt, khai thác hiệu quả tối đa thế mạnh của ngành đường sắt", Bộ Tài chính kiến nghị.
Đặc biệt, đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt theo quy định tại Điều 5 Luật Đường sắt, cho phép các đơn vị ngoài Tổng công ty đường sắt Việt Nam thực hiện việc khai thác vận tải đường sắt, để tăng tính cạnh tranh và tăng năng suất, hiệu quả trong khai thác, vận tải đường sắt.
Thúc đẩy, ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, trao đổi dữ liệu về hàng hóa, phương tiện vận tải giữa các ga đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam và Trung Quốc, cung cấp thông tin trước về hàng hóa, phương tiện và người xuất cảnh, nhập cảnh của hồ sơ chứng từ khai báo cho cơ quan hải quan, biên phòng, y tế và kiểm dịch bằng phương thức điện tử.
Trước đó, nói về thế khó của mình, Tổng công ty Đường sắt, từng cho biết không thể triển khai đầu tư và kêu gọi bên ngoài đầu tư vào các hạng mục nhà ga, bãi hàng, do kết cấu hạ tầng đường sắt do Bộ Giao thông vận tải là đại diện chủ sở hữu, dẫn đến việc đầu tư nâng cấp, cải tạo chỉ thực hiện được bằng nguồn ngân sách nhà nước, chưa có hướng dẫn về đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Do đó, để nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt, cần tháo gỡ về cơ chế để có giải pháp đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng.
Ngày 16/8 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải có công văn số 8406/BGTVT-VT gửi các bộ, ngành xin ý kiến về việc nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt phục vụ xuất nhập khẩu.
Hồi đáp công văn trên, ngày 19/9, Bộ Tài chính có công văn số 9470/BTC-TCHQ tham gia ý kiến và đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm nghiên cứu, hoàn thiện căn cứ pháp lý liên quan đến việc xây dựng quy hoạch, công bố ga liên vận quốc tế theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Giao thông vận tải. Bộ Tài chính nhất trí với nội dung đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép thuộc tỉnh Bắc Giang.