Chỉ thị nêu rõ, năm 2023, thị trường lương thực toàn cầu có nhiều biến động bất thường nhưng với sự chỉ đạo điều hành sát sao, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương, cùng sự nỗ lực của nông dân, doanh nghiệp, ngành lúa gạo đã đạt được kết quả đáng ghi nhận: xuất khẩu trên 8,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với năm 2022 và là mức cao nhất trong 16 năm qua.
ĐƯA THƯƠNG LÁI VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ NGÀNH HÀNG LÚA GẠO
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành hàng lúa gạo nước ta còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục: Chưa chủ động được nguồn vật tư đầu vào, giá cả chưa được kiểm soát chặt chẽ, luôn ở mức cao; tỷ lệ cơ giới hóa ở nhiều khâu sản xuất thấp, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao. Trong khi đó, chuỗi liên kết sản xuất giữa người nông dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, thiếu tính bền vững; chưa đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, vẫn phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.
Những tháng đầu năm 2024, thị trường lúa gạo khu vực và thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tâm lý một số doanh nghiệp và người nông dân. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số cơ quan liên quan thì tình hình xuất khẩu gạo vẫn thuận lợi, nhu cầu gạo của các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao do tác động của hiện tượng El Nino và xung đột vũ trang.
"Hiện nay, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa vụ Đông Xuân, nhưng có hiện tượng doanh nghiệp chờ đợi giá lúa xuống thấp, còn người dân mong muốn bán được giá lúa cao như các tháng cuối năm 2023. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa", Chỉ thị chỉ rõ.
"Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát, theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới; chủ trì đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện "Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030" và các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại các Chỉ thị, Công điện về thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu gạo".
Theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024.
Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo lành mạnh, minh bạch, phản ứng linh hoạt, kịp thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VINAFOOD I), Tổng công ty Lương thực miền Nam (VINAFOOD II) và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức thu hoạch lúa vụ Đông Xuân theo đúng thời vụ, giảm thiểu đến mức thấp nhất tổn thất sau thu hoạch; kịp thời chỉ đạo tổ chức sản xuất vụ Hè Thu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng theo dõi sát tình hình, kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về diễn biến thị trường lúa, gạo để người dân, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời cần khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi và đảm bảo lợi ích chính đáng của người nông dân trồng lúa, giữ uy tín cho mặt hàng gạo của Việt Nam.
“Phải nghiên cứu tinh giản đầu mối xuất khẩu gạo, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh nhưng không quá phân tán, hiệu quả kinh doanh, uy tín của gạo Việt Nam”, Chỉ thị nhấn mạnh.
Bộ Công Thương phải phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh các hoạt động phát triển thị trường và xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng gạo gắn với dịch vụ logistics ra thị trường quốc tế. Phải nghiên cứu thúc đẩy việc triển khai sàn giao dịch hàng hóa nông sản, trong đó có sàn giao dịch thóc gạo để đảm bảo công khai, minh bạch trong kinh doanh lúa, gạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương nghiên cứu xây dựng thí điểm các mô hình đưa các "thương lái" vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa, gạo để vừa phát huy vai trò là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp, vừa hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho các bên tham gia chuỗi giá trị.
TRIỂN KHAI CÓ HIỆU QUẢ ĐỀ ÁN 1 TRIỆU HA LUA CHẤT LƯỢNG CAO, PHÁT THẢI THẤP
Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý vướng mắc về hoàn thuế VAT theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Mặt khác, chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương tính toán, có phương án mua dự trữ gạo phù hợp, hiệu quả, đúng quy định.
"Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi, đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng phục vụ thu mua lúa và xuất khẩu gạo, nhất là thu mua lúa hàng hóa vụ Đông Xuân 2023-2024 tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long".
Theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030". Chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho các hợp tác xã nông nghiệp trong việc tổ chức sản xuất, cung ứng các dịch vụ đầu vào, tiêu thụ lúa, gạo. Cùng với đó, đẩy mạnh tập huấn trang bị kiến thức cho nông dân về thị trường, kinh doanh nông nghiệp, chuyển đổi tư duy, áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất lúa gạo, nhất là giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc thiết bị. Mặt khác, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Công điện số 13/CĐ-TTg ngày 6/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản.