Nguồn tin từ TTXVN cho biết, tại phiên họp thứ 14 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ngày 6/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị Bộ Công an làm rõ ngoài các hành vi cố ý làm trái, cần điều tra dấu hiệu tham nhũng đối với vụ Vinashin để xử lý.
Đối với vụ việc tại Nông trường Sông Hậu, Thủ tướng cũng yêu cầu cần làm rõ hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên trong quá trình xử lý lưu ý xem xét các yếu tố giảm nhẹ, thành tích trong công tác của các bị can.
Theo Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Vũ Tiến Chiến, đối với 11 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà Ban đang tập trung chỉ đạo, đến nay tòa án đã thụ lý 3 vụ là vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Công ty Xăng dầu Hàng không; vụ Nguyễn Anh Tuấn và đồng phạm cố ý làm trái xảy ra tại Sở Quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; vụ Phạm Trọng Thi lợi dụng chức vụ xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghiệp rừng Tây Nguyên thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam. Viện Kiểm sát truy tố 5 vụ; 3 vụ khác đang được cơ quan điều tra điều tra bổ sung.
Dự kiến, trong chương trình công tác quý 2, Ban chỉ đạo sẽ đôn đốc các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung kết luận, giải quyết dứt điểm 4 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, kéo dài như vụ án tại Nông trường Sông Hậu, làm rõ hành vi lập quỹ trái phép của các bị can; vụ Nguyễn Đình Thản, nguyên Giám đốc Vinaconex 10 - Đà Nẵng nhận hối lộ, qua 4 năm vẫn chưa có sự đồng thuận của các cơ quan tố tụng về tội danh; vụ Công ty Xăng dầu Hàng không, khởi tố từ 2004, xử lý dứt điểm trong tháng 5/2011; vụ án Trần Văn Khánh, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Vật tư nông nghiệp đã qua 3 lần xét xử.
Ngoài ra, Ban chỉ đạo sẽ tập trung chỉ đạo một số vụ án có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng như vụ việc tại Công ty Cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vụ việc tại Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn.
Phát biểu tại phiên họp, các ủy viên Ban chỉ đạo đều cho rằng, tiến độ điều tra các vụ án trọng điểm quá chậm, có vụ kéo dài 3-4 năm vẫn chưa kết luận. Việc tổng kết các bài học kinh nghiệm thông qua các vụ án tham nhũng chưa thực sự được chú trọng. Việc thành lập trung tâm giám định tư pháp chưa kịp thời…
Đánh giá kết quả công tác phòng chống tham nhũng toàn khóa nói chung và quý 1 năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên mọi lĩnh vực, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước trong phát triển kinh tế-xã hội; góp phần vào thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.
Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử củng cố niềm tin của người dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ, mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Trong quý 1 vừa qua, việc phát hiện các vụ việc phòng chống tham nhũng còn ít; tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng nói chung còn chậm, dẫn đến hạn chế tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm tham nhũng, gây ra hoài nghi trong dư luận.
Chỉ đạo nhiệm vụ quý 2, Trưởng ban Chỉ đạo đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng nhất là trong các lĩnh vực quản lý đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý vốn, tài sản trong doanh nghiệp Nhà nước; việc sử sụng kinh phí, ngân sách Nhà nước…
Thủ tướng lưu ý, trong công tác bầu cử, cần làm tốt việc kê khai tài sản ứng cử viên, không bầu những người tham nhũng tham gia đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân.
Cũng tại phiên họp thứ 14, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trương Vĩnh Trọng đã công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Đình Phách, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, giữ chức Chánh văn phòng Ban chỉ đạo thay ông Vũ Tiến Chiến, được nghỉ hưu từ ngày 1/5.
(TTXVN)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate