July 02, 2021 | 09:30 GMT+7

Thủ tướng chỉ đạo thực hiện bằng được mục tiêu kép, quyết liệt triển khai chiến lược vaccine

Tiến Dũng -

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cả nước vẫn đang thực hiện tốt "mục tiêu kép", tuy nhiên thách thức trước mắt nhiều hơn thuận lợi, do đó cần kết hợp sáng tạo và hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới...

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp - Ảnh: VGP

Về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, Thủ tướng khẳng định những kết quả tích cực đạt được trong 6 tháng đầu năm, nhất là tăng trưởng GDP, cho thấy nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, chiến lược vaccine đang được triển khai rất trúng, đúng, kịp thời, phù hợp tình hình và đang từng bước được thực hiện hiệu quả.  

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức như dịch bệnh phức tạp tại nhiều địa phương phía Nam, trong đó có TPHCM; giá nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận tải cao do hệ thống giao thông còn bất cập; nợ thuế tăng cao; một bộ phận người lao động bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19...

CHƯA THAY ĐỔI MỤC TIÊU ĐỀ RA, THỐNG NHẤT 2 KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG

Theo Thủ tướng, dự báo tình hình thời gian tới có cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen nhau, trong đó phải xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Nhưng không được vì thế mà bi quan, lo sợ, “xác định như vậy để nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm cao hơn, cố gắng, quyết liệt hơn”.

Xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, “tự vươn lên từ bàn tay khối óc, khung trời, cửa biển”, “biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể…”, không trông chờ ỷ lại một cách thụ động để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

"Chúng ta thống nhất chưa thay đổi mục tiêu đã đề ra và thống nhất với 2 kịch bản tăng trưởng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng (tăng trưởng GDP cả năm 6% theo kịch bản 1 và 6,5% theo kịch bản 2)", Thủ tướng khẳng định. "Kịch bản nào thì cũng phải cố gắng rất nhiều với các giải pháp khả thi, hiệu quả mới có thể đạt được"

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng 2 kịch bản thực hiện mục tiêu tăng trưởng đã được Quốc hội và Chính phủ giao.

Theo kịch bản thứ nhất, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6%, quý III cần đạt mức tăng trưởng là 6,2% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,5 điểm phần trăm), quý IV tăng 6,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,2 điểm phần trăm).

Theo kịch bản thứ hai, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, quý III phải đạt mức tăng trưởng là 7% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,3 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,5% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,8 điểm phần trăm).

Thủ tướng nêu rõ quan điểm chỉ đạo là phải kiên trì thực hiện mục tiêu kép nhưng không máy móc, cứng nhắc; phải chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hài hòa giữa phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội.

"Có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phòng chống dịch; có nơi, có lúc phải ưu tiên cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; có nơi, có lúc phải đồng thời cân bằng, hài hòa cả hai mục tiêu, nhiệm vụ này", Thủ tướng nhấn mạnh. "Điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác, vừa giữ ổn định vĩ mô, vừa thúc đẩy phát triển, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn". 

"LÀM VIỆC NÀO DỨT ĐIỂM VIỆC ĐÓ", HẠN CHẾ "GIẢI CỨU" NÔNG SẢN

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nêu rõ phòng chống Covid-19 là nhiệm vụ phải tập trung trong thời điểm hiện nay trên phạm vi toàn quốc và ở một số địa phương. Đồng thời, phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công chiến lược vaccine, làm sao để tiếp cận và mua vaccine bình đẳng, nhanh nhất, nhiều nhất có thể; thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước; tổ chức tiêm vaccine hiệu quả, kịp thời.

 

Chính phủ tiếp tục kêu gọi nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, ủng hộ Đảng, Nhà nước, Chính phủ để vượt qua mọi khó khăn, thách thức và thực hiện bằng được các mục tiêu, giải pháp mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép, mục tiêu kép, không thể thiếu sự đồng hành, chia sẻ của nhân dân, của doanh nghiệp

THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH

Thủ tướng cũng lưu ý hết sức linh hoạt trong việc phong tỏa, cách ly phòng, chống Covid-19, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Về thương mại, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm của các mặt hàng có thể mạnh, nhất là rau củ quả để tiếp tục mở rộng thị trường, tận dụng hiệu quả các FTA đã ký kết. Bảo đảm mục tiêu cán cân thương mại hài hòa, bền vững; có biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp.

Mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, nhất là trái cây, có chiến lược, quy hoạch phát triển nông nghiệp dài hạn, hạn chế tình trạng phải “giải cứu”. 

Với ngành dịch vụ, thủ tướng yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ, tính toán, tổ chức lại để giảm chi phí vận tải, bên cạnh vấn đề lâu dài là phát triển hạ tầng chiến lược thì cần giải quyết ngay những khó khăn trước mắt. Tính toán triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng thị trường trong nước. Thủ tướng nhắc tới việc Bắc Giang tiêu thụ hơn 200.000 tấn vải thiều trong bối cảnh dịch bệnh như một ví dụ cho thấy “cái khó ló cái khôn”.

Thủ tướng cũng chỉ đạo tăng cường đảo đảm an ninh năng lượng; có chính sách phát triển năng lượng dài hạn, bám sát hình hình thực tế và theo cơ chế thị trường, hoàn thành Quy hoạch điện VIII, phát triển cơ cấu nguồn điện hợp lý.

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh bối cảnh hiện nay là thời cơ thuận lợi cho chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, cần có kế hoạch, chương trình để thúc đẩy.

Về đầu tư, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến chế tạo.

"Thời gian tới, Chính phủ sẽ bàn chuyên đề riêng về huy động các nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển, giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác công tư trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược; tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách trong giải ngân vốn ODA", Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng cũng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, có giải pháp khôi phục lao động, việc làm ngay tại những nơi có dịch theo hướng thích nghi với điều kiện mới, “vừa sản xuất, vừa chống dịch” như kinh nghiệm tại Bắc Ninh, Bắc Giang vừa qua, không để đứt gãy thị trường lao động.

Nhấn mạnh yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải chủ động, nỗ lực giải quyết các nhiệm vụ tồn đọng, kéo dài theo tinh thần “làm việc nào dứt điểm việc đó”, Thủ tướng nhắc tới một số ví dụ cụ thể như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, dự án chống ngập tại TPHCM đừng để dây dưa, kéo dài…

Thủ tướng lưu ý các bộ, cơ quan, địa phương quan tâm kết thúc thắng lợi năm học, tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia nghiêm túc, an toàn, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh và gia đình trong điều kiện dịch Covid-19.

“Chính phủ tiếp tục kêu gọi nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, ủng hộ Đảng, Nhà nước, Chính phủ để vượt qua mọi khó khăn, thách thức và thực hiện bằng được các mục tiêu, giải pháp mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép, mục tiêu kép, không thể thiếu sự đồng hành, chia sẻ của nhân dân, của doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate