Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 26 địa phương từ Thanh Hóa trở ra phía Bắc. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Bí thư, Chủ tịch UBND 26 tỉnh, thành phố.
Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị đánh giá bão số 3 là cơn bão có cường độ rất mạnh. Sau khi càn quét tại các đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ với gió cấp 13, giật cấp 16, vùng tâm bão đã đổ bộ vào đất liền khu vực Quảng Ninh - Hải Phòng với gió cấp 11-12, giật cấp 14, cá biệt ở Bãi Cháy (Quảng Ninh) đo được gió cấp 14, giật cấp 17.
Tối và đêm ngày 7/9, bão đi sâu vào đất liền, tiếp tục ảnh hưởng đến Đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm cả Thủ đô Hà Nội có gió cấp 7, giật cấp 9-10), 4h sáng nay (ngày 8/9), bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở khu vực Tây Bắc Bộ (khu vực Sơn La) và tan dần.
Bão gây mưa lớn trước, trong và sau bão tại khu vực Bắc Bộ (từ Thanh Hóa trở ra), đặc biệt là các tỉnh nam Đồng bằng Bắc Bộ.
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xác định đây là cơn bão rất mạnh, có sức tàn phá lớn, cả hệ thống chính trị (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng Chính phủ; các bộ, ngành; đặc biệt là Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố; các lực lượng quân đội, công an, xung kích phòng chống thiên tai) và người dân đã vào cuộc ứng phó với bão.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 công điện (số 86/CĐ-TTg ngày 3/9, số 87/CĐ-TTg ngày 5/9 và số 88/CĐ-TTg ngày 6/9) và trực tiếp chỉ đạo các cơ quan, địa phương tập trung ứng phó với bão từ sớm, từ xa, với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để hạn chế thiệt hại.
Thủ tướng đã phân công Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó; quyết định lập Ban chỉ đạo tiền phương do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Trưởng ban đóng tại Quân khu 3 để trực tiếp phối hợp với các địa phương ứng phó khi bão đổ bộ vào đất liền.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành khác có liên quan và các địa phương đã chủ động chỉ đạo, triển khai ứng phó với bão.
Các lực lượng kịp thời hướng dẫn cho 51.319 tàu cá/219.913 người và nhiều tàu vận tải, tàu khách du dịch di chuyển tránh trú bão; đã sơ tán 52.979 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, nơi không an toàn; đã chủ động tiêu rút nước giảm ngập; bảo đảm an cho đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất.
Theo báo cáo của các địa phương, tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù đã tập trung, quyết liệt chỉ đạo từ sớm, từ xa như vậy nhưng bão số 3 vẫn gây những thiệt hại lớn về người, nhà cửa, hạ tầng (nhất là điện lực, viễn thông), tàu thuyền, cây xanh, sản xuất nông nghiệp…
Thống kê sơ bộ thiệt hại (cập nhật mới nhất đến thời điểm sáng 8/9), đã có 4 người chết (Quảng Ninh 3, Hải Dương 1); 200 người bị thương (Quảng Ninh 58, Hải Phòng 20); 13 người mất tích (7 người trên tàu Tiến Thành 5 và 6 người trên tàu kéo biển Hồng Gai bị đứt neo trôi dạt không liên lạc được).
Một số tàu, thuyền bị chìm tại nơi neo đậu tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương; mất điện, mất liên lạc diện rộng, nhất là ở Quảng Ninh, Hải Phòng; nhiều nhà cửa, công trình công cộng bị hư hỏng, tốc mái và rất nhiều cây xanh bị ngã đổ tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang,...
Gần đây nhất, sáng sớm nay (ngày 8/9), sạt lở đất gây sập đổ nhà, vùi lấp 5 người tại Xóm Chầm, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình (hiện đang phải triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn).
Hiện nay, bão cơ bản đã tan, nhưng theo dự báo, mưa lớn còn kéo dài đến hết ngày mai (9/9) ở các tỉnh Bắc Bộ, nguy cơ tiếp tục xảy ra ngập úng cục bộ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại khu vực miền núi.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau Hội nghị, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục về các địa phương để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, ứng phó thiên tai sau bão; tổ chức các tổ công tác gọn nhẹ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Thủ tướng đánh giá cơn bão số 3 có cường độ mạnh, tăng nhanh; mạnh nhất trong 30 năm qua; tăng cấp không theo quy luật; thời gian lưu bão trên đất liền dài hiếm có; diễn ra trên diện rộng.
Công tác dự báo, ứng trực, lãnh đạo, chỉ đạo, thông tin truyền thông cơ bản đáp ứng yêu cầu; các bộ, ngành, cơ quan, địa phương vào cuộc quyết liệt theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, thiệt hại vẫn rất lớn.
Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi chia sẻ của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương có mất mát về người và tài sản do bão số 3.
Cùng với đó, biểu dương Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là bí thư, chủ tịch các địa phương, các lực lượng quân đội, công an, các lực lượng liên trong phòng chống và khắc phục hậu quả bão.
Biểu dương và hoan nghênh các cơ quan chuyên môn (như các ngành công thương, giao thông vận tải, viễn thông, điện, nước, y tế, giáo dục) đã nghiêm túc, kịp thời chấp hành các công điện của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan báo chí đã làm tốt công tác truyền thông.
Đồng thời, cảm ơn nhân dân, doanh nghiệp đã cơ bản chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và hỗ trợ, giúp đỡ nhau khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Thủ tướng nêu rõ 5 mục tiêu thực hiện trong thời gian tới.
Một là tập trung cao độ cho việc cứu người, rà soát, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa những người bị thương, nhất là những người bị thương nặng; lo hậu sự cho những người xấu số.
Hai là không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa; không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh.
Ba là khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông và các lĩnh vực khác để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Bốn là thống kê thiệt hại chính xác, khách quan để có giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả, kịp thời.
Năm là ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún.
Về giải pháp, Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các bộ, ngành có liên quan chủ động, tích cực triển khai các công việc để khắc phục hậu quả bão theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; các Bộ: Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện nghiêm các nhiệm vụ quản lý nhà nước theo thẩm quyền (về hướng dẫn, quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn…), nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các lực lượng cứu nạn cứu hộ tiếp tục ứng trực để kịp thời ứng cứu, khắc phục hậu quả, ứng phó thiên tai. Các cơ quan liên quan tiếp tục duy trì công tác dự báo và truyền thông; chú ý thông tin hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai.
Chính quyền địa phương, các bộ, ngành theo thẩm quyền sử dụng dự trữ cho phòng chống thiên tai (về tài chính, phương tiện, vật tư…) để khôi phục các hoạt động trở lại bình thường.
Các địa phương xuất cấp dự trữ để khắc phục các vấn đề cấp bách về ăn, mặc, ở, học tập, khám chữa bệnh của người dân và đề xuất hỗ trợ của Trung ương từ ngân sách dự phòng, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì xử lý, quyết định, việc này cần làm ngay, hoàn thành trước 18h ngày hôm nay và sau đó tiếp tục bổ sung nếu cần thiết.
"Đặc biệt, các địa phương phải thống kê ngay, xuất cấp ngay gạo dự trữ, cần bao nhiêu xuất bấy nhiêu, quan trọng là phải thống kê chính xác, minh bạch, tránh tiêu cực xảy ra", Thủ tướng nhấn mạnh. Cùng với đó, tập trung sửa chữa trường học, lớp học.
Đặc biệt, Thủ tướng kêu gọi các người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp không bị thiệt hại hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp bị thiệt hại, "có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, có của góp của, có công góp công, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta.
Thủ tướng chỉ ra một số bài học quan trọng: Lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là bí thư, chủ tịch địa phương phải bám sát tình hình, quyết liệt, dứt khoát, có trọng tâm, trọng điểm; các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải chấp hành nghiêm chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, chủ động, tích cực, sáng tạo trong phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả; huy động "4 tại chỗ" triệt để, diễn tập thường xuyên, sát tình hình, chuẩn bị dự trữ đầy đủ; làm tốt công tác truyền thông và biểu dương, khen thưởng, kỷ luật, xử lý kịp thời.