Cùng dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, các địa phương có các tuyến cao tốc đi qua.
Cả ngày 5/2, đoàn công tác đã kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đúc rút các kinh nghiệm, bài học trong công tác thi công các dự án cao tốc: Nha Trang - Cam Lâm (theo hình thức PPP), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (hình thức PPP), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (đầu tư công), Phan Thiết - Dầu Giây (đầu tư công). Trước đó, ngày 4/2, Thủ tướng cũng đã kiểm tra các dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu qua địa phận các tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, với 4 dự án nói trên, đến thời điểm này, về cơ bản, vốn đã đủ, mặt bằng đã sạch, đất đá làm vật liệu đã có, vấn đề là tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả nhất.
Các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ ngành cho biết, qua hai ngày làm việc trên công trường, các cơ quan đã rút ra được nhiều kinh nghiệm rất sâu sắc. Theo đó, phải lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực để tham gia dự án; phải thưởng phạt hợp đồng công bằng,…
Các đại biểu cũng đề nghị các địa phương phải tích cực vào cuộc giải phóng mặt bằng; cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi quy định theo hướng giao mỏ vật liệu cho nhà đầu tư, nhà thầu dự án cao tốc khai thác, thay vì giao cho người khác rồi nhà đầu tư, nhà thầu phải mua lại với giá cao,…
Các ý kiến cũng thống nhất cho rằng cần đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương trong triển khai các dự án cao tốc.
"Nếu không thì Bộ không có cách nào giải ngân được số vốn đầu tư công mỗi năm lên tới gần 100 nghìn tỷ đồng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.
Các ý kiến cho rằng, trước đây, mỗi năm chúng ta hoàn thành khoảng 60-70km cao tốc, trong khi tới cuối nhiệm kỳ này phải có khoảng 3.000km cao tốc. Điều này đòi hỏi nỗ lực rất lớn và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt nhiệm vụ này trong thời gian qua.
Đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải - nhà đầu tư tại dự án PPP cao tốc Nha Trang – Cam Lâm - cam kết vượt tiến độ một quý và hứa sẽ thực hiện một trong những dự án đẹp nhất Việt Nam, để người dân sẽ được đi trên con đường không kém gì các nước tiên tiến.
NHIỀU VẤN ĐỀ, TRĂN TRỞ CẦN SUY NGHĨ
Kết luận cuộc họp, ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, sát thực tế, Thủ tướng cho biết ông rất trăn trở khi trong 20 năm qua, chúng ta mới chỉ triển khai được trên 1.000km cao tốc.
"Đầu tư công những năm qua luôn chậm trễ, phải xử lý tình huống, dẫn tới bị động, lúng túng và hiệu quả không cao. Hơn nữa, khi chúng ta đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tổng số vốn đầu tư công cần hấp thụ trong năm 2022-2023 rất lớn, nếu không đổi mới tư duy, cách tiếp cận, cách làm, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra thì không thể hoàn thành nhiệm vụ", Thủ tướng chỉ ra và khẳng định đây là những lý do cần thiết để tổ chức cuộc khảo sát "xuyên Tết, xuyên Việt" lần này của đoàn công tác.
Thủ tướng chỉ ra một số vấn đề cần suy nghĩ sau thực tiễn kiểm tra.
Thứ nhất, trong 11 dự án thành phần của tuyến cao tốc phía Đông, cho tới nay mới chỉ có dự án Cao Bồ - Mai Sơn đã hoàn thành, vừa được khánh thành ngày 4/2. Dự án này giao cho tỉnh Ninh Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ hai, các dự án PPP có bình quân đơn giá không quá 150 tỷ đồng mỗi km đường nhưng các dự án đầu tư công thì bình quân trên dưới 200 tỷ đồng.
Thứ ba, vấn đề các mỏ đất đá làm nguyên vật liệu xây dựng, liệu có sơ hở nào về mặt pháp lý không?
Thời gian qua, nhiều chủ mỏ găm vật liệu trong lúc chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc, khiến cản trở tiến độ, nâng giá, gây cạnh tranh không lành mạnh và nảy sinh nhiều tiêu cực, tạo nguy cơ "mất tiền, mất thời gian, mất cán bộ".
"Quy trình, thủ tục có đúng không, không đúng thì phải thu hồi. Quy trình, thủ tục đúng nhưng làm không đúng thì phải xử lý. Quy trình, thủ tục đúng, làm đúng nhưng giá vật liệu cao, không hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước và nhân dân thì phải điều chỉnh. Các cơ quan phải nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có biện pháp phù hợp tình hình", Thủ tướng phát biểu.
Thứ tư là quy định hiện hành về hợp tác công tư (PPP). Thực tế cho thấy tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, hiện phần vốn nhà nước khoảng 60%, vốn ngoài nhà nước khoảng 40%, trong khi Luật đầu tư PPP (có hiệu lực sau khi dự án được thông qua) đang quy định vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng vốn đầu tư. Như vậy, sẽ bỏ lỡ gần 40% vốn của các nhà đầu tư trong dự án.
Trên cơ sở những phân tích đó, Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm được rút ra sau khi kiểm tra, làm việc.
Một là, phải giao nhiệm vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đầu tư các dự án cho phù hợp, ai làm tốt nhất thì giao, tinh thần là tăng cường phân cấp phân quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ thực thi.
Hai là, các cơ quan có liên quan phải làm tốt, làm kỹ công tác chuẩn bị đầu tư.
Ba là, công tác giải phóng mặt bằng nhanh, gọn, đúng pháp luật, các dự án tái định cư phải bảo đảm cuộc sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Cùng với đó, cần xử lý vấn đề nguyên vật liệu cho các dự án đúng luật, hài hòa lợi ích của nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp. Việc thưởng phạt thi công hợp đồng phải rất nghiêm minh, công bằng. Việc phối hợp giữa các cơ quan, địa phương, đơn vị phải chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa.
Một vấn đề khác được Thủ tướng lưu ý là tránh tình trạng có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường, mất nhiều thời gian làm các thủ tục, khó kiểm soát tiến độ và chất lượng, dễ nảy sinh tiêu cực.
"Một nhà thầu thi công 3km, 4km mà làm trong 2 năm, 3 năm, tức là nhà thầu không đủ năng lực", Thủ tướng phân tích.
CẢ NƯỚC CHUNG TAY PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG, ĐẶC BIỆT LÀ HẠ TẦNG GIAO THÔNG
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các chủ thể tham gia các dự án, gồm các nhà đầu tư, cơ quan chủ quản đầu tư, các nhà thầu thi công, tư vấn, giám sát, các địa phương, các bộ ngành có liên quan, Chính phủ và các cơ quan quản lý các cấp, phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và các hợp đồng đã ký kết, tăng cường trách nhiệm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, của nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu tiến độ chung của các dự án phải đẩy nhanh hơn ít nhất một quý.
"Điều này có cơ sở khoa học và thực tiễn khi năm nay có điều kiện thuận lợi hơn năm 2021 do dịch bệnh được kiểm soát, người dân đang được tiêm vaccine mũi 3, các đơn vị đã có nhiều kinh nghiệm hơn và thời tiết ở nhiều nơi cũng đang ủng hộ việc thi công. Cần tăng cường đôn đốc, phối hợp, thi công "3 ca 4 kíp", thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy trình, điều kiện, quy định, bám sát, kiểm soát tiến độ hằng tuần, hằng tháng, hằng quý", ông nói.
Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm soát, bảo đảm, nâng cao chất lượng các dự án. Muốn vậy, phải kiểm tra chặt chẽ từ nguyên vật liệu tới khâu thi công; nâng cao trách nhiệm của các cơ quan giám sát, kiểm tra, nghiệm thu đúng quy định, quy trình, tránh việc sau khi làm xong lại hỏng hóc, phát hiện sai phạm và phải xử lý cán bộ.
Các dự án phải tiết kiệm tối đa bằng việc bảo đảm tiến độ, tăng cường ứng dụng các công nghệ hiện đại, thay đổi biện pháp thi công, không ngừng sáng kiến để tăng năng suất lao động, tận dụng và sử dụng hợp lý các nguồn lực… Lựa chọn phương án có hiệu quả nhất, không máy móc, có thể chấp nhận đắt hơn nhưng nhanh hơn.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phải phối hợp chặt chẽ để xử lý kịp thời các vấn đề tài chính, giải phóng mặt bằng, thể chế…
Trong đó, các địa phương cần làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; quy hoạch không gian phát triển mới; quản lý nguyên vật liệu thật chặt chẽ để bảo đảm lợi ích nhà nước và người dân, tránh trục lợi chính sách; bảo đảm môi trường, hoàn nguyên sau khi dự án hoàn thành…
Muốn giải phóng mặt bằng tốt, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để làm thật tốt công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu rõ về tầm quan trọng, ý nghĩa của dự án, đồng thời có chính sách đền bù thỏa đáng.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân đã nhường mặt bằng cho các dự án. Phải kiểm tra, rà soát lại để thực hiện bằng được chủ trương của Đảng, Nhà nước là bảo đảm người dân tại nơi ở mới có đời sống có bằng hoặc hơn nơi ở cũ, hướng tới cuộc sống năm sau phải hơn năm trước, nếu kém hơn thì phải có giải pháp ngay.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát các quy định, quy định nào không sát thực tiễn cuộc sống thì phải đề xuất sửa ngay. Trong khi chờ sửa đổi các quy định, các địa phương chủ động tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật nếu có hiện tượng các chủ mỏ nguyên vật liệu cấu kết để găm hàng, nâng giá, trục lợi.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan có hướng dẫn chung về chất lượng, giá cả nguyên vật liệu xây đắp cao tốc để các địa phương và các chủ thể liên quan thực hiện.
Thủ tướng hoan nghênh các nhà đầu tư PPP đã tham gia vào các dự án trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn như vừa qua, đồng thời hoan nghênh việc qua đấu thầu, đã có những dự án giảm được gần 1.000 tỷ đồng so với dự toán ban đầu. Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng theo các quy định, nếu đúng là giảm được chi phí thì tính toán việc thưởng cho nhà thầu để khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xây dựng nghị định về vấn đề thưởng phạt thi công hợp đồng, trình ban hành trong thời gian sớm nhất. Trong đó, liên quan đến đề xuất nhà đầu tư được xây dựng trạm dừng nghỉ khi xây dựng tuyến đường, Thủ tướng đồng tình về chủ trương, với quan điểm ưu tiên cho nhà đầu tư.
Về bố trí giải ngân vốn, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng thông tư, những nội dung chưa sát thực tế cần phải điều chỉnh lại. Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, triển khai việc bán quyền khai thác tuyến đường đầu tư công theo tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, làm từ ít đến nhiều, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp.
Thủ tướng yêu cầu các bộ xem xét, giải quyết ngay các đề xuất của nhà đầu tư, nhà thầu liên quan tới chi phí dự án, vấn đề kỹ thuật, thiết kế, thiết bị,... theo các quy định của pháp luật.
Về lâu dài, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa quy định hiện hành để huy động tối đa các nguồn vốn từ bên ngoài nhà nước.
"Trên tinh thần hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân, hợp tác PPP phải huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ngoài nhà nước, có thể qua thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vốn tín dụng, hợp đồng hợp tác kinh doanh và các nguồn hợp pháp khác", ông nói.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải rút kinh nghiệm để làm tốt hơn khi thực hiện giai đoạn tiếp theo của các dự án và các dự án khác trong tương lai.
"Tinh thần là cả nước chung tay phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông. Giao thông tới đâu thì không gian phát triển tới đó và giá trị đất đai tăng lên. Các địa phương chuẩn bị quy hoạch, sẵn sàng nhận nhiệm vụ để đầu tư các dự án, làm sớm thì địa phương phát triển nhanh, phát triển sớm", Thủ tướng phát biểu.