Tại cuộc gặp mặt với đại diện lực lượng y tế tuyến đầu tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra chiều 18/10, 138 thầy thuốc tiêu biểu xuất sắc của ngành Y tế, Quân đội và Công an trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại đợt dịch lần thứ 4 đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hơn 5 tháng qua, Việt Nam đã trải qua đợt dịch thứ 4 nguy hiểm với biến thể Delta lây nhiễm nhanh, mạnh hơn; nồng độ virus trong dịch đường hô hấp gấp 1.000 lần so với chủng cũ.
Từ ngày 27/4 đến ngày 17/10, cả nước đã ghi nhận 859.372 ca mắc, trong đó hơn 789.027 người đã khỏi bệnh, 20.915 bệnh nhân tử vong. Hơn 20 tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, áp dụng các biện pháp chưa có trong tiền lệ trong thời gian dài, trên phạm vi rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.
DỊCH BỆNH CƠ BẢN ĐƯỢC KIỂM SOÁT
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã trải qua hoàn cảnh rất khó khăn khi đợt dịch thứ 4 bùng phát với sự xuất hiện của biến chủng Delta rất nguy hiểm. Đó là thời điểm khan hiếm vaccine toàn cầu và việc này trở nên khó khăn hơn khi Việt Nam là đất nước đông dân, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn.
Đó cũng là thực trạng hệ thống y tế của đất nước ta còn nhiều hạn chế, khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, kinh nghiệm chống dịch và vật lực y tế; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã bị tác động tiêu cực trong thời gian dài.
Trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Việt Nam đã đúc kết các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, bổ sung và hình thành công thức trong phòng, chống dịch: 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân và các biện pháp khác.
Các trụ cột phòng chống dịch là giãn cách, cách ly hẹp nhất, nhanh nhất, chặt nhất có thể, có mục tiêu và lộ trình rõ ràng; xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả; điều trị từ xa, từ sớm, từ ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong.
Đến nay, dịch bệnh ở nước ta cơ bản đã được kiểm soát trong đợt dịch lần thứ 4 và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng cho rằng, trong hành trình của gần 600 ngày chống dịch, chúng ta đã sống trong sức mạnh của sự đoàn kết, sự đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân với sự quyết liệt, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chia sẻ, tình yêu thương và nhân ái…
“Điều đặc biệt, chúng ta đã chứng kiến những nghĩa cử cao cả, đẹp đẽ, những đức hy sinh, những trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái tỏa sáng của đội ngũ bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế, thầy thuốc trên cả nước. Họ không chỉ có trái tim nhân ái, nhân hậu mà còn trí tuệ thông minh, nghị lực kiên cường, sự chịu đựng bền bỉ, đặc biệt khi cuộc chiến diễn ra rất gay go”, Thủ tướng nói và cho hay Đảng, Nhà nước và nhân dân đã đánh giá cao, tri ân tất cả sự đóng góp ý nghĩa, cao cả của đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế, chia sẻ, thấu hiểu những hy sinh, mất mát của họ và các lực lượng tuyến đầu trong thời gian vừa qua.
ĐẨY MẠNH CHIẾN DỊCH TIÊM CHỦNG VACCINE
Bên cạnh đó, những khó khăn, thử thách cũng làm bộc lộ ra những hạn chế mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn lại, có giải pháp khắc phục, như về năng lực y tế, nhất là ở cấp cơ sở.
Để thực hiện thành công chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vừa bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò của lực lượng tuyến đầu và coi đây vẫn là lực lượng thường trực, thường xuyên.
Do đó, Thủ tướng đề nghị và mong muốn lực lượng y tế tuyến đầu tiếp tục phát huy những kinh nghiệm thời gian qua, tiếp tục cống hiến, tích cực cho công tác phòng, chống dịch cũng như công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu, nhất là lực lượng y tế, bảo đảm công bằng, bình đẳng.
Trong thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh hơn, phức tạp và có thể nguy hiểm hơn, “đội ngũ cán bộ y tế sẽ còn rất nhiều gian nan, vất vả”.
“Vì vậy, tôi đề nghị ngành y tế cùng các lực lượng khác tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Trong đó, hết sức chú trọng thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho đội ngũ tuyến đầu chống dịch, nhất là các y, bác sĩ, nhân viên y tế.
Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan, các địa phương đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine an toàn, khoa học, hiệu quả, theo thứ tự ưu tiên hợp lý, không gây phiền hà cho nhân dân, xây dựng kế hoạch cho thời gian sắp tới, chuẩn bị vaccine cho năm 2022 và tiêm vaccine cho trẻ em, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước, chuẩn bị chủ động về thuốc chữa bệnh”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện, bảo đảm các điều kiện thuận lợi kể cả về vật chất và tinh thần để các lực lượng tuyến đầu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ. Đồng thời, động viên, khen thưởng, tôn vinh kịp thời các tấm gương tiêu biểu, phổ biến nhân rộng các cách làm hay, mô hình tốt trong phòng chống dịch.
“Tôi đề nghị đội ngũ y bác sĩ qua thực tiễn công tác, kinh nghiệm của mình tham mưu các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc và kiến nghị xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết 128 và hướng dẫn của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, ngày càng hoàn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.