Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh như vậy tại phiên họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế” ngày 2/8.
Phiên họp được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo.
ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU KẾT QUẢ QUAN TRỌNG
Sau khi lắng nghe các báo cáo và ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng nêu rõ thực tiễn triển khai Nghị quyết 22 trong 10 năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng, cho thấy đây là một định hướng chiến lược đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước ta, góp phần đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định rõ đánh giá của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Thủ tướng khái quát 3 chuyển biến lớn mà kết quả triển khai Nghị quyết đã mang lại.
Thứ nhất là chuyển biến lớn về nhận thức. Theo đó, hội nhập quốc tế đã trở thành “sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị”.
Thứ hai là chuyển biến lớn về hành động, từ hội nhập kinh tế quốc tế là chủ yếu sang hội nhập quốc tế chủ động, toàn diện, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực.
Thứ ba, từ chuyển biến về nhận thức và hành động đó đã dẫn đến những kết quả rất rõ nét trong nâng cao vị thế, tiềm lực đất nước, mở rộng quan hệ quốc tế...
Đến nay, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 nước. Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với 7 nước lên Đối tác chiến lược hoặc Đối tác chiến lược toàn diện và 7 nước lên Đối tác toàn diện góp phần tạo ra mạng lưới Đối tác chiến lược/Đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn.
Việt Nam đã chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình; ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế. Năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt khoảng 730 tỷ USD. Thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019-2022, năm 2022 đạt 431 tỷ USD...
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu to lớn đó, các đại biểu cũng đã thẳng thắn nhìn nhận những mặt tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện Nghị quyết. Vai trò của Nhà nước trong khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hội nhập có lúc chưa thực sự hiệu quả. Tỉ lệ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn, thứ bậc về năng lực cạnh tranh quốc gia, chất lượng tăng trưởng của Việt Nam so với các nước ASEAN không có nhiều thay đổi sau 10 năm...
THỜI ĐIỂM TẠO RA CÁC BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI VỀ CHẤT
Để tạo được các bước phát triển mới về chất, Thủ tướng cho rằng hội nhập phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, hiệu quả.
Gắn kết chặt chẽ quá trình hội nhập quốc tế với việc nâng cao năng lực tự chủ, sức cạnh tranh, sức chống chịu và khả năng thích ứng của nước ta trước mọi biến động từ bên ngoài. Phát huy được các nguồn lực bên ngoài trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực quản trị, huy động tài chính, đào tạo nhân lực, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ,
Phải nắm chắc tình hình, bối cảnh quốc tế và nhu cầu phát triển ở trong nước; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
Đặc biệt, theo Thủ tướng, triển khai công tác hội nhập phải hết sức nhanh nhạy, chủ động, kịp thời, với tư duy dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, quyết liệt hành động trên tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, đồng thời”"lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; “dĩ bất biến ứng vạn biến”.
Hội nhập trên các lĩnh vực phải gắn kết chặt chẽ, bổ trợ cho nhau, triển khai nhịp nhàng, đồng bộ, trong đó hội nhập kinh tế vẫn là trọng tâm, hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế.
Để hội nhập quốc tế có sự biến đổi tích cực về chất, yếu tố nền tảng là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, cần chủ động nâng cao năng lực thể chế, xây dựng chính sách trong nước theo kịp các cam kết của hội nhập và sự thay đổi của môi trường quốc tế.
Nêu một số định hướng để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Đề án, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo với hình thức phù hợp về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Thủ tướng cho rằng trước hết, cần tiếp tục suy nghĩ, vận dụng sáng tạo 3 trụ cột trong xây dựng và bảo vệ đất nước (xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa).
Thủ tướng nêu rõ sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, chúng đã mở rộng về lượng, tham gia nhiều tầng nấc hội nhập khác nhau cả song phương và đa phương.
“Đây là thời điểm để chúng ta duy trì, củng cố các thành tựu đã đạt được và tạo ra được các bước phát triển mới về chất, tranh thủ hiệu quả các xu thế mới về cách mạng công nghiệp lần thứ 4, về chuyển dịch, tái sắp xếp các chuỗi cung ứng, các mạng lưới FTA mà Việt Nam đã tham gia, các quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện để đưa được đất nước vào vị trí tối ưu trong cục diện quốc tế mới và tranh thủ tối đa các nguồn lực cho phát triển đất nước”, Thủ tướng phát biểu.