November 24, 2010 | 09:10 GMT+7

Thủ tướng: “Không để xảy ra vụ việc tương tự Vinashin”

Nguyên Thảo

Thủ tướng Chính phủ nhận trách nhiệm về hạn chế, yếu kém của Chính phủ trong quản lý Vinashin

Thủ tướng Chính phủ sẽ khép lại 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp Quốc hội thứ tám.
Thủ tướng Chính phủ sẽ khép lại 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp Quốc hội thứ tám.
Báo cáo giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng 24/11, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định “những việc làm sai trái của lãnh đạo Tập đoàn Vinasin đã gây hậu quả nghiêm trọng”.

Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các thành viên Chính phủ có liên quan trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và quản lý chủ sở hữu, nhất là chưa tập trung hoàn thiện được đầy đủ, chặt chẽ hệ thống cơ chế chính sách trong quản lý đầu tư, sử dụng vốn, lập mới doanh nghiệp, mở thêm ngành nghề kinh doanh và trong giám sát, kiểm tra, thanh tra với các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty Nhà nước.

Cũng theo Thủ tướng, việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, việc tiến hành và xử lý sau giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng thuộc Chính phủ còn kém hiệu lực, hiệu quả nên chưa phát hiện được đầy đủ và ngăn chặn kịp thời những việc làm sai trái và báo cáo không trung thực của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin.

“Là người đứng đầu Chính phủ, tôi xin nhận trách nhiệm về những hạn chế yếu kém nêu trên của Chính phủ”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, Chính phủ sẽ tập trung sức thực hiện thành công đề án tái cơ cấu Vinashin, “không để xảy ra vụ việc tương tự Vinashin”.

Hết tháng 11, CPI tăng 9,58% so với tháng 12/2009

Tại báo cáo giải trình, Thủ tướng cũng đã làm rõ thêm một số vấn đề được đại biểu quan tâm như kiềm chế lạm phát và kiểm soát giá cả; khai thác chế biến bauxite; đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và đời sống; khắc phục hậu quả thiên tai và đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn…

Theo Thủ tướng, đến hết tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 9,58% so với tháng 12/2009, trong đó, giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng tăng gần 13%, nhóm hàng hoá và dịch vụ giáo dục tăng 19%, giá vàng tăng 23,31%.

Để tiếp tục kiểm soát giá cả, kiềm chế lạm phát, Thủ tướng nhấn mạnh các giải pháp tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, ưu tiên nguồn lực cho các địa phương vùng bị lũ lụt sớm khôi phục sản xuất, bảo đảm lưu thông và cung cấp hàng hoá kịp thời cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Giữ ổn định giá một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào cơ bản của nền kinh tế như điện, than bán cho các hộ sản xuất: điện, xi măng, giấy, phân bón; sử dụng linh hoạt công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá để ổn định giá xăng dầu ở mức phù hợp.

Điều hành các công cụ tài chính, tiền tệ linh hoạt theo cơ chế thị trường, bảo đảm nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và cho cả nền kinh tế, cân đối tiền - hàng trong lưu thông. Kiểm soát chặt chẽ hiệu quả chi ngân sách nhà nước...

Giải pháp tiếp theo được người đứng đầu Chính phủ nêu rõ là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá, đặc biệt là việc chấp hành các quy định về đăng ký, kê khai và niêm yết giá, trong đó tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, chống đầu cơ tăng giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và xử lý nghiêm việc đưa tin không chính xác tạo bất ổn trên thị trường.

Tình hình giá cả thị trường đang có những diễn biến phức tạp, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát giá cả, nhất là trong dịp Tết nguyên đán. Về lâu dài phải thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, giảm mạnh nhập siêu; tạo cơ sở vững chắc để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng nhấn mạnh.

Các dự án khai thác bauxite có hiệu quả kinh tế, xã hội

Về các dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, Thủ tướng cho biết, việc thẩm định các dự án được tiến hành nghiêm túc, thận trọng và đã khẳng định các dự án có có hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn về môi trường và an ninh, quốc phòng.

Hai dự án này đều do Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đầu tư, không liên doanh với nước ngoài, tập đoàn nhôm Trung Quốc là đơn vị được thuê làm tổng thầu EPC - xây dựng nhà máy theo hình trao tay và sẽ bàn giao nhà máy cho TKV sau hai năm xây dựng, Thủ tướng nêu rõ.

Đến chiều 23/11, Thủ tướng đã  nhận được 26 chất vấn với 44 câu hỏi bằng văn bản của các đại biểu Quốc hội. "Chính phủ đánh giá cao các vị đại biểu đã quan tâm chất vấn về những vấn đề rất thiết thực trong quản lý điều hành của Chính phủ", Thủ tướng nói.

Đúng 9h, Thủ tướng bắt đầu trả lời chất vấn trực tiếp các đại biểu Quốc hội. VnEconomy sẽ tiếp tục cập nhật nội dung này.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate