“Nhiều doanh nghiệp phản ánh chu kỳ sản phẩm sản xuất ra đã vất vả rồi nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn. Có ý kiến nói rằng nuôi gà chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn nuôi gà”.
Phát biểu trên được Thủ tướng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ, sáng 30/8.
Chính vì thực tế đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ thủ tục, nhất là xử lý giải quyết “giấy phép con, giấy phép cháu”, không thể để tình trạng thủ tục bán gà lại lâu hơn nuôi gà.
Tại phiên họp, Thủ tướng nhìn nhận, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 có nhiều chuyển biến tích cực. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 18%. Không khí làm ăn, mua bán, du lịch sôi động. Tổng lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 8/2017 ước đạt 1,23 triệu lượt, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2016, đây là tháng đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng trên 10%.
Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần trong 8 tháng năm 2017 ước đạt 23,36 tỷ USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước, lĩnh vực xã hội có nhiều điểm đáng phấn khởi.
Tuy nhiên, còn một số tồn tại, yếu kém cần tập trung khắc phục như giải ngân vốn đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận một số vấn đề, trước hết là về phát triển kinh tế. Theo đó, cần tiếp tục tháo gỡ mạnh mẽ hơn, bám sát hơn nữa các chỉ tiêu đối với các sản phẩm ngành hàng, dịch vụ để đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Mặc dù thời gian qua các cấp, các ngành đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên, theo Thủ tướng, “giấy phép con, giấy phép cháu vẫn còn nhiều”.
Bên cạnh đó, gánh nặng thuế, phí đối với doanh nghiệp còn lớn, một số phí như phí BOT còn cao, đặt trạm thu phí còn bất hợp lý, gây bức xúc. Theo thống kê, tổng phí vận tải doanh nghiệp phải đóng lên tới 70 loại. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải tập trung tháo gỡ; Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải lưu ý các quy định hiện hành về phí BOT để có giải pháp giải quyết, tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Ngoài ra, chi phí kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn lớn, với tỷ lệ lô hàng kiểm tra chuyên ngành lên tới 30%. Mục tiêu đặt ra phải giảm còn 15% nhưng một số bộ, ngành chuyển biến còn chậm.
Cùng với đó, quy định thủ tục hành chính về hải quan, hoàn thuế VAT, thời gian và chi phí nộp bảo hiểm xã hội còn cao. Thủ tướng dẫn chứng báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết doanh nghiệp Việt Nam nộp bảo hiểm xã hội mất 189 giờ, trong khi Thái Lan chỉ mất 48 giờ, Indonesia mất 56 giờ.
Vấn đề cải cách thủ tục hành chính đã nói nhiều lần trong năm qua, đặc biệt tháng 7, đã đề cập rất quyết liệt vấn đề này nhưng mới giảm được một phần, còn nhiều phần, nhiều ngành, đơn vị chưa chuyển biến, Thủ tướng trăn trở và đề nghị các Bộ trưởng đề xuất giải pháp cụ thể, phải thực sự vào cuộc để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, tạo niềm tin xã hội, góp phần vào tăng trưởng.
Thủ tướng đề nghị báo cáo rõ hơn về Năm APEC 2017 khi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa diễn ra Tuần lễ cấp cao ở Đà Nẵng và còn tới 6 hội nghị lớn.
Theo chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2017, dự toán năm 2018, dự thảo kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm 2018 – 2020 và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018; Bộ Công Thương trình bày báo cáo chuyên đề về cơ chế, chính sách đặc thù để bảo đảm tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện cấp bách trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tháng 8 và kết quả kiểm tra của Tổ công tác tháng 8/2017.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate