August 10, 2019 | 00:37 GMT+7

Thủ tướng: Lợi ích của từng tôn giáo gắn liền với lợi ích của quốc gia, dân tộc

Hà Vũ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mỗi tôn giáo ở Việt Nam tuy có lịch sử hình thành và đặc điểm khác nhau nhưng mọi tôn giáo đều tồn tại trong lòng dân tộc

Sáng 9/8, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự cuộc gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sáng 9/8, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự cuộc gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo thông cáo báo chí vừa phát hành từ Văn phòng Chính phủ, sáng 9/8, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự cuộc gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mỗi tôn giáo ở Việt Nam tuy có lịch sử hình thành và đặc điểm khác nhau nhưng mọi tôn giáo đều tồn tại trong lòng dân tộc, lợi ích của từng tôn giáo cũng gắn liền với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo là những chủ trương cơ bản của Đảng, Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng trân trọng ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp to lớn của các tôn giáo và đồng bào có đạo trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thủ tướng biểu dương những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh; phát huy các nguồn lực tôn giáo, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Thủ tướng, những điểm tương đồng giữa tôn giáo với xã hội, giữa giáo lý, giáo luật với các quy định của pháp luật Nhà nước ngày càng được phát huy.

Với những giáo lý nhân văn, bác ái của mình, các tôn giáo ở Việt Nam đã cụ thể hóa thành những hành động thiết thực, cứu người, giúp đời, chung tay cùng đồng bào tôn giáo và đồng bào không có tôn giáo xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Các chuẩn mực đạo đức tích cực, nhân văn của tôn giáo đã dung nhập vào đời sống xã hội, góp phần tạo nên những chuẩn mực đạo đức, văn hóa, ứng xử nhân văn, nhân ái của dân tộc ta. Những giá trị văn hóa tốt đẹp, tiến bộ của tôn giáo đã góp phần tạo nên sự phong phú, đặc sắc của nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Thủ tướng, hoạt động tôn giáo, công tác tôn giáo cũng đang phải đối diện với những khó khăn, thách thức.

Trong đời sống xã hội, vẫn còn một số hiện tượng tín ngưỡng mới, tà đạo hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi, trái thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian, tiền bạc của nhân dân. Đâu đó vẫn còn tình trạng lợi dụng tôn giáo để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, gây phức tạp về an ninh, trật tự xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trong tiến trình hội nhập.

Với phương châm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo hành động để phục vụ nhân dân tốt hơn nữa, nói đi đôi với làm, Thủ tướng mong muốn các chức sắc, chức việc, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tiếp tục đồng hành cùng với Chính phủ và chính quyền các cấp, gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy, hướng dẫn, động viên chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo thực hiện đúng phương châm, đường hướng hành đạo gắn bó đồng hành với dân tộc.

Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng cùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc với tinh thần xây dựng, thiện chí và khách quan. Nguyên tắc chung là phải nhìn nhận và giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo trên tinh thần thượng tôn pháp luật và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tôn giáo của mọi người dân.

Thủ tướng mong rằng, các chức sắc, chức việc và đồng bào theo tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục thúc đẩy đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc, phát huy vai trò của tôn giáo đối với đất nước, với dân tộc, đặc biệt là những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Các chức sắc, tín đồ tôn giáo tiếp tục đóng góp nguồn lực là thế mạnh của tôn giáo mình trong sự nghiệp y tế, giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa, xóa đói giảm nghèo, từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường và xây dựng đất nước ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn nữa.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate