May 26, 2024 | 15:21 GMT+7

Thủ tướng: Năng suất lao động là động lực tăng trưởng nhanh và bền vững

Phúc Minh -

Dự Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024”. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024”. Ảnh: VGP.

Tham dự Diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động Quốc gia năm 2024”, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, sáng 26/5, Thủ tướng Chính phủ  Phạm Minh Chính khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, và chú trọng những giải pháp tăng năng năng suất lao động.

Thủ tướng chỉ rõ tăng năng suất lao động đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Trong quý I/2024, thu nhập bình quân của người lao động là 7,6 triệu đồng, tăng 549 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023.

CÓ CẢI THIỆN NHƯNG VẪN Ở MỨC THẤP

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng việc thực hiện mục tiêu tăng năng suất lao động ở nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập và khó khăn, thách thức. Trong giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ tăng năng suất lao động thấp hơn mục tiêu đề ra (là 5,5%/năm).

Xét theo giá trị tuyệt đối, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 chỉ tương đương 11,4% của Singapore, 24,7% của Hàn Quốc, 26,3% của Nhật Bản, 35,4% của Malaysia, 64,8% của Thái Lan, 79% của Indonesia, 94,5% của Philippines.

“Khoảng cách về năng suất lao động và trình độ phát triển giữa các vùng, miền, khu vực còn khá lớn. Các yếu tố nền tảng cho tăng năng suất lao động nhanh và bền vững vẫn còn gặp nhiều trở ngại, vướng mắc, chưa thực sự có bước đột phá, như hạ tầng, chuyển dịch lao động từ nông thôn sang thành thị, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức”, Thủ tướng dẫn chứng.

Theo Thủ tướng, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và khoa học công nghệ phát triển bùng nổ, thay đổi hàng ngày, nâng cao năng suất lao động trở thành một vấn đề rất quan trọng, mang tính sống còn đối với tất cả các quốc gia, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Vì thế, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đoàn viên, người lao động, Công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp cùng các Bộ, ngành, địa phương cùng chung tay tập trung thực hiện “ba đẩy mạnh, ba tiên phong, ba bứt phá” để góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Thủ tướng cùng các đại biểu dự Diễn đàn và chia sẻ với người lao động. Ảnh: VGP.
Thủ tướng cùng các đại biểu dự Diễn đàn và chia sẻ với người lao động. Ảnh: VGP.

Trong đó, về “ba đẩy mạnh”, bao gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển cả từ bên trong và bên ngoài, nhất là hợp tác công tư, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc.

Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo nền tảng cho tăng năng suất lao động.

"Ba tiên phong" bao gồm: Tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Tiên phong trong hội nhập quốc tế, tận dụng tốt mọi cơ hội, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tiên phong trong các phong trào thi đua tăng năng suất lao động, phát huy sáng kiến về quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng suất lao động.

"Ba bứt phá" bao gồm: Bứt phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao và dạy nghề; Bứt phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới nổi như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, hydrogen…

Bứt phá về môi trường lao động, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

BẢO VỆ QUYỂN LỢI CHÍNH ĐÁNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Về các nhiệm vụ, giải phát trọng tâm để tăng năng suất lao động trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, và đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn các cấp cùng chung tay tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước hết, tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, coi đây là nền tảng để tăng năng suất lao động. Trong đó lưu ý gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực gắn với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và dạy nghề ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành, lĩnh vực, bảo đảm đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý.

Nhiệm vụ nữa là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính thức, từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ năng suất cao hơn. Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; nâng cao tỷ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp hoá nông nghiệp.

Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc chăm lo, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động về đãi ngộ, tiền lương, phúc lợi xã hội, y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, đặc biệt là về nhà ở, triển khai tốt chương trình xây dựng một triệu căn hộ nhà ở xã hội.

Thủ tướng cùng với đoàn viên, người lao động tham dự Diễn đàn. Ảnh: VGP.
Thủ tướng cùng với đoàn viên, người lao động tham dự Diễn đàn. Ảnh: VGP.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất xây dựng chương trình hỗ trợ, nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, phát triển kĩ năng nghề cho người lao động. Song song, cần thường xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người lao động, nhà nghiên cứu và kiến nghị giải pháp phù hợp…

Thủ tướng cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; chú trọng đào tạo, đào tạo lại; tạo dựng môi trường làm việc an toàn, sạch đẹp, xanh; có chế độ lương, thưởng đối với người lao động có nhiều sáng kiến, năng suất cao, chất lượng tốt.

Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số, công nghệ xanh, tăng năng suất lao động là tăng giá trị chứ không phải tăng thời gian làm việc của người lao động.

Với công nhân, người lao động, Thủ tướng mong muốn hãy nâng cao kiến thức và kỹ năng làm việc, với nhận thức sâu sắc rằng năng suất lao động gắn liền với thu nhập, chất lượng cuộc sống của chính bản thân, gia đình và mang lại lợi ích cho đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài của cả hệ thống chính trị - là con đường ngắn nhất đưa nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong xây dựng, phát triển đất nước nhanh, bền vững”. 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate