January 03, 2024 | 13:56 GMT+7

Thủ tướng: Ngành văn hóa phải mạnh dạn hơn, tầm nhìn xa hơn nữa để phát triển

Tiến Dũng -

Thủ tướng yêu cầu ngành văn hóa thể thao du lịch phải tự tin hơn, bản lĩnh hơn để phát huy tối đa sức mạnh của nền văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Sáng 3/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu Hà Nội đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong năm 2023 đầy khó khăn, thách thức, chúng ta đã vượt qua thách thức, chiến thắng khó khăn, đạt được những thành quả đáng trân trọng.

Theo đó, Bộ, ngành đã hoàn thành 133/148 (90%) nhiệm vụ Chính phủ giao trong năm 2023, tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng bàn về các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa thể thao du lịch. 

Nhiều giá trị văn hoá truyền thống, di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo, phát triển và được quốc tế công nhận. UNESCO công nhận vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới, nâng tổng số di sản của Việt Nam được công nhận lên 32 di sản. Việt Nam lần thứ hai trúng cử vị trí thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027; Đà Lạt và Hội An trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO…

TIỀM NĂNG LỚN NHƯNG CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH CÒN HẠN HẸP

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức.

Theo Thủ tướng, tiềm năng lớn, nhưng thể chế, cơ chế, chính sách cho văn hóa thể thao du lịch còn hạn hẹp. Chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc chưa hoàn thiện (như thiếu các chính sách cho các di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh). Chưa xây dựng được chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển triển văn hóa và chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.

"Công tác phối hợp trong ngành và giữa ngành với các bộ, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, nhịp nhàng, nhất là trong liên kết phát huy, khai thác các di sản. Việc huy động nguồn lực đầu tư, nhất là hợp tác công tư cho lĩnh vực văn hóa thể thao du lịch còn hạn chế, do đó phải tháo gỡ khó khăn dần từng bước (ví dụ như trong khai thác sân vận động Mỹ Đình, hay khai thác các công viên…)", Thủ tướng chỉ ra.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng ngành chưa phát huy được hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí. Đời sống vật chất và tinh thần của một số nghệ sĩ, vận động viên... còn cần những cơ chế, chính sách phù hợp hơn.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn thiếu đồng bộ. Lĩnh vực thể dục, thể thao vẫn còn những hạn chế, bất cập ở cả thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. "Các khu vực thành thị thì thiếu quỹ đất, nông thôn thì thiếu kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục thể thao quần chúng", Thủ tướng phát biểu.

Lĩnh vực du lịch đã đạt nhiều kết quả hồi phục tích cực, song vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Một số vụ việc phức tạp để kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bức xúc trong dư luận. Công tác truyền thông chính sách cần tích cực hơn.

"Đặc điểm lớn của Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, do đó tinh thần là không cầu toàn, không nóng vội, nhưng phải mạnh dạn hơn, tầm nhìn xa hơn nữa để phát triển", Thủ tướng lưu ý.

Theo Thủ tướng, công tác tham mưu phải chủ động, tích cực, kịp thời, linh hoạt hơn nữa; giải quyết dứt điểm các công việc, vấn đề tồn đọng; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa hợp tác công tư, đẩy mạnh truyền thông chính sách.

Nhận định năm 2024 sẽ tiếp tục khó khăn, thách thức hơn năm 2023, Thủ tướng yêu cầu Bộ, ngành không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được. Cùng với đó, phải tự tin hơn, bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn để phát huy tối đa sức mạnh của nền văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam để vững bước đi lên, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tạo bứt phá, tăng tốc phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực văn hóa thể thao du lịch.

PHẤN ĐẤU PHỤC VỤ 18 TRIỆU DU KHÁCH QUỐC TẾ NĂM 2024

Về phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ đã được Bộ xác định, đồng thời lưu ý, nhấn mạnh thêm một số nội dung.

Trước hết, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, tập trung triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nuớc về văn hóa, nhất là Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Thứ hai, quyết tâm tạo đột phá trong công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa thể thao du lịch; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số. Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 và Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thứ ba, tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, khai thác di sản; từng bước giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục về di sản. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn trong phát triển văn hóa, thể thao, du lịch nhanh và bền vững.

Ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa. Thủ tướng bày tỏ trăn trở, mong muốn đất nước tiếp tục có thêm những công trình, thiết chế văn hóa, thể thao tầm vóc, vừa mang bản sắc dân tộc, vừa tạo dấu ấn đột phá, tầm cỡ thế giới; đồng thời khai thác, phát huy hiệu quả tối đa những công trình, thiết chế đã có.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của gia đình trong việc bồi dưỡng, xây dựng đạo đức, nhân cách con người, đề cao chuẩn mực giá trị đạo đức xã hội. Xây dựng văn hóa số, văn hóa mạng trong sạch, lành mạnh phù hợp với truyền thống văn hóa, lịch sử và bản sắc dân tộc.

Thứ tư, củng cố nâng cao hiệu quả, đổi mới mô hình hoạt động, cách thức quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao. Đổi mới phong trào thể dục thể thao quần chúng gắn với cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"; quyết liệt thực hiện hiệu quả Chương trình bơi an toàn, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam đến năm 2030.

Đẩy mạnh phát triển thể thao thành tích cao chuyên nghiệp, tiếp tục thực hiện chiến lược đầu tư trọng điểm cho các môn thể thao Việt Nam có lợi thế, đề xuất các giải pháp có tính đột phá trong việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển lực lượng vận động viên trẻ tài năng…

Thứ năm, tổ chức đánh giá, tổng kết việc thi hành Luật Du lịch 2017; sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số nhằm tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong du lịch.

Phát triển du lịch theo hướng "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện".

Tập trung triển khai các chương trình, chiến lược, đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan để đề xuất những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển toàn diện, đồng bộ ngành du lịch (như về thuế, đất đai, tự chủ, cơ chế phối hợp…).

Thủ tướng yêu cầu phấn đấu năm 2024, ngành du lịch đón và phục vụ 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỷ đồng.

Thứ sáu, quan tâm hơn nữa việc xây dựng đội ngũ cán bộ; chăm lo đời sống, động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất thiết thực, nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện chính sách phù hợp đối với những người làm việc trong ngành văn hóa thể thao du lịch.

Thứ bảy, đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên kết vùng, liên kết quốc gia và liên kết quốc tế với phương châm "một cung đường, nhiều điểm đến", xây dựng con đường di sản quốc gia, con đường di sản quốc tế, kết nối thể thao, kết nối con người "từ trái tim tới trái tim". Quan tâm thúc đẩy, bảo đảm tiếp cận bình đẳng về văn hóa, thể thao, du lịch với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đặc biệt là với những người yếu thế.

Thứ tám, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan Trung ương, giữa các địa phương, giữa các ngành, giữa Trung ương và địa phương, giữa các lĩnh vực văn hóa, lĩnh vực thể thao, lĩnh vực du lịch.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate