Nhận lời mời của Chủ tịch điều hành và Nhà sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Giáo sư Klaus Schwab, ngày 29/10 tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam và WEF bằng hình thức trực tuyến với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác công - tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm, đổi mới sáng tạo”.
Đối thoại được kỳ vọng là cơ hội để Việt Nam kêu gọi đầu tư, đồng thời huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển; phương hướng triển khai tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, khai thác các động lực tăng trưởng từ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
WEF là tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công – tư, được Giáo sư Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Geneve, Thụy Sỹ. WEF hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau. Các đối tác thành viên của WEF phải nộp phí thành viên trong khoảng 60.000 Phơ-răng đến 600.000 Francs Thụy Sỹ tùy theo cấp độ khác nhau.
Sự kiện quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hàng năm tại Davos, Thụy Sỹ. Bên cạnh đó là các diễn đàn khu vực: Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc), Hội nghị WEF ASEAN… Các sự kiện của WEF thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu - học thuật… hàng đầu thế giới để định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu.
Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo Chính phủ thường xuyên tham dự các Hội nghị WEF Đa-vốt, cũng như các Hội nghị khu vực về Đông Á và ASEAN.
Việt Nam đã phối hợp với WEF tổ chức nhiều sự kiện kinh tế - đối ngoại lớn tại Việt Nam như Hội nghị WEF Đông Á (năm 2010), Hội nghị WEF Mê Công (năm 2016) và Hội nghị WEF ASEAN (năm 2018), được đánh giá là thành công nhất trong các hội nghị cấp khu vực của WEF.
WEF cũng hợp tác với nhiều Bộ, ngành của Việt Nam như: Đối thoại chính sách với Bộ Ngoại giao; Ký biên bản ghi nhớ với Bộ Thông tin Truyền thông (được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền) về thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0; Chương trình Đối tác hành động quốc gia về Nhựa tại Việt Nam (NPAP) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường; Sáng kiến Tầm nhìn mới trong nông nghiệp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Sáng kiến Trung tâm thu hẹp khoảng cách đổi mới sáng tạo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Sáng kiến Thúc đẩy thu hẹp khoảng cách về kỹ năng (Closing the Skills Gap Accelerator) với Bộ Giáo dục và Đào tạo.