June 26, 2021 | 12:04 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải cắt giảm tối đa thủ tục hành chính ngăn trở quá trình thử nghiệm sản xuất vaccine

Minh Tâm -

Khẳng định vaccine đang khan hiếm, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phải cắt giảm tối đa thủ tục hành chính ngăn trở quá trình thử nghiệm sản xuất vaccine, xem xét cấp phép khẩn cấp vaccineNano Covax của công ty Nanogen…

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (Khu công nghệ cao TP.HCM). Ảnh: TTXVN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (Khu công nghệ cao TP.HCM). Ảnh: TTXVN.

Sáng ngày 26/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (Khu công nghệ cao TP.HCM).

Đây là một trong bốn đơn vị sản xuất vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam, vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng về việc xin cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nano Covax.

ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ THỬ NGHIỆM VÀ CẤP PHÉP CHO VACCINE NONA COVAX

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cho biết cách đây ít ngày, ông có làm việc với WHO và biết rằng tình trạng khan hiếm vaccine có thể kéo dài đến tháng 9 và Việt Nam đang ở thế bị động.

 
"Vaccine có tính chất quyết định, nước nào tiêm được vaccine thì sẽ đưa cuộc sống trở lại bình thường".
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Hiện Việt Nam có nhiều nguồn cung ứng vaccine, tuy nhiên các nước sản xuất được vaccine và có thể cung ứng cũng đang ưu tiên cho nước họ, mặt khác phải ưu tiên cho các nước khẩn cấp hơn.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam đang có chiến lược vaccine với  ba kế hoạch chính: đẩy nhanh việc mua vaccine; chuyển giao công nghệ và quan trọng nhất là sản xuất vaccine trong nước. "Vaccine có tính chất quyết định, nếu nước nào tiêm được vaccine thì sẽ đưa cuộc sống trở lại bình thường", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng thăm Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen-đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 Nanocovax tại khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng thăm Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen-đơn vị nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng COVID-19 Nanocovax tại khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

"Để có vaccine, chúng ta phải đi bằng nhiều hướng. Và không chỉ là vaccine ngừa Covid-19 mà còn nhiều loại vaccine khác. Việc sản xuất được vaccine trong nước, Việt Nam sẽ hoàn toàn chủ động về nguồn, đồng thời giảm giá thành vận chuyển", Thủ tướng nói thêm.

Ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc công ty Nanogen, cho biết hiện đơn vị này có 4 nhà máy sản xuất vaccine và với năng lực hiện tại, hoàn toàn đáp ứng nhu cầu vaccine phòng Covid-19 trong nước.

Trong 10 ngày tới, Nanogen sẽ hoàn thành tiêm 13.000 người. Trong tháng 7 sẽ chuyển sang giai đoạn 3 với 1 triệu người, ở cả miền Nam và miền Bắc.

Hiện mẫu vaccine của Nanogen cũng đã được gửi cho WHO kiểm tra. Ngoài ra, có vài chục nước, gồm cả Ấn Độ, đã ký biên bản ghi nhớ đề nghị Nanogen hợp tác phân phối vaccine sau khi hoàn tất thử nghiệm.

Theo ông Nhân, tiêu chuẩn khi sản xuất vaccine của công ty là phải đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Qua các giai đoạn đã triển khai thử nghiệm đến nay cho thấy không chỉ an toàn, vaccine đảm bảo tính sinh miễn dịch và có hiệu lực bảo vệ thực sự.

"Hiện chúng tôi vẫn đang triển khai nghiên cứu thử nghiệm, điều chỉnh để làm sao đảm bảo an toàn, có hiệu quả nhất theo quy định", ông Nhân cho biết.

 
Vaccine Nano Covax là loại 1 trong 15 loại vaccine của 15 quốc gia vào lâm sàng giai đoạn 3, với công nghệ do công ty nghiên cứu làm chủ. Năng suất sản xuất hiện có thể đạt 8-12 triệu liều/tháng và có thể đạt tới 30-50 triệu liều/tháng vào tháng 10. Giá cả là 120.000 đồng và đang "thấp nhất thế giới", giá này không thay đổi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng công nghệ sản xuất vaccine của Nanogen đang làm cơ bản tốt. Trên thế giới có khoảng 130 vaccine làm theo công nghệ này và cũng đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, 2, 3. Tất nhiên cũng có những ưu điểm và hạn chế nhất định.

Về tiến độ thực hiện, Bộ trưởng nói Bộ Y tế đã "cắt bỏ" tất cả các thủ tục hành chính để đi vào các vấn đề chuyên môn. Khi chưa hết giai đoạn hai, Bộ Y tế đã triển khai cho Hội đồng y đức triển khai giai đoạn ba gối đầu. Giai đoạn ba thực hiện ngày 11/6 đến nay chỉ mới 1.000 người tiêm mũi 1.

"Giai đoạn này quan trọng nhất là dò liều tối ưu nhất. Bước đầu xác định có sinh kháng thể, còn mức độ bảo vệ đến đâu thì chưa thể nói được. Quan điểm của Bộ Y tế là tạo điều kiện tối đa để thúc đẩy quá trình thử nghiệm nhưng phải đảm bảo an toàn cho sinh mạng của con người", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Thủ tướng nghe lãnh đạo công ty giới thiệu về các cải tiến công nghệ . Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nghe lãnh đạo công ty giới thiệu về các cải tiến công nghệ . Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong những ngày tới sẽ có đoàn chuyên gia của WHO đến Việt Nam cùng kiểm tra theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp cùng với Bộ Y tế để kiểm tra việc sản xuất vaccine cũng như kế hoạch thúc đẩy thử nghiệm. Điều này góp phần thúc đẩy nhanh hơn, cũng như có tính khách quan, hiệu quả cao hơn.

THÀNH LẬP TỔ HÀNH ĐỘNG HỖ TRỢ NGHIÊN CỨU CHUYỂN GIAO VÀ SẢN XUẤT VACCINE

Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh Nanogen đã chủ động đi thẳng vào vấn đề đất nước đang cần là nghiên cứu sản xuất vaccine, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Đặc biệt, khi cả nước xảy ra tình hình Covid-19, Nanogen đã mạnh dạn đầu tư, tập trung nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm thế giới để bắt tay vào nghiên cứu vaccine.

 
"Phải cắt giảm tối đa thủ tục hành chính ngăn trở quá trình thử nghiệm sản xuất vaccine. Phải hỗ trợ doanh nghiệp về các quy định, quy chế và Bộ Y tế phải cùng với công ty làm nhanh nhất để giải quyết các vấn đề cấp bách về vaccine hiện nay".
Thủ tướng Phạm Minh Chính

Theo Thủ tướng, đẩy nhanh tiến độ nhưng nguyên tắc là phải tuân thủ quy trình chặt chẽ, an toàn, khoa học, hiệu quả (ngăn dịch, chi phí cạnh tranh) để bảo vệ sức khỏe người dân.

Tinh thần là phải đẩy nhanh hơn quy trình thử nghiệm lâm sàng, “thay vì đi từng bước một thì phải bước nhanh hơn, thậm chí phải chạy trong lúc nước sôi lửa bỏng, cháy nhà chết người”. Công ty đã sẵn sàng, chủ động được kinh phí, các bộ ngành phải tập trung tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến tài chính, quy trình, thủ tục. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là cắt giảm tối đa các quy trình, thủ tục cản trở việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine.

Khẳng định vaccine khan hiếm, trong tất cả các cuộc hội đàm quốc tế đều đề cập đến vấn đề vaccine, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phải tháo gỡ các  quy trình thủ tục hành chính.

"Phải cắt giảm tối đa thủ tục hành chính ngăn trở quá trình thử nghiệm sản xuất vaccine. Phải hỗ trợ doanh nghiệp về các quy định, quy chế và Bộ Y tế phải cùng với công ty làm nhanh nhất để giải quyết các vấn đề cấp bách về vaccine hiện nay", Thủ tướng nói.

Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu thành lập tổ "hành động hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao và sản xuất vaccine phòng chống Covid-19". Tổ này giao cho một người có thẩm quyền có thể xử lý nhằm thúc đẩy sản xuất được vaccine trong nước nhanh nhất có thể nhưng phải đảm bảo các quy chuẩn an toàn khoa học.

"Đây là chiến lược có tính chất trước mắt và lâu dài. Không thể biết tuổi đời của virus đến đâu nhưng chúng ta phải đặt nền móng lâu dài, có tính chiến lược để ứng phó với tình hình dịch bệnh ngày một diễn biến phức tạp", Thủ tướng yêu cầu.

Nano Covax là loại vaccine do Nanogen nghiên cứu vừa kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2, được Hội đồng đạo đức Bộ Y tế đánh giá tốt và đã thông qua đề cương nghiên cứu, triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên quy mô 13.000 người.

Hiện đã chuẩn bị xong số lượng 13.000 tình nguyện viên. Khu vực phía Bắc do Học viện Quân y phụ trách nghiên cứu, phía Nam do Viện Pasteur TP.HCM chịu trách nhiệm.

Dự kiến sau khi kết thúc giai đoạn ba vào tháng 9, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia sẽ có đánh giá ban đầu để xem xét cấp phép khẩn cấp vaccine của công ty Nanogen.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate