Trước thềm năm học mới, ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, kiểm tra công tác chuẩn bị năm học mới tại Trường Tiểu học thị trấn Yên Lập và Trường Trung học phổ thông Yên Lập, huyện miền núi Yên Lập, tỉnh Phú Thọ.
Cùng đi có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Dân tộc Hầu A Lềnh; Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác trao tặng Quỹ khuyến học Trường Tiểu học thị trấn Yên Lập và Quỹ khuyến học Trường Trung học phổ thông Yên Lập mỗi đơn vị 100 triệu đồng
Sau khi kiểm tra cơ sở vật chất của hai cơ sở giáo dục và nghe báo cáo của hiệu trưởng hai trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những thành tích mà nhà trường đạt được, công tác chuẩn bị cho năm học 2022-2023; chia sẻ với thầy trò nhà trường sau hơn 2 năm phải đối mặt với dịch Covid-19.
Thủ tướng cho biết sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Đó chính là kế sách lớn cho sự phát triển, là một trong những giá trị mang tính nhân văn sâu sắc, còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước hiện nay.
Do đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương phải thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu.
Thủ tướng đề nghị nhà trường nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung quan tâm đến các cháu học sinh nhất là con em hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, không để bất kỳ cháu nào bị thất học; quan tâm các học sinh yếu thế để các cháu được học tập, chăm sóc chu đáo, giảm thiệt thòi; chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa cho học sinh.
Nhà trường và giáo viên phải cải tiến phương pháp dạy và học; chú trọng giáo dục cả văn hóa và thể chất cho học sinh; lưu ý giáo dục lịch sử, văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh; duy trì dạy và học trực tuyến giúp học sinh tiếp cận với quá trình chuyển đổi số. Ngoài ra trường cần đảm bảo vệ sinh môi trường, trồng thêm nhiều cây xanh, thảm cỏ trong trường.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên; trên nguyên tắc là ở đâu có học sinh thì ở đó phải có giáo viên, nhưng bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên hợp lý, có phương án khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học mới. “Các đồng chí phải lấy học sinh là trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực”, Thủ tướng chỉ rõ.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục, các phụ huynh học sinh lưu ý nhiệm vụ tiêm vaccine phòng chống Covid-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả để các cháu học sinh được yên tâm tới trường an toàn, phụ huynh yên tâm, thầy cô không lo lắng.
Thủ tướng cho rằng bên cạnh những thuận lợi, năm học 2022-2023 sẽ có nhiều thách thức, khó khăn, áp lực đối với các thầy cô giáo khi thực hiện đổi mới giáo dục, nhất là việc triển khai Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; tin tưởng các thầy cô sẽ vượt qua mọi khó khăn, tất cả vì học sinh thân yêu, vì thế hệ tương lai của đất nước.
Năm học 2022-2023 trở lại trạng thái bình thường, do đó ngành Giáo dục, các địa phương, các nhà trường phải tổ chức dạy và học thật tốt; củng cố, bù đắp kiến thức cho học sinh sau thời gian dài học trực tuyến, bởi đây là việc không chỉ làm trong một năm.
Nhà trường phải giáo dục toàn diện “đức, trí, thể, mỹ” cho học sinh. Theo đó, chú trọng hơn nữa tới công tác hoạt động ngoại khóa, giáo dục thể chất, nghệ thuật, giáo dục truyền thống văn hóa - lịch sử tốt đẹp của đất nước, lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; tạo môi trường để học sinh dân tộc thiểu số giữ gìn bản sắc dân tộc, đồng thời có cơ hội được giao lưu, hòa nhập với học sinh các dân tộc khác.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Phú Thọ cần có giải pháp đồng bộ trong việc bố trí đủ giáo viên các môn học, đặc biệt là bổ sung giáo viên âm nhạc, mĩ thuật để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; làm tốt công tác tự bồi dưỡng, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên của nhà trường; quan tâm xây dựng môi trường giáo dục an toàn - thân thiện - hạnh phúc.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác chuyển đổi số, ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục; có cơ chế, chính sách hỗ trợ học bổng, không để bất kỳ học sinh người dân tộc thiểu số có năng lực nào muốn học đại học nhưng phải từ bỏ vì hoàn cảnh khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ mong các thầy cô tiếp tục cố gắng, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt sứ mệnh vẻ vang là “kỹ sư tâm hồn” để “trồng người” được Đảng và Nhà nước giao phó.