October 25, 2021 | 19:19 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính sắp dự loạt sự kiện đối ngoại đa phương chính thức lớn nhất năm

Tiến Dũng -

Hội nghị Cấp cao ASEAN 38 và 39, cùng Hội nghị Cấp cao với các đối tác là chuỗi hoạt động đối ngoại đa phương chính thức có quy mô nhất trong năm 2021 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự sau khi Ban Lãnh đạo mới của Việt Nam được thành lập từ Đại hội XIII của Đảng...

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP

Nhận lời mời của Quốc vương Brunei Darussalam, Chủ tịch ASEAN năm 2021, từ ngày 26-28/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39, các hội nghị cấp cao liên quan giữa ASEAN với các đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Australia và Nga), Hội nghị cấp cao ASEAN+3 và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) theo hình thức trực tuyến. Cũng trong dịp này, sẽ diễn ra một số hội nghị cấp cao của các nước tiểu vùng ASEAN.

ĐÓNG GÓP CHỦ ĐỘNG, ỨNG XỬ TRÁCH NHIỆM VÀ SẺ CHIA TRÁCH NHIỆM

Hội nghị Cấp cao ASEAN 38 và 39, cùng Hội nghị Cấp cao với các đối tác lần này là sự kiện cấp cao và quan trọng nhất của ASEAN, đồng thời là hoạt động đối ngoại đa phương chính thức có quy mô nhất trong năm 2021 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự sau khi Ban Lãnh đạo mới của Việt Nam được thành lập từ Đại hội XIII của Đảng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự 14/17 hoạt động trong chuỗi Hội nghị Cấp cao lần này. Tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự có đại diện Lãnh đạo nhiều bộ, ngành trong Chính phủ.

Đây là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Phát huy kết quả tốt đẹp của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN, phối hợp với Chủ tịch Brunei thúc đẩy các ưu tiên của Việt Nam trong năm ASEAN 2020 gắn với các ưu tiên của năm 2021, đặc biệt về ứng phó Covid-19, đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng.

Chủ trương tham gia các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này của Việt Nam là “đóng góp chủ động, ứng xử tích cực và sẻ chia trách nhiệm”, hướng tới vai trò nòng cốt, dẫn dắt trên các lĩnh vực, nội dung phù hợp, và hòa giải khi điều kiện thuận lợi.

Chủ trương này phù hợp với tinh thần chung và mong muốn của Việt Nam: đồng hành cùng các nước ASEAN vượt qua khó khăn; giữ vững đoàn kết, thống nhất ASEAN; tiếp nối đà xây dựng Cộng đồng và đẩy mạnh liên kết khu vực; ứng phó hiệu quả các thách thức đang nổi lên; củng cố vai trò trung tâm và vị thế, tiếng nói quốc tế của ASEAN.

Dự kiến, Hội nghị Cấp cao lần này sẽ công bố/thông qua/ghi nhận 101 văn kiện (công bố 10 văn kiện, thông qua 25 văn kiện, ghi nhận 66 văn kiện), bao gồm các tuyên bố, chiến lược, khung hợp tác, kế hoạch hành động, báo cáo, tài liệu tầm nhìn… trên nhiều lĩnh vực ở 3 trụ cột hợp tác của ASEAN.

3 NỘI DUNG CHÍNH CỦA CHUỖI SỰ KIỆN

Chuỗi Hội nghị Cấp cao lần này có ba nội dung lớn, đồng thời cũng là ba thách thức lớn đặt ra cho ASEAN trong năm 2021.

Thứ nhất là kiểm soát đại dịch Covid-19, song song thúc đẩy phục hồi bền vững tiếp tục là trọng tâm trong tiến trình Xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Về hợp tác ứng phó Covid-19, ASEAN sẽ thống nhất và chia sẻ nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh, cải thiện năng lực y tế công cộng, quản lý thảm hoạ y tế, thúc đẩy tiếp cận vaccine đầy đủ, kịp thời với các nguồn vaccine, đẩy nhanh tiêm chủng rộng rãi để nâng cao khả năng miễn dịch cộng đồng. Tỷ lệ tiêm chủng ở khu vực Đông Nam Á đang gia tăng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN ngày 24/4 tại Indonesia - Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị các nhà Lãnh đạo ASEAN ngày 24/4 tại Indonesia - Ảnh: VGP

ASEAN hướng tới hình thành chuỗi cung ứng và tự cường vaccine trong khu vực. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 (AMM-54), các nước ASEAN đề nghị khẩn trương triển khai Kế hoạch hành động ASEAN về an ninh và tự cường vaccine. Thái Lan, Singapore và Việt Nam là 3 quốc gia của ASEAN đang tự chủ nghiên cứu, phát triển vaccine.

ASEAN cũng đẩy mạnh hợp tác với các Đối tác trong ứng phó Covid-19 và nhận được nhiều cam kết hỗ trợ về cung cấp vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine để nâng cao năng lực phòng chống dịch.

Về thúc đẩy phục hồi, ASEAN chú trọng ổn định và duy trì chuỗi cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, chuyển đổi số thích ứng với điều kiện mới.

Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN (ATCAF) dự kiến sẽ được ghi nhận tại Cấp cao ASEAN 38 và 39. Đây là sáng kiến nhằm tạo thuận lợi cho đi lại vì mục đích công vụ và kinh doanh trong ASEAN, bảo đảm tuân thủ các quy định y tế của khu vực và từng quốc gia thành viên trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và hỗ trợ cho các nỗ lực phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 của ASEAN.

Khung phục hồi tổng thể ASEAN (ACRF) cũng đang được triển khai nhằm giảm thiểu tác động kinh tế-xã hội của đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện trong ASEAN. Hiện nay, ASEAN tập trung nâng cao năng lực y tế công cộng của khu vực, tối đa hóa các tiềm năng của thị trường nội khối và đẩy mạnh liên kết kinh tế, tận dụng đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số.

Thứ hai, củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ với các Đối tác. 

ASEAN duy trì cân bằng quan hệ với các Đối tác trong bối cảnh nhiều đối tác bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với ASEAN, khuyến khích các đối tác hỗ trợ ASEAN kiểm soát, ứng phó với dịch Covid-19 và hợp tác giải quyết các thách thức chung. Cụ thể, ASEAN đã họp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt với Trung Quốc (Trùng Khánh, 07-08/6/2021), Nga (trực tuyến 06/7/2021) và Mỹ (trực tuyến, 15/7/2021). ASEAN cũng đã đạt đồng thuận về việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-G7 vào tháng 12/2021 tại London, Vương quốc Anh.

ASEAN đã công nhận Vương quốc Anh là Đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN, trao quy chế Đối tác theo lĩnh vực của ASEAN cho Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) và đang xem xét đề xuất của Trung Quốc và Australia về nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Thứ ba là ứng xử của ASEAN trước các thách thức an ninh khu vực. Trong đó, tình hình Myanmar tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới môi trường an ninh chung của khu vực, là quan tâm chung trong chương trình nghị sự của ASEAN và giữa ASEAN với các Đối tác.

Về vấn đề Biển Đông, đây tiếp tục là vấn đề được các nước ASEAN và các Đối tác quan tâm và trao đổi sâu rộng. ASEAN duy trì quan điểm từ năm 2020, đề cao giá trị của luật pháp quốc tế bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, coi đây là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương.

ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; kêu gọi tự kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate