February 13, 2024 | 22:26 GMT+7

Thủ tướng phát lệnh làm hàng đầu xuân tại cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép

Tiến Dũng -

Chiều 13/2 (tức mùng 4 Tết), tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ đón tàu quốc tế và phát lệnh làm hàng đầu xuân Giáp Thìn 2024 tại cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT), thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Quân chủng Hải Quân...

Thủ tướng và các đại biểu thực hiện nghi thức phát lệnh làm hàng đầu xuân tại cảng TCIT - Ảnh: VGP
Thủ tướng và các đại biểu thực hiện nghi thức phát lệnh làm hàng đầu xuân tại cảng TCIT - Ảnh: VGP

Cùng tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Cụm cảng Tân Cảng - Cái Mép do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý và khai thác, có diện tích bãi 108 ha và gần 1.500 m cầu bến có khả năng tiếp nhận cùng lúc 3 tàu mẹ sức chở 14.000 Teu; cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại và nguồn nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp, chất lượng cao, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng và các hãng tàu lớn trên thế giới.

Với vị trí địa lý thuận lợi, cụm cảng Tân Cảng - Cái Mép là cửa ngõ quốc gia và điểm trung chuyển rất thuận lợi cho hàng hóa giao thương trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, góp phần quan trọng vào việc kết nối và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, phát triển kinh tế của cả nước.

Thủ tướng phát biểu tại lễ đón tàu quốc tế và phát lệnh làm hàng đầu xuân Giáp Thìn 2024 tại cảng Quốc tế Tân Cảng-Cái Mép - Ảnh: VGP
Thủ tướng phát biểu tại lễ đón tàu quốc tế và phát lệnh làm hàng đầu xuân Giáp Thìn 2024 tại cảng Quốc tế Tân Cảng-Cái Mép - Ảnh: VGP

Năm 2023, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch đề ra. Sản lượng container xuất nhập khẩu thông qua các cảng trong hệ thống đạt 9,75 triệu Teu, tương đương gần 140 triệu tấn hàng hóa, tăng trưởng gần 1% (chiếm 56,8% cả nước, 89,5% thị phần khu vực TPHCM); xếp thứ 16 trong nhóm 20 cụm cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. 

Trong đó, cụm cảng Tân Cảng - Cái Mép ghi nhận sự tăng trưởng 10% với sản lượng thông qua đạt hơn 2,7 triệu Teu, chiếm 53,2% thị phần sản lượng thông qua cụm cảng container nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Riêng Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT), trong suốt hành trình 15 năm hình thành và phát triển, đã trở thành cảng container nước sâu có sản lượng thông qua lớn nhất Việt Nam, cảng container có sản lượng thông qua lớn thứ 2 sau cảng Tân Cảng - Cát Lái và giữ vị trí số 1 tại khu vực cụm cảng Cái Mép - Thị Vải với gần 50% thị phần kể từ khi hoạt động đến nay.

TCIT đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành cảng biển Việt Nam và vươn ra thế giới, đến nay TCIT đã đón hơn 5.000 lượt tàu mẹ thuộc hơn 60 tuyến dịch vụ quốc tế của gần 30 hãng tàu trên toàn thế giới, với tổng sản lượng thông qua gần 18 triệu Teu. 

Container đầu tiên được xếp dỡ lên tàu One Aquila có sức chở 14.052 Teu, kết nối Việt Nam và Hoa Kỳ - Ảnh: VGP
Container đầu tiên được xếp dỡ lên tàu One Aquila có sức chở 14.052 Teu, kết nối Việt Nam và Hoa Kỳ - Ảnh: VGP

Hiện cảng TCIT tiếp tục giữ vững vị thế số 1 tại khu vực cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và liên tục thiết lập các kỷ lục như: Năng suất xếp dỡ 238,08 cont/giờ/tàu, kỷ lục sản lượng xếp dỡ tàu mẹ 15.615 Teu.

Cảng TCIT còn là một trong những đơn vị tiên phong trong việc gắn sản xuất kinh doanh với bảo vệ môi trường, giảm phát thải, sử dụng năng lượng sạch và tăng cường chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy quá trình xanh hóa, phát triển bền vững. 

Năm 2020, cảng TCIT đã vinh dự đạt giải thưởng "Cảng xanh" của Hội đồng Mạng lưới Dịch vụ Cảng APEC (APSN), trở thành Cảng thứ 2 của Việt Nam sau cảng Tân Cảng - Cát Lái nhận được danh hiệu này, góp phần nâng tầm vị thế cảng biển Việt Nam trên bản đồ thế giới khi vấn đề "xanh hóa" đã và đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của các chính quyền cảng thế giới.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những đóng góp của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn vào thành tựu, kết quả chung của Quân đội nhân dân Việt Nam và của cả nước năm 2023.

Thủ tướng đề nghị Tổng Công ty Tân Cảng tiếp tục đóng góp tích cực để thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế biển và thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, nhân lực và hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông).

Cụ thể là xây dựng, kết nối và hiện đại hóa các cảng biển lớn và các cảng thủy nội địa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, góp phần giảm chi phí logistics, giảm giá thành hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá nói chung, đặc biệt là nông sản, mang lại lợi ích nhiều hơn cho bà con nông dân.

Thủ tướng cũng lưu ý Tổng Công ty cần tiếp tục coi trọng công tác xây dựng đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mong muốn Tổng Công ty đạt mức tăng trưởng năm 2024 cao hơn năm 2023, Thủ tướng khẳng định các cơ quan luôn ủng hộ, tạo điều kiện tốt nhất cho Tổng Công ty phát triển, phát huy truyền thống anh hùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững.

Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương những thành tựu, kết quả đạt được trong năm 2023 và mong muốn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục nỗ lực, phấn đấu đạt thành tích năm 2024 cao hơn năm 2023, góp phần xây dựng, phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cái Mép - Thị Vải sáng, xanh, sạch, đẹp, nghĩa tình.

Về các kiến nghị, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải quyết định theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, trong đó có sử dụng vốn đầu tư công để mở rộng tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải nâng cao năng lực tiếp nhận tàu; tăng nguồn vốn bảo trì các tuyến luồng, nhất là tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải, bảo đảm chuẩn tắc cho tàu lớn vào/rời cảng; bố trí nguồn đóng mới tàu tìm kiếm cứu nạn.

Tại buổi lễ, Thủ tướng và các đại biểu đã thực hiện nghi thức phát lệnh làm hàng đầu xuân tại cảng TCIT với container đầu tiên được xếp dỡ lên tàu One Aquila có sức chở 14.052 Teu, kết nối Việt Nam và Hoa Kỳ; tặng quà cán bộ, công nhân viên, người lao động đang sản xuất tại Cảng.

Nhân dịp này, Thủ tướng đã đi thăm, tặng quà, động viên lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải (Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải) thuộc Cục Hàng hải Việt Nam.

Cũng trong chiều ngày 13/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kiểm tra công trường dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; làm việc với các cơ quan liên quan về dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Sau khi hoàn thành tuyến cao tốc này, thời gian chạy xe từ TPHCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu được rút ngắn, chỉ còn khoảng 70 phút thay vì 150 phút và thường xuyên ùn tắc như hiện nay.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7 km (qua tỉnh Đồng Nai 34,2 km, qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 19,5 km), đầu tư theo quy mô đường cao tốc vận tốc thiết kế 100 km/h, quy mô mặt cắt ngang giai đoạn 1 từ 4 đến 6 làn xe theo từng đoạn, giai đoạn hoàn thiện mở rộng bảo đảm quy mô 6-8 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án gần 18.000 tỷ đồng, gồm 3 dự án thành phần; thời gian thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Trước đó, trong chiều 13/2, Thủ tướng cũng đi kiểm tra tiến độ, tặng quà, động viên cán bộ, công nhân, người lao động đang làm việc trên công trường một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm tại các tỉnh phía nam. Công trình đầu tiên Thủ tướng tới thị sát là tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM trên địa bàn TP.HCM.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate