October 11, 2024 | 08:46 GMT+7

Thủ tướng phê bình nhiều địa phương chậm trễ ban hành hướng dẫn thi hành Luật Đất đai

Nhĩ Anh -

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; hoàn thành trước ngày 15/10/2024...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 10/10/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 105/CĐ-TTg về việc tập trung chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai.

Công điện gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các địa phương nêu rõ: Luật Đất đai được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024, bước đầu đã đi vào cuộc sống góp phần vào việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

13 ĐỊA PHƯƠNG CHƯA BAN HÀNH ĐƯỢC MỘT NỘI DUNG NÀO ĐỂ QUY ĐỊNH CHI TIẾT, HƯỚNG DẪN THI HÀNH

Việc triển khai đưa Luật Đất đai sớm có hiệu lực thi hành là yêu cầu cấp thiết, nhiệm vụ cấp bách để giải quyết các khó khăn vướng mắc từ thực tiễn.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc tổ chức thi hành Luật nhất là việc ban hành các văn bản quy định chi tiết. Thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã hoàn thành việc ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các Bộ trước ngày 01/8/2024.

Cụ thể, Chính phủ đã ban hành 10 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 01 Quyết định, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành 05 Thông tư được Luật giao, nhiều tỉnh, thành phố đã tập trung nguồn lực để ban hành được một số văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.

 
Một số tỉnh, thành phố chưa ban hành được một nội dung nào để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (Cao Bằng, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Nông, Tiền Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Phú Yên, Bình Phước, An Giang).

Thủ tướng Chính phủ biểu dương các Bộ, ngành và địa phương đã rất nỗ lực ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ và căn cứ pháp lý cho việc triển khai thi hành Luật Đất đai được thuận lợi, phát huy hiệu quả của các chính sách mới, tiến bộ mà Luật Đất đai đã đề ra.

Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình thực tế và tổng hợp báo cáo của các cơ quan, ban ngành, địa phương, các tỉnh, thành phố vẫn chưa ban hành đầy đủ các nội dung được giao trong Luật và các Nghị định;

Đặc biệt, một số tỉnh, thành phố chưa ban hành được một nội dung nào để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (gồm: Cao Bằng, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Nông, Tiền Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Phú Yên, Bình Phước, An Giang).

Thủ tướng Chính phủ phê bình các tỉnh, thành phố còn chậm trễ trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

TẬP TRUNG HOÀN THÀNH BAN HÀNH VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH TRƯỚC NGÀY 15/10

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm các Công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các địa phương chậm ban hành văn bản quy định theo thẩm quyền phải đánh giá nguyên nhân, tác động ảnh hưởng đến kết quả triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng trên địa bàn địa phương mình; đồng thời tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra việc ban hành chậm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 15/10/2024.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo ban hành đầy đủ các nội dung được giao quy định chi tiết trong Luật Đất đai và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai; hoàn thành trước ngày 15/10/2024, báo cáo kết quả Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để chậm trễ ban hành các văn bản nêu trên.

Thủ tướng phê bình nhiều địa phương chậm trễ ban hành hướng dẫn thi hành Luật Đất đai - Ảnh 1

Cùng với đó chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi hành Luật Đất đai có hiệu quả tại địa phương, bao gồm kiện toàn tổ chức bộ máy của Tổ chức phát triển quỹ đất và Văn phòng Đăng ký đất đai; bố trí nguồn nhân lực, kinh phí, xây dựng cơ sở dữ liệu, ban hành các định mức kinh tế- kỹ thuật, đơn giá sản phẩm...

Công điện cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên, liên tục đến tất cả các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện.

Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn ở địa phương; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền, không để xảy ra ách tắc làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân, doanh nghiệp.

Thực hiện nghiêm công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả, nhất là các nhóm thủ tục hành chính, dịch vụ công liên thông.

Công điện cũng nhấn mạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ quan quản lý nhà nước và đối tượng sử dụng đất. Trước mắt đẩy mạnh kiểm tra việc tổ chức thi hành Luật Đất đai tại địa phương.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên theo dõi, đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.

Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm, hiệu quả Công điện.

Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương trong thực hiện Công điện, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng phụ trách những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate