Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 769/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, giai đoạn 1 với chiều dài tuyến khoảng 27,43 km.
Dự án có điểm đầu giao với cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối giao với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Về hướng tuyến, từ điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, dự án đi theo hướng Đông Nam và cách thị trấn Mỹ Tho khoảng 7 km; sau đó đi theo hướng Đông qua giữa khu dân cư và khu sinh thái Xẻo Quýt, vượt qua sông Cái Lân và kết thúc giao với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Cao tốc Cao Lãnh – An Hữu được phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc khai thác 80 km/h.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, giai đoạn 1 khoảng 5.886 tỷ đồng, được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Địa điểm thực hiện dự án là tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp. Thời gian thực hiện công trình là từ năm 2022 đến hết năm 2027.
Theo Quyết định số 769, dự án được chia thành 2 dự án thành phần.
Dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km16+000) có chiều dài khoảng 16 km thuộc tỉnh Đồng Tháp, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 458 tỷ đồng.
Dự án thành phần 2 (Km16+000 - Km27+430) có chiều dài khoảng 11,43 km thuộc tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 2.246 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 398 tỷ đồng.
Dự án được thực hiện theo các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH13 của Quốc hội.
Như vậy, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là khoảng 5.886 tỷ đồng, được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước.
Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 3.486,8 tỷ đồng, bao gồm vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải là 2.282,8 tỷ đồng và vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 1.204 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2006 – 2030, dự án được bố trí khoảng 2.399,2 tỷ đồng trong nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 theo đúng quy định của pháp luật.
Về cơ quan chủ quản các dự án thành phần, Quyết định số 769 nêu rõ, thực hiện theo quyết định của Thủ tướng về phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc.
Thủ tướng cũng giao Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm toàn diện đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư dự án và các thông tin, số liệu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh Đồng Tháp và các bộ, cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai dự án; thực hiện kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng công trình theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan rà soát, cân đối nguồn vốn để triển khai dự án theo tiến độ, đúng quy định của pháp luật.
Các cơ quan được giao chủ quản dự án thành phần được giao nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình triển khai dự án thành phần; phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án thành phần trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành có liên quan trong quá trình triển khai dự án, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm toàn diện trong việc lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản, tiền vốn của Nhà nước.
Sau khi hoàn thành cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, giai đoạn 1 sẽ từng bước hình thành trục ngang và mạng lưới đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối các trục dọc cao tốc.
Từ đó, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang trục ngang quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tạo không gian phát triển vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực liên kết, thúc đẩy hợp tác và phát triển vùng; góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo; từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.