October 20, 2011 | 10:36 GMT+7

Thủ tướng: Sẽ ưu tiên nguồn lực tái cơ cấu kinh tế

Nguyên Thảo

Thủ tướng báo cáo Quốc hội tình hình kinh tế - xã hội năm nay và kế hoạch năm sau

Bản báo cáo dài 19 trang của Thủ tướng dành khá nhiều dung lượng cho nội dung tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Bản báo cáo dài 19 trang của Thủ tướng dành khá nhiều dung lượng cho nội dung tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ hai sáng nay (20/10), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, sẽ ưu tiên nguồn lực thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện nhất quán chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, từ phát triển chiều rộng sang phát triển chiều sâu.

Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cũng là nội dung được nhấn mạnh tại phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Nhận định nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, song Chủ tịch cũng nêu rõ, kinh tế phát triển không ổn định, lạm phát tăng cao, an sinh xã hội chưa đảm bảo, đời sống nhân dân và những người hưởng lương rất khó khăn…

Bối cảnh trong nước và thế giới đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm rất cao, các giải pháp thích hợp bảo đảm thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội…, Chủ tịch nói.

Tổng dư nợ tín dụng năm 2011 ước tăng 12%

Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, tuy một số chỉ tiêu không hoàn thành, trong đó có tăng trưởng GDP (đạt khoảng 6%) song theo Thủ tướng, kinh tế vĩ mô đã có bước chuyển biến tích cực, lạm phát giảm dần.

Với chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt, ước cả năm tổng dư nợ tín dụng tăng 12%, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,5%, người đứng đầu Chính phủ cho biết.

Con số mức tăng giá tiêu dùng khoảng 18% của cả năm nay được nhìn nhận là nhờ xác định đúng nhiệm vụ ưu tiên kiềm chế lạm phát và nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiểm soát giá cả, điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường.

Những yếu kém, bất cập được Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội là kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát và lãi suất tín dụng còn cao, nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng, thanh khoản của của một số ngân hàng thương mại khó khăn, dự trữ ngoại hối thấp, áp lực đối với tỷ giá còn lớn…

Bên cạnh đó, tham nhũng lãng phí chưa được đẩy lùi, tội phạm và tệ nạn xã hội chưa giảm...

Cùng với các nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan được người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận là có hạn chế, yếu kém trong quản lý, lãnh đạo, quản lý, nhất là trong quản lý kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ, quản lý đầu tư công, quản lý doanh nghiệp nhà nước...

Kiềm chế lạm phát 2012 dưới 10%

Thay vì hai kịch bản như đã dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ở cả năm 2012 và 5 năm 2011 – 2015, Chính phủ chỉ trình Quốc hội một phương án. Theo đó GDP năm 2012 tăng khoảng 6 - 6,5%, lạm phát dưới 10%.

Với kế hoạch 5 năm, tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%, phấn đấu đạt 7%. Đến năm 2015, lạm phát khoảng 5 - 7%, nợ công khoảng 60 - 65% GDP.

Theo Thủ tướng, năm 2012 phải được xác định là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ trong cả giai đoạn 2011 - 2015 với các trọng tâm là kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường giá cả, cải thiện cán cân thanh toán và phấn đấu giảm bội chi ngân sách.

Bản báo cáo dài 19 trang của Thủ tướng dành khá nhiều dung lượng cho nội dung tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Chính phủ xác định cơ chế huy động các nguồn lực để thực hiện các đột phá theo một lộ trình hợp lý, ưu tiên cho các lĩnh vực dự án có tác động lan tỏa cao, tạo tiền đề tái cơ cấu nền kinh tế.

Ngay từ năm 2012 cần tập trung vào ba lĩnh vực trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính tiền tệ, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong các giải pháp, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ sự đổi mới tư duy về đầu tư, từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư công, theo hướng giảm dần tỷ trọng và nâng cao hiệu quả.

Quyết tâm nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước cũng được thể hiện với nhấn mạnh các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chỉ tập trung vào những ngành nghề kinh doanh chính. Kiên quyết thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước không cần chi phối và thoái vốn đã đầu tư vào các hoạt động ngoài ngành kinh doanh chính, có phương án sắp xếp, kiện toàn các doanh nghiệp thua lỗ.

Tại phiên họp sáng nay, sau báo cáo tập hợp kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu sẽ trình bày báo cáo thẩm tra về các nội dung Thủ tướng đã trình bày.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate