Tại phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ sáng 8/11, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. HCM nói, Chính phủ đã trình Quốc hội về việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết việc bố trí ngân sách và xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan sẽ được Chính phủ triển khai như thế nào.
Trả lời vấn đề đại biểu đoàn TP. HCM nêu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tiền lương là vấn đề luôn được cử tri và đại biểu quan tâm. Tiền lương vừa là nguồn mang lại tái tạo sức lao động nhưng cũng là động lực để cán bộ, công chức, người lao động tham gia cống hiến, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thủ tướng cho biết Nghị quyết 27 năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đã được ban hành nhưng chưa thể thực hiện được vì nguồn lực còn khó khăn, vừa qua là đại dịch Covid-19 và tác động từ tình hình quốc tế.
Mặc dù vậy, Chính phủ đã cố gắng trích lập quỹ lương, tăng thu giảm chi, đến nay có khoảng 560.000 tỷ đồng tiết kiệm chi cho cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 đến hết năm 2026.
"Song song cải cách tiền lương trong khu vực Nhà nước, chúng ta cũng cải cách tiền lương khu vực ngoài Nhà nước, doanh nghiệp để tiệm cận với nhau", lãnh đạo Chính phủ nói.
Theo Thủ tướng, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh vị trí việc làm; tinh giản biên chế gắn với hiệu lực hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để đảm bảo chi lương cho người lao động.
Như vậy, Thủ tướng cho rằng vừa phải thực hiện chế độ lương cho cán bộ, công chức, song Chính phủ cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan nghiên cứu để xây dựng chính sách tiền lương khu vực ngoài Nhà nước cho phù hợp, tiệm cận với nhau.
Đặt câu hỏi tới Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, đề cập đến Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó số liệu thống kê hiện nay cho thấy tỷ lệ lực lượng lao động có việc làm phi chính thức của cả nước chiếm trên 65% và lên đến trên 30 triệu lao động. Nghị quyết của Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ phải có giải pháp cho thực trạng này.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết Chính phủ đã có giải pháp hiệu quả nào để đưa nguồn lực này vào phát triển và phục hồi kinh tế - xã hội, cũng như giúp cho người lao động tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội của đất nước.
Về vấn đề này, Thủ tướng nhìn nhận, đất nước ta đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, vừa qua do tác động của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng từ đứt gãy các chuỗi cung ứng, dẫn đến mất đơn hàng, doanh nghiệp khó khăn. Từ đó, việc dịch chuyển lao động cũng là điều tiết để người lao động phù hợp với tình hình, có điều kiện tìm sinh kế.
“Tính tự chủ, tự lực, tự cường ở đây rất đáng hoan nghênh, nhưng về mặt quản lý nhà nước cũng rất đáng suy nghĩ”, Thủ tướng nói.
Về giải pháp, Thủ tướng cho rằng cần phải tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân, mà muốn có điều này thì phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu ngành công nghiệp, chuyển dịch lao động khu vực phi chính thức, nông thôn, từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác an sinh xã hội, xử lý tốt các vấn đề lao động.
Thủ tướng cho biết Chính phủ đang tập trung xây dựng các giải pháp, thể chể hóa các chủ trương, chính sách pháp luật đã ban hành, làm sao đi vào cuộc sống, giải quyết được các vấn đề lao động. “Đây là vấn đề quan trọng trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo”, lãnh đạo Chính phủ nhấn mạnh.
Quan tâm đến vấn đề phát triển du lịch, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cho rằng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn mang lại thành công và lợi ích trong tương lai. Thời gian qua, ngành đạt được nhiều kết quả nhưng chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế.
"Đề nghị Thủ tướng cho biết định hướng giải pháp đảm bảo nguồn lực tài nguyên, vốn, công nghệ, con người để phát triển ngành du lịch", đại biểu Sơn nêu câu hỏi chất vấn đến Thủ tướng.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Thủ tướng Chính phủ cho biết Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển du lịch nhưng thực tế du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh như kỳ vọng của đồng bào và cử tri cả nước.
Theo Thủ tướng, du lịch là ngành mới song lại có tính hội nhập cao. Nguyên nhân liên quan đến thể chế, chính sách, nhân lực, quy hoạch, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Về các giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trọng tâm phát triển; chuẩn bị nguồn lực cho hạ tầng du lịch; nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, Thủ tướng cho rằng cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành.