October 16, 2022 | 19:00 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng thương mại tuân thủ pháp luật và tăng cường năng lực quản trị

Tiến Dũng -

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm của Đảng và Nhà nước là bảo vệ, khuyến khích, hỗ trợ những doanh nghiệp tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, làm giàu chính đáng, nhưng phải xử lý những người vi phạm; đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân...

Tại cuộc gặp mặt lãnh đạo các ngân hàng thương mại ngày 16/10, nhấn mạnh một số nội dung, Thủ tướng nêu rõ những kết quả đạt được 9 tháng đầu năm 2022 và thời gian qua khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế và an ninh tiền tệ quốc gia.

NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC NHƯNG VẪN BỘC LỘ BẤT CẬP

Hệ thống ngân hàng đóng vai trò huyết mạch tích cực, kịp thời, hiệu quả của nền kinh tế; là kênh dẫn vốn chủ yếu phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, nâng cao đời sống nhân dân.

Hoạt động ngân hàng gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp, tác động đến toàn bộ nền kinh tế. Vì vậy, hệ thống ngân hàng có ổn định, lành mạnh, an toàn, hiệu quả thì nền kinh tế mới ổn định và phát triển. Ngược lại, nền kinh tế có ổn định, phát triển thì hệ thống ngân hàng ổn định, lành mạnh, an toàn hiệu quả.

Về những kết quả chủ yếu của ngành ngân hàng, Thủ tướng nêu rõ, đã điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Mặt bằng lãi suất, tỷ giá cơ bản ổn định.

Ngành ngân hàng cơ bản bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (đến cuối tháng 9, tổng vốn tín dụng đạt 11,55 triệu tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2021).

Toàn cảnh cuộc gặp mặt - Ảnh: VGP
Toàn cảnh cuộc gặp mặt - Ảnh: VGP

Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025; tập trung hoàn thiện thể chế, xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.

Hệ thống các ngân hàng thương mại không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, chất lượng và năng lực tài chính. Tổng tài sản của các ngân hàng cổ phần đến nay đã đạt khoảng 7,5 triệu tỷ đồng; của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đạt hơn 7 triệu tỷ đồng.

Các ngân hàng thương mại đã chủ động, tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 bằng nhiều biện pháp. Đến cuối tháng 7/2022, cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ 722 nghìn tỷ đồng với 1,1 triệu khách hàng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ 92,4 nghìn tỷ đồng với 565 nghìn khách hàng.

Bên cạnh đó, việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức từ bên ngoài. Tình hình thế giới diễn biễn nhanh, phức tạp; lạm phát, lãi suất tăng cao; nhiều đồng tiền mất giá mạnh. Trong khi đó quy mô kinh tế nước ta còn nhỏ, độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế; doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng nặng nề sau 2 năm dịch Covid-19.

Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bộc lộ những bất cập, ảnh hưởng đến nhiều tổ chức tín dụng và người dân. Hệ thống các ngân hàng thương mại có tiềm lực tài chính nhỏ, chất lượng chưa cao, trình độ quản lý, công nghệ nhiều ngân hàng thương mại còn lạc hậu. Còn hiện tượng sở hữu chéo, cạnh tranh thiếu lành mạnh, tính công khai, minh bạch chưa cao.

Công tác thanh tra, giám sát của ngân hàng còn chưa chủ động, sâu sát, kịp thời, còn để xảy ra sai phạm. Một số ngân hàng thương mại yếu kém phải quyết liệt xử lý, mặc dù rất khó khăn, cần nguồn lực.

Công tác bảo đảm an ninh, an toàn đang gặp nhiều thách thức, rủi ro cần được quan tâm, xử lý hiệu quả. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% triển khai chậm, hiệu quả chưa cao do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên cần khắc phục triệt để thời gian tới.

THÔNG ĐIỆP QUAN TRỌNG CỦA THỦ TƯỚNG

Dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức hơn là cơ hội và thuận lợi, Thủ tướng nêu rõ cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, bảo đảm chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng với các chính sách tài khóa và các chính sách khác để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành tỉ giá, lãi suất, tăng tín dụng phù hợp, đáp ứng các yêu cầu phát triển.

Thủ tướng đồng thời đề nghị các đồng chí lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nghiêm túc triển khai thực hiện những nhiệm vụ tại buổi làm việc ngày 4/8/2022 với tinh thần: "Nỗ lực tiết giảm chi phí, ngành ngân hàng chia sẻ khó khăn với đất nước, đồng hành với người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, đổi mới khuyến khích giảm lãi suất phù hợp, hiệu quả với các đối tượng ưu tiên, phản ứng chính sách kịp thời hơn.

Thủ tướng đề nghị các ngân hàng thương mại tuân thủ pháp luật, tăng cường năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính, bảo đảm an toàn hoạt động. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ, chất lượng tín dụng, bảo đảm công khai, minh bạch, tập trung cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Cùng với đó, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai Basel II. Phát triển mạnh mạng lưới; nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng; phát triển hoạt động dịch vụ phi tín dụng; thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh. Tiếp tục đề cao trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, vì cộng đồng. Đoàn kết, gắn bó, cạnh tranh lành mạnh theo Hiến pháp và pháp luật.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý các ngân hàng thương phải đoàn kết, thống nhất, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau và cạnh tranh lành mạnh để tháo gỡ khó khăn - Ảnh: VGP
Thủ tướng đặc biệt lưu ý các ngân hàng thương phải đoàn kết, thống nhất, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau và cạnh tranh lành mạnh để tháo gỡ khó khăn - Ảnh: VGP

"Quan trọng là hệ thống ngân hàng phải huy động được nguồn lực trong nhân dân, xã hội, trong nước và ngoài nước để tập trung cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như tiêu dùng, đầu tư, xuất nhập khẩu, nhà ở xã hội… và thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số và đề cao trách nhiệm xã hội", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý các ngân hàng thương phải đoàn kết, thống nhất, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau và cạnh tranh lành mạnh để tháo gỡ khó khăn, vượt qua các thách thức, theo sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Tăng cường thanh tra, giám sát, cảnh báo rủi ro, bảo đảm vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của khách hàng.

Nhân dịp này, Thủ tướng nhấn mạnh một số thông điệp quan trọng. Thứ nhất, Đảng, Nhà nước luôn bảo vệ, khuyến khích, hỗ trợ những doanh nghiệp tuân thủ, hoạt động theo đúng Hiến pháp và pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, làm giàu chính đáng, minh bạch, góp phần đắc lực, hiệu quả xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no.

Thứ hai, phải xử lý những người vi phạm Hiến pháp và pháp luật, lợi dụng chính sách để tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, bảo vệ người làm đúng, xử lý người làm sai để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh theo Hiến pháp và pháp luật.

Thứ ba, Đảng, Nhà nước luôn luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Đối với các bộ ngành liên quan, Thủ tướng yêu cầu theo dõi bám sát tình hình, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả với Ngân hàng Nhà nước để giải quyết các vấn đề liên quan, nhất là những đề xuất, kiến nghị của các ngân hàng thương mại tại cuộc gặp mặt.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate