Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 2016-2020, lĩnh vực đường sắt triển khai 4 dự án nâng cấp, cải tạo các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM với số vốn khoảng 7.000 tỷ đồng. Đến nay, các dự án đã cơ bản hoàn thành đáp ứng tiến độ, chất lượng, còn lại 4/tổng số 35 gói thầu xây lắp dự kiến hoàn thành năm 2023.
Giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực đường sắt đang chuẩn bị triển khai 8 dự án với số vốn khoảng 9.580 tỷ đồng, trong đó 2 dự án sử dụng vốn ODA và 6 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
2 dự án sử dụng vốn ODA gồm dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét và dự án cải tạo khu gian Hòa Duyệt - Thanh Luyện thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.
6 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước gồm 3 dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Hà Nội – Vinh, Vinh – Nha Trang và Nha Trang – Sài Gòn thuộc tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM; dự án cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía bắc; dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống; dự án đấu nối ray giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc.
Trong đó, dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang – Sài Gòn sẽ cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia khổ 1.000 mm với các hạng mục: Cải tạo 4 cầu yếu trên tuyến; cải tạo kiến trúc tầng trên khoảng 87 km; cải tạo, sửa chữa ga hàng Sóng Thần và ga khách Dĩ An nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải; cải tạo hệ thống thông tin tín hiệu đồng bộ. Đến nay, đã ký hợp đồng 2 gói thầu xây lắp và đủ điều kiện để khởi công; 1 gói thầu đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế.
NHIỆM VỤ NẶNG NỀ, NHIỀU THÁCH THỨC
Phát biểu tại lễ ra quân, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Ninh Thuận và các bộ, ngành, địa phương có liên quan đã chủ động tích cực, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hoàn thành các thủ tục theo quy định để triển khai thi công dự án quan trọng và có ý nghĩa này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước và là một trong ba đột phá chiến lược.
Nhiều chính sách, giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng nói chung, giao thông nói riêng đã và đang tạo ra hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại trên khắp cả nước.
Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cả nhân dân, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả.
Thực tiễn kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cũng như ở trong nước thời gian qua đã chứng minh, tỉnh nào, vùng nào có giao thông thuận lợi thì kinh tế - xã hội phát triển nhanh hơn, đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn, quốc phòng, an ninh bảo đảm tốt hơn.
Giao thông vận tải đường sắt nước ta đã có quá trình phát triển lâu dài và có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
"Vận tải đường sắt là một lĩnh vực vận tải có nhiều ưu thế, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Ngay sau khi giải phóng đất nước, một trong những việc đầu tiên chúng ta làm là khôi phục hệ thống đường sắt", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết, trong nhiệm kỳ này chúng ta huy động được khoảng 500 nghìn tỷ đồng vốn nhà nước cho phát triển hạ tầng giao thông, gấp khoảng 3 lần so với nhiệm kỳ trước. Gần đây nhất, các dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 đã khởi công ngày 1/1/2023.
Tuy nhiên, như báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, thời gian vừa qua, do khó khăn về nguồn lực đầu tư nên về cơ bản mạng lưới đường sắt trong nước không có thay đổi so với trước đây; các dự án đầu tư trong lĩnh vực đường sắt mới chỉ tập trung cải tạo, nâng cấp; chưa đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác các tuyến mới theo quy hoạch.
Vận tải đường sắt còn bộc lộ một số bất cập, chưa phát huy được thế mạnh vốn có của phương thức vận tải khối lượng lớn, đường dài, thị phần giảm sút so với các phương thức vận tải khác làm ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển cân bằng của hệ thống Giao thông vận tải, chưa kéo giảm được nhiều chi phí logictics, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã xác định mục tiêu đến năm 2030 phải cải tạo nâng cấp để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, đồng thời xây dựng một số tuyến đường sắt trên các hành lang trọng yếu, đường sắt kết nối cảng biển, cảng hàng không quốc tế, kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp,... và kết nối quốc tế.
"Đây thực sự là một nhiệm vụ rất nặng nề và nhiều thách thức, đòi hỏi quyết tâm rất lớn, nỗ lực rất cao, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, coi là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện bằng được quy hoạch", Thủ tướng nhấn mạnh.
3.100 TỶ ĐỂ CẢI TẠO VÀ NÂNG CẤP ĐƯỜNG SẮT HÀ NỘI - TP.HCM
Cụ thể hóa chủ trương và chính sách của Đảng về phát triển đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Chính phủ đã giao các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để trình Hội đồng thẩm định nhà nước và các cấp để sớm triển khai theo quy hoạch, trong đó, nghiên cứu triển khai trước đoạn TP.HCM – Cần Thơ.
Cùng với đó, Chính phủ đã phê duyệt và bố trí khoảng 3.100 tỷ đồng trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn từ Hà Nội đến TP.HCM.
Để dự án được hoàn thành bảo đảm an toàn, chất lượng và tiến độ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng thi công và tuyệt đối an toàn chạy tàu, giữ gìn vệ sinh môi trường; đồng thời phải huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công; tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành dự án.
Rút kinh nghiệm từ triển khai các dự án vừa qua và phát huy những thành quả đã đạt được, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan của Trung ương, UBND tỉnh Ninh Thuận, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để chủ đầu tư và các nhà thầu thi công dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị toàn bộ các chủ thể tham gia dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, với ngành và cao hơn nữa với nhân dân, với Tổ quốc; đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần triển khai dự án đúng tiến độ với tinh thần "tất cả vì nhân dân, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước". Nguồn lực hơn 3.000 tỷ đồng không nhiều, nhưng nếu sử dụng tốt sẽ phát huy hiệu quả cao.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh hợp tác công tư để thu hút mọi nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông vận tải, bởi "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân".
"Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo để sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; đồng thời, nghiên cứu phát triển các tuyến đường sắt kết nối vùng kinh tế trọng điểm, kết nối cảng biển, cảng hàng không quốc tế", Thủ tướng khẳng định.
Chính phủ sẽ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các dự án đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, tránh đội vốn bất hợp lý; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.