Là người đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội vào sáng 17/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu sẽ phải làm rõ nhiều vấn đề trong công tác quản lý Nhà nước về thị trường ngoại tệ.
Một trong những căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn nội dung này vào nhóm vấn đề sẽ chất vấn Thống đốc chính là sự quan tâm của đại biểu, thể hiện qua các chất vấn đã được gửi đến.
Là người trực tiếp điều hành doanh nghiệp, đại biểu Phạm Thị Loan nêu tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu phải mua USD với tỷ giá chênh lệch khoảng 400 - 500 đồng/USD so với tỷ giá công bố của Ngân hàng Nhà nước. Số chênh lệch này được thanh toán ngầm qua tài sản cá nhân hoặc nộp bằng tiền mặt không có chứng từ hợp lệ.
Theo đại biểu Loan, điều này dẫn đến doanh nghiệp nhập khẩu, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu để cung cấp cho các dự án đã đấu thầu có quy định tỷ giá thanh toán theo tỷ giá công bố của ngân hàng Nhà nước sẽ bị thiệt hại khoảng 2-3% giá trị hợp đồng.
“Ngân hàng gây áp lực cho doanh nghiệp, bắt ép doanh nghiệp phải mua theo giá chênh lệch. Nếu doanh nghiệp không mua, để dư nợ quá hạn thì doanh nghiệp sẽ không được tiếp tục vay vốn nữa, gây hậu quả nghiêm trọng. Đây cũng là mầm mống của sự lũng đoạn”, đại biểu Loan nêu rõ.
“Thống đốc có chủ trương và biện pháp gì trước nguy cơ một “chợ đen” về mua bán ngoại tệ ngay trong lòng hệ thống ngân hàng?”, đại biểu Loan chất vấn.
Cũng liên quan đến vấn đề đại biểu Loan đề cập, đại biểu Nguyễn Lân Dũng chỉ ra việc nhà nước thất thu số tiền chênh lệch mà doanh nghiệp phải trả để mua ngoại tệ. “Xin Thống đốc cho biết tình trạng này phổ biến đến mức nào?”.
Từ góc nhìn khác, đại biểu Hoàng Thị Hảo cho rằng “căng thẳng ngoại tệ” và vấn đề tỷ giá hối đoái đang gây nhiều khó khăn cho một số doanh nghiệp xuất khẩu là yếu tố khiến Việt Nam mất điểm trong các xếp hạng quốc tế gần đây.
“Thế giới nhìn thấy ở Việt Nam rất nhiều tiến bộ, nhưng thị trường hối đoái ít được cải thiện và gây cản trở cho các nhà đầu tư. Trong thời gian tới, Thống đốc có giải pháp hữu hiệu nào để tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng và cho doanh nghiệp?”, đại biểu Hảo nêu chất vấn.
Đặt câu hỏi vì sao ngân hàng quá ưu đãi các doanh nghiệp Nhà nước, đại biểu Dũng dẫn con số tính đến cuối tháng 6/2009, chỉ riêng 4 tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước đã nợ vốn vay vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng. Trong khi đó doanh nghiệp Nhà nước phải đầu tư tới hơn 708 triệu đồng để tạo ra một việc làm, doanh nghiệp tư nhân chỉ cần 463 triệu đồng và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ là 505 triệu đồng.
Bên cạnh những nội dung nêu trên, khá nhiều trong tổng số 13 chất vấn đã được gửi đến Thống đốc Nguyễn Văn Giàu liên quan đến hỗ trợ lãi suất 4% trong gói kích cầu.
“Cử tri bức xúc vì người nông dân “không với tay” tới gói kích cầu của Chính phủ, thủ tục phức tạp, không phù hợp với điều kiện sản xuất hiện nay của nông dân, người dân hoài nghi tính minh bạch của gói kích cầu…”, đại biểu Nguyễn Thị Tuyến đặt vấn đề. Đồng thời, đại biểu này đề nghị Thống đốc cho biết “sự chỉ đạo, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước với hệ thống ngân hàng trong việc thực hiện gói kích cầu”.
Nhiều vị đại biểu khác cũng đề nghị Thống đốc làm rõ vì sao chỉ có 20% doanh nghiệp tiếp cận được vốn kích cầu, đã có bao nhiêu cán bộ ngân hàng làm sai chính sách hỗ trợ lãi suất để trục lợi, kết quả xử lý thế nào?
Tại kỳ họp thứ tư (tháng 11/2008), Thống đốc Nguyễn Văn Giàu chỉ có khoảng hơn 40 phút để trực tiếp trả lời chất vấn các vị đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp này, Thống đốc sẽ có gần trọn buổi sáng để trả lời trực tiếp những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Bên cạnh những vấn đề liên quan đến ngoại hối, kích cầu, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng đánh giá việc điều hành lãi suất ngân hàng trong điều kiện vừa đảm bảo yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh vừa ngăn ngừa lạm phát cao trở lại.
Tiếp sau Thống đốc, lần lượt các vị bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Nội vụ và Công Thương cũng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp. Và, buổi chất vấn, trả lời chất vấn cuối cùng tại kỳ họp này vào sáng 19/11 sẽ được dành trọn cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Những vấn đề các bộ trưởng trả lời chưa đáp ứng yêu cầu của đại biểu sẽ được Thủ tướng làm rõ.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate