Ngày 28/10/2022, tại Bình Bương, Diễn đàn “Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam”, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam tăng từ 3,4 tỷ USD trong năm 2010 lên đến 14,5 tỷ USD trong năm 2021, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 ở châu Á và thứ 5 trên thế giới.
ĐƯA KIM NGẠCH XUẤT KHẨU LÊN 25 TỶ USD VÀO NĂM 2030
Cũng tại Diễn đàn, một phiên thảo luận cấp cao mang chủ đề "Thúc đẩy các chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam” được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn nhằm cung cấp cho đại biểu thông tin cụ thể về các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam cùng các đối tác quốc tế đang thực hiện, qua đó phát huy tinh thần “Hợp tác bảo đảm gỗ hợp pháp” - khẩu hiệu của Diễn đàn năm nay.
"EU là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 5 của Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU đạt trên 1,03 USD, chiếm 9,2 % thị phần xuất khẩu".
Ông Phạm Văn Điển, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp.
Cả nước hiện có gần 14.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, sản xuất đồ mộc và các sản phẩm khác từ gỗ với quy mô khác nhau, tạo ra hơn 500.000 việc làm dài hạn cho người lao động. Kết quả này góp phần ổn định an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững.
Theo ông Điển, Việt Nam đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu hàng đầu thế giới. Dự báo, vào năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ Việt Nam ước đạt 25 tỷ USD.
“Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần xây dựng và vận hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam phù hợp với các cam kết và thỏa thuận quốc tế qua đó đảm bảo rằng 100% nguyên liệu gỗ sử dụng trong toàn bộ các chuỗi giá trị là hợp pháp”, ông Điển nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Dương, cho hay năm ngoái 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 14,21 tỷ USD; trong đó Bình Dương là địa phương dẫn đầu với giá trị đạt 6,12 tỷ USD, chiếm tới 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2022, thủ phủ” đồ gỗ Bình Dương phấn đấu chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, với kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của tỉnh sẽ đạt 9 tỷ USD.
“Là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xuất khẩu đồ gỗ, tầm nhìn của Bình Dương là phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ theo hướng bền vững, hiệu quả, hiện đại”, ông Bông khẳng định.
THÚC ĐẨY ĐỐI THOẠI GIỮA CÁC BÊN LIÊN QUAN
Ghi nhận sự hợp tác quốc tế đối với ngành lâm nghiệp Việt Nam và tiến trình thực Hiệp định thi VPA/ FLEGT, ông Điển nhận định: Hợp tác Phát triển Đức GIZ là đối tác trong nhiều năm của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển rừng, lâm nghiệp cộng đồng, quản lý các khu bảo tồn và rừng bền vững.
Hỗ trợ của Hợp tác Đức đặc biệt quan trọng trong suốt quá trình đàm phán và nay là thực hiện Hiệp định VPA FLEGT. Đảm báo các chuỗi cung ứng gỗ bền vững là một trong những ưu tiên về mặt chính sách của Chính phủ Đức. Chủ trương này được thể hiện với việc Chính phủ Đức đã thông qua Đạo luật về Hệ thống trách nhiệm giải trình doanh nghiệp trong các chuỗi cung ứng. Đạo luật này quy định rằng những biện pháp đảm bảo an toàn về mặt xã hội và môi trường quan trọng cần được thực hiện trong các chuỗi cung ứng gỗ tại Đức.
Ở cấp Liên minh Châu Âu, Chính phủ Đức đang vận động thông qua các quy định pháp luật áp dụng cho các chuỗi giá trị gỗ toàn cầu. Dự kiến các quy định này sẽ được phê chuẩn trước thời điểm cuối năm nay.
Trước đó vào ngày 27/10/2022, Tổ chức GIZ phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp đã họp đánh giá 5 năm hoạt động của Nhóm Nòng cốt đa bên về thực thi Hiệp định VPA/FLEGT. Đồng thời, các bên cùng góp ý và xây dựng ý tưởng cho các hoạt động chung của Nhóm Nòng cốt đa bên trong thời gian tới.
Vào tháng 10/2018, Việt Nam và EU ký Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi Luật Lâm nghiệp, Quản trị Rừng và Thương mại Lâm sản (VPA FLEGT). Nhằm đảm bảo thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT hiệu quả và thành công thì sự tham gia tích cực của các bên liên quan là yêu cầu quan trọng.
Trong 5 năm hoạt động, Nhóm Nòng cốt đã tổ chức 11 phiên họp, những đóng góp chính gồm xây dựng: (1) kế hoạch hành động về truyền thông và công bố thông tin về Hiệp định VPA FLEGT (2) Khung giám sát và đánh giá việc thực hiện VPA FLEGT, (3) Văn bản quy phạm pháp luật, và (4) tuyên truyền, nâng cao năng lực...
Một số tổ chức là thành viên của Nhóm Nòng cốt cũng đã phối hợp xây dựng Bản tin Chính sách có nội dung chính là Hệ thống Phân loại doanh nghiệp của Việt Nam (ECS), đây là môt bước tiến quan trọng trong tiến trình thiết lập hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS).
Hệ thống này sẽ góp phần tăng giá trị thương mại, mở rộng thị phần và thị trường cho gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, đồng thời cũng giảm tải cho công việc xác minh và kiểm tra của các cơ quan chức năng trong tương lai sau khi hệ thống cấp phép FLEGT đi vào vận hành.