May 29, 2023 | 16:25 GMT+7

Thúc đẩy cơ chế liên kết tạo chuỗi giá trị ngành hải sâm

Chu Khôi -

Nhu cầu tiêu thụ hải sâm đang tăng mạnh tại thị trường Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, giá xuất khẩu hải sâm khô sang Trung Quốc dao động từ 200 - 400 USD/kg, giá thu mua hải sâm tươi tại Việt Nam 200.000 đồng/kg. Những thành công từ sinh sản con giống hải sâm, quy trình nuôi hải sâm thương phẩm… đang tạo ra hướng phát triển kinh tế mới cho khu vực ven biển Nam Trung Bộ…

TS Nguyễn Đình Quang Duy (ngoài cùng phía trái) giới thiệu quy trình ương nuôi hải sâm.
TS Nguyễn Đình Quang Duy (ngoài cùng phía trái) giới thiệu quy trình ương nuôi hải sâm.

Vừa qua, trong chuyến công tác đến Khánh Hòa, chúng tôi được tham quan đầm nuôi hải sâm của gia đình ông Phan Văn Tiến ở thôn Tân Dân, xã Vạn Thắng, Vạn Ninh, Khánh Hòa. Đầm nuôi hải sản của ông Tiến rộng 2,5 ha nằm kề vịnh biển Vân Phong (xưa là vịnh Văn Phong).

NUÔI HẢI SÂM KHÔNG SỢ THIÊN TAI, DỊCH BỆNH

Ông Phan Văn Tiến cho biết gia đình chuyên nuôi trồng hải sản đã gần 30 năm. Trước đây, ông nuôi ốc hương, cá chim, cá dìa, tôm sú… Nuôi các loài hải sản cho lợi nhuận cao, tuy nhiên có những năm bão lớn cùng với triều cường tràn bờ, các loài hải sản đều trôi hết ra biển, nên bị mất trắng.

Từ cách đây gần chục năm, ông Tiến được cán bộ của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 tại Nha Trang (RIA3) khuyên nuôi hải sâm, vì nếu bão lớn hay biển tràn vào, hải sâm vùi mình trong cát sẽ không bị cuốn trôi ra biển.

Ban đầu nuôi hải sâm, ông Tiến rất lo lắng, bởi ít người nuôi loài này, thêm nữa nuôi rồi bán cho ai, liệu thị trường có ổn định? Được cán bộ Viện RIA 3 giới thiệu Công ty Hải sâm Việt Nam đến bao tiêu đầu ra, thì ông Tiến mới nuôi hải sâm.

Ông Phan Văn Tiến trên đầm nuôi hải sâm của gia đình.
Ông Phan Văn Tiến trên đầm nuôi hải sâm của gia đình.

Ông Phan Văn Tiến cho hay mỗi lứa nuôi hải sâm 6-8 tháng, thả 20.000 con hải sâm giống/ha. Khi thu hoạch, được Công ty Hải sâm Việt Nam thu mua với giá 200.000 đồng/kg (đã mổ ruột). Sau khi trừ chi phí, riêng hải sâm đem về cho ông lợi nhuận khoảng 360 triệu đồng/năm.

Theo ông Tiến, hải sâm luôn nằm dưới đáy, bám chặt vào cát hoặc vùi mình trong cát, vì vậy mỗi khi gặp thiên tai, nước biển tràn vào, thì hải sâm vẫn còn nguyên trong đầm mà không bị trôi cuốn ra biển. Thức ăn chính của hải sâm là phù du và chất hữu cơ có trong nước biển, vì vậy không tốn chi phí mua thức ăn.

Mặt khác hải sâm được ví như máy lọc nước làm sạch môi trường, nhờ vậy khi nuôi ghép hải sâm kết hợp với ốc hương, cá chim, cá dìa; nuôi luân canh với cá mú, tôm sú, tôm thẻ thì sẽ giúp làm sạch môi trường cho các loài hải sản kia phát triển khỏe mạnh.

 

"Công ty Hải sâm Việt Nam mong muốn được liên kết bao tiêu ổn định với 3.500 hộ dân nuôi hải sâm, nhằm đưa vùng duyên hải Nam Trung Bộ trở thành vựa sản xuất hải sâm cát vào năm 2025".

Ông Đỗ Phước Kha, Trưởng phòng phát triển vùng nguyên liệu của Công ty Hải sâm Việt Nam.

“Với diện tích 2,5 ha đầm, tôi có thể tăng lượng con giống hải sâm thả nuôi lên gấp nhiều lần, nhưng hiện lượng con giống được Viện RIA3 sinh sản và ương nuôi còn ít, nên họ cung cấp được bao nhiêu thì tôi nuôi bấy nhiếu. Hiện tôi cùng với 8 hộ dân khác liên kết cùng thực hiện mô hình nuôi kết hợp hải sâm với các hải sản khác trên tổng diện tích đầm 20 ha. Qua nhiều năm nuôi hải sâm cát, thấy đối tượng này dễ nuôi, không cần đầu tư thức ăn, ít dịch bệnh, đặc biệt làm sạch môi trường ao nuôi”, ông Tiến chia sẻ.

Ông Đỗ Phước Kha, Trưởng phòng phát triển vùng nguyên liệu của Công ty Hải sâm Việt Nam cho hay công ty đang ký kết bao tiêu đầu ra cho nông dân nuôi hải sâm ở Khánh Hòa, với giá thương phẩm sơ chế thu mua 200.000 đồng/kg. Hiện sản lượng thu mua hải sâm một năm ở khu vực Vạn Ninh, Khánh Hòa mới chỉ đạt 8 tấn/năm, do số lương nuôi loài này vẫn còn rất ít.

“Sản lượng này quá thấp so với nhu cầu của thị trường. Năm nay, Công ty lên kế hoạch thu mua 3 triệu con thương phẩm, tăng gấp 200% so với năm ngoái. Trong những năm sau nữa, lượng thu mua sẽ tăng lên đến 6 - 9 triệu con”, ông Kha nói.

Theo ông Kha, nhu cầu tiêu thụ hải sâm khô đang tăng mạnh tại thị trường Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, giá xuất khẩu hải sâm khô sang Trung Quốc dao động từ 200 - 400 USD/kg (tùy thời điểm). 

SINH SẢN NHÂN TẠO HẢI SÂM CÁT

Chúng tôi đến tham quan khu vực ươm nuôi hải sâm của Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung, thuộc RIA3. Ở khu vực đầm nuôi hải sâm rộng 4 ha, Trung tâm đang ươm nuôi 3 loại hải sâm (hải sâm đen, hải sâm cát và hải sâm vú), các ao nuôi được chia thành nhiều khu vực cả trong nhà và ngoài trời phù hợp với từng giai đoạn phát triển của hải sâm.

Hải sâm cát. 
Hải sâm cát. 

TS Nguyễn Đình Quang Duy, Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung, Viện RIA 3 cho biết hiện có khoảng 1.400 loài hải sâm nhưng có 40 loài sử dụng làm thực phẩm. Trong đó, hải sâm cát là mặt hàng có giá trị dinh dưỡng cao nhất trong các loại hải sâm. Trước đây, hải sâm cát trong tự nhiên ở các vùng ven biển Việt Nam rất nhiều, nhưng do khai thác quá mức dẫn tới cạn kiệt. Nhiều loài hải sâm có nguy cơ tuyệt chủng hoặc đe dọa bị tuyệt chủng đã được liệt kê trong danh mục những loài cần được bảo tồn (Sách Đỏ Việt Nam, 2003).

Tại Việt Nam, quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm hải sâm cát đã được Viện RIA 3 nghiên cứu với hai đề tài cấp Bộ: "Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống hải sâm cát tại Nha Trang - Khánh Hòa" (năm 2003-2004); “Nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi thương phẩm hải sâm cát quy mô sản xuất trong ao tại một số khu vực duyên hải Nam Trung bộ” (2008 – 2009).

 

"Đến thời điểm này, Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung, thuộc Viện RIA 3 là đơn vị duy nhất ở Việt Nam cho sinh sản và ương nuôi thành công con giống hải sâm. Hiện tại Trung tâm có thể sản xuất được khoảng 2,5 triệu giống hải sâm cát/năm".

TS Nguyễn Đình Quang Duy, Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung, Viện RIA 3.

Giai đoạn 2018 - 2023, Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung đã phối hợp cùng Đại học Sunshine Coast (Australia) triển khai Dự án “Nâng cao kỹ năng chuyên môn hỗ trợ nuôi trồng hải sâm trong cộng đồng ở Việt Nam và Philippines” với sự tài trợ của Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR).

TS Nguyễn Đình Quang Duy cho biết đến nay hải sâm cát đã được Viện RIA 3 làm chủ công nghệ sản xuất con giống, nuôi thương phẩm trên quy mô sản xuất. Năm 2019, loài hải sâm vú tiếp tục được Viện 3 nghiên cứu thành công sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm.

Đề cập về kết quả của Dự án “Nâng cao kỹ năng chuyên môn hỗ trợ nuôi trồng hải sâm trong cộng đồng ở Việt Nam và Philippines”, các chuyên gia cho biết đến nay đã xây dựng thành công quy trình nuôi ghép hải sâm cát và ốc hương. Cùng với đó, cũng đã xây dựng quy trình nuôi thương phẩm hải sâm bằng bổ sung các nguồn thức ăn chế biến từ rong mơ, mùn bã hữu cơ từ các loài hải sản nuôi ghép khác (như cá chim vây vàng), nhằm tối ưu năng suất và giá trị của hải sâm nuôi với các đối tượng khác.

Hải sâm con mới sinh được ương nuôi tại Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung.
Hải sâm con mới sinh được ương nuôi tại Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung.

Ông Trần Nam Anh, Phó Trưởng đại diện Tổ chức ACIAR tại Việt Nam nhận định Dự án cũng tạo liên kết giữa người nuôi, Viện Nghiên cứu, và công ty chế biến hải sâm cát, giúp người nuôi hải sâm yên tâm đầu tư nuôi trồng và bước đầu hình thành chuỗi giá trị sản xuất hải sâm cát bền vững tại Việt Nam.

“Kết quả từ các đề tài nghiên cứu hải sâm, cùng với dự án đã và đang tạo ra một hướng phát triển kinh tế mới cho nghề nuôi trồng hải sâm tại nhiều địa phương trong nước cũng như giúp tăng cường kỹ thuật nuôi trồng để đảm bảo chất lượng nuôi và hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất hải sâm”, ông Trần Nam Anh chia sẻ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate