Vùng Đồng bằng sông Hồng đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Toàn vùng có trên 500 tổ chức khoa học – công nghệ, 291 tổ chức nghiên cứu phát triển, 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia. Tốc độ đổi mới công nghệ tăng cao, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ.
Có 9/11 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng ban hành chương trình, kế hoạch hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc là những hạt nhân đi đầu trong việc triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844).
KHỞI NGHIỆP VẪN MANG TÍNH HÌNH THỨC
Tuy nhiên, theo Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại khu vực đồng bằng sông Hồng vẫn còn tồn tại một số vấn đề.
Cụ thể, chưa có nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ mang tính đột phá được thương mại hóa, doanh nghiệp chưa trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo; năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp trong vùng chủ yếu vẫn đang ở mức trung bình nên khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước chưa cao.
Bên cạnh một số điểm sáng như liên kết giữa Hải Phòng và Quảng Ninh, việc hợp tác giữa các địa phương trong vùng cũng như quốc tế nhìn chung chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp.
Tại Diễn đàn cấp cao "Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Hồng" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nam Định, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia (VSMA) tổ chức, TS Đàm Quang Thắng - Chủ tịch VSMA cũng cho rằng việc triển khai các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại địa bàn các tỉnh Đồng bằng sông Hồng dù đã được quan tâm nhưng thực trạng triển khai vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
Các hoạt động khởi nghiệp vẫn mang tính hình thức, phong trào. Các dự án thiếu tính thực tiễn dẫn đến khi triển khai thực tế không đạt hiệu quả như mong muốn, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp khó phát triển.
Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn lực để triển khai các hoạt động, các địa phương chưa mạnh dạn đưa ra những cơ chế hay sáng kiến hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thiếu sự quan tâm của các cấp lãnh đạo trong việc định hướng.
Ngoài ra việc liên kết, kết nối, hỗ trợ, hợp tác của các thành tố trong một hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương như: cố vấn, huấn luyện viên, chuyên gia và doanh nghiệp còn hết sức lỏng lẻo.
Cụ thể với địa phương, ông Nguyễn Đức Vượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam băn khoăn, nguồn vốn cho chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với tỉnh vẫn còn hạn hẹp. Đặc biệt, hiện chưa có cơ chế đủ hấp dẫn để hướng hoạt động khởi nghiệp sang những lĩnh vực có hàm lượng khoa học và công nghệ cao.
Các dự án, mô hình khởi nghiệp quy mô còn nhỏ, hàm lượng khoa học và công nghệ thấp (kể cả với sản phẩm OCOP). Tính liên kết, bền vững không cao. Với doanh nghiệp khởi nghiệp tính rủi ro cao, thiếu vốn, thiếu công nghệ, thị trường, khó cạnh tranh… Đây vẫn còn là điểm nghẽn trong hoạt động khởi nghiệp của tỉnh Hà Nam nói riêng cho đến nay.
TÌM KIẾM CÁC “CHAMPION” DẪN DẮT, HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP
Để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng, ông Trần Văn Tùng - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cần ưu tiên tập trung vào con người, phát triển đào tạo, giáo dục về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cần có những sáng kiến, cơ chế chính sách để phát triển nguồn lực tại chỗ, thu hút được nhân lực chất lượng cao không chỉ ở các địa phương, vùng kinh tế khác, mà còn từ mạng lưới chuyên gia trên khắp thế giới về đổi mới sáng tạo tới công tác, sinh sống tại đây. Đó chính là gốc rễ của sự phát triển.
Bên cạnh đó, ngoài các hoạt động hợp tác giữa các địa phương, liên kết vùng và Trung ương cần được đẩy mạnh. Cần những sáng kiến liên quan tới việc huy động nguồn lực các bên để kết nối các mạng lưới, các trung tâm đổi mới sáng tạo mở, tạo thành trung tâm vùng tận dụng nguồn lực trung ương, quốc tế.
Nhiều đánh giá cho rằng hoạt động đổi mới sáng tạo là hoạt động phong trào, nhưng theo ông Trương Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, đó chỉ là giai đoạn đầu. Chúng ta cần có những hoạt động thiết thực truyền cảm hứng, nâng cao nhận thức của cộng đồng và sau đó phải là tìm kiếm các “champion-người đi đầu” và dẫn dắt các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.
Yếu tố tiếp theo là sự liên kết. Hệ sinh thái chỉ mang tính hình thức nếu không có sự liên kết. Do đó tính liên kết cực kỳ quan trọng. Trong một tỉnh thành phải có sự liên kết giữa Sở Khoa học & Công nghệ với các trung tâm đổi mới sáng tạo, đoàn thanh niên, thậm chí Hội phụ nữ…
Đặc biệt, cần xây dựng hệ sinh thái mở với các tỉnh thành, trong đó chú ý tới ba yếu tố: "mở thân, mở tâm và mở tuệ”. Trong đó, về “mở thân”, ông Hùng cho biết trong những năm qua đã chứng kiến nhiều tỉnh thành đi sau nhưng đã học hỏi, đón nhận và tăng tốc rất nhanh.
"Mở tâm” là đón nhận điều mới. Hãy bao dung, chấp nhận những sai sót ban đầu, đó là hành trình phải đi qua trước khi gặt hái thành công. “Mở tuệ” là sự hiểu đúng về hệ sinh thái về những người đầu (champion).
TS Trần Quang Tuấn - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng kiến nghị, Chính phủ có sự định hướng mục tiêu khởi nghiệp sáng tạo cụ thể cho các địa phương, bởi “không thể dàn hàng ngang để đi".
“Công cuộc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thực tế không phải không có nguồn lực mà đang bị kìm hãm bởi cơ chế chính sách. Đòi hỏi cần sớm rà soát chính sách để giúp doanh nghiệp có thêm sự hỗ trợ trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, ông Tuấn nêu kiến nghị.
Để các địa phương khởi nghiệp sáng tạo thành công, TS Hồ Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng cần đặt doanh nghiệp làm trọng tâm và hỗ trợ doanh nghiệp bằng các chính sách thực tế, trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp bằng các vốn mồi, các cơ chế tài khóa cụ thể. Doanh nghiệp hiện hữu, tái cơ cấu cũng là doanh nghiệp khởi nghiệp, cũng cần có các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này.