April 26, 2021 | 13:55 GMT+7

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn đối với nguồn thải

Nguyễn Mạnh -

Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 đạt 70 - 90% nguồn thải trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được đánh giá, kiểm kê

Tái chế là phương án xử lý rác thài hiệu quả nhất
Tái chế là phương án xử lý rác thài hiệu quả nhất

Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1375/QĐ-TTg.

Theo đó, đến năm 2025, 70 - 90% nguồn thải trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được đánh giá, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và ban hành chính sách, quy định kiểm soát; 80% tổng lượng tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường…

THAY ĐỔI TỪ NHẬN THỨC

Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020 - 2025 nhằm thúc đẩy các mô hình công nghiệp xanh trong các ngành công nghiệp; đề xuất xây dựng mô hình thí điểm khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường; đào tạo nhân lực, phổ biến các quy định pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường…

Tuy nhiên, ông Trần Anh Tấn, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), cho rằng hiện nay hệ thống pháp luật và chính sách về bảo vệ môi trường đang còn nhiều điểm chưa đồng bộ, cần thiết phải rà soát và điều chỉnh hoàn thiện.

Ông Trần Văn Lượng. Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam.
Ông Trần Văn Lượng. Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam.

Theo ông Trần Văn Lượng, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam, môi trường của Việt Nam đang ngày càng đối mặt với những vấn đề mà toàn xã hội phải vào cuộc và quan tâm. Quốc hội cũng đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó cũng quy định ngành công nghiệp môi trường là một ngành kinh tế để phát triển.

Để phát triển công nghiệp môi trường, phải gắn rất chặt với công nghệ của từng ngành sản xuất. Đồng thời ngành này phải giải quyết bài toán gắn chặt với nền kinh tế tuần hoàn, đó là ngành công nghiệp mà tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm còn lại của quá trình công nghiệp khác.

“Thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trước hết ở nhận thức. Nhận thức từ người dân cho đến những người làm quản lý, phải coi kinh tế tuần hoàn không phải để xử lý chất thải mà tuần hoàn vật chất, tạo ra giá trị gia tăng cho những vật chất mà trong quá trình sử dụng công nghệ vẫn chưa được sử dụng hết thì sẽ được tiếp tục được sử dụng trong một ngành công nghệ mới”, ông Lượng nhấn mạnh.

Từ góc độ là doanh nghiệp trực tiếp thực hiện, ông Trần Đình Quyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tín Thành, cho biết Tập đoàn đã sử dụng nhiên liệu biomass (phế phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp…) để thay thế cho hàng triệu tấn dầu FO (còn gọi là dầu Mazut), góp phần giảm phát hàng triệu tấn CO2 cho nhiều địa phương trên cả nước.

Doanh nghiệp cũng đã và đang tập trung chuyên sâu về chương trình công nông nghiệp khép kín tuần hoàn phát triển năng lượng tái tạo. Tín Thành hiện cũng đang sở hữu hai loại nhiên liệu quan trọng để chuyển hóa thành điện hơi, điện sinh khối, điện rác thải. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Tín Thành và nhiều doanh nghiệp trong ngành đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại về cơ chế, chính sách và quy định pháp luật.

Vì vậy, ông Thành cũng như nhiều doanh nghiệp rất mong nhận được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, các bộ ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế hỗ trợ phù hợp, kịp thời trong việc triển khai các dự án nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Qua đó, thúc đẩy nhanh quy trình tái cơ cấu ngành năng lượng, nông nghiệp, môi trường và phát triển kinh tế xã hội đất nước.

BIẾN RÁC THẢI THÀNH TIỀN

Đề cập đến những kết quả mà Tập đoàn Tín Thành, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, Công ty TNHH Môi trường SUS Thượng Hải, Công ty Cổ phần Thương mại xây dựng Đa Lộc... đã thành công trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn đối với chất thải, GS.TS.NGND Võ Tòng Xuân chỉ ra rằng phế phẩm nông nghiệp, phế thải công nghiệp chính là tài nguyên đắt giá.

“Với khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện nay các doanh nghiệp hoàn toàn có đủ năng lực để thực thi hiệu quả trong việc biến rác thải thành tiền. Theo đó, thông qua công nghệ và sự vận hành theo chuỗi của các nhà máy sẽ biến rác thải thành điện năng, phân bón, vật liệu xây dựng... có giá trị, vừa mang lại lợi ích lớn cho cuộc sống và trực tiếp bảo vệ môi trường”, GS.TS.NGND Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

 

Ngành Công Thương với đặc thù sản xuất công nghiệp và thương mại, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế, các doanh nghiệp thuộc ngành đóng vai trò quan trọng trong việc xanh hóa nền công nghiệp, xây dựng nền kinh tế xanh, phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại cũng phát sinh nhiều vấn đề về môi trường cần được quan tâm giải quyết.

Hơn nữa, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải có những bước đi bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn liền với bảo vệ môi trường.

Vì thế, ông Hoàng Văn Vy, Cục phó Cục Bảo vệ môi trường miền Bắc thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cho rằng các doanh nghiệp phải nhìn nhận, thay đổi chiến lược phát triển, xác định phát triển kinh tế phải đảm bảo không làm phương hại đến môi trường, hướng tới một nền kinh tế xanh - sạch - nền kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.

Từ phía cơ quan quản lý, ông Trần Anh Tấn cho biết Chính phủ và Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp cần nhận diện, xác định các thách thức, vấn đề về môi trường trong các hoạt động công nghiệp (chất thải điện tử, điện mặt trời, điện gió, điện rác, từ trường, bức xạ…) và thương mại (dịch chuyển các loại công nghệ cũ, lạc hậu, nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất…) để xây dựng một nền kinh tế xanh sạch, thân thiện với môi trường và giúp cơ quan quản lý nhà nước có được các giải pháp cụ thể nhằm tránh bị động trong công tác bảo vệ, ứng phó với các sự cố môi trường.

 

Mới đây, Mạng lưới kinh tế tuần hoàn của tổ chức WasteAid khởi động cuộc thi: “Sáng kiến thành phố không chất thải: Giải pháp đổi mới sáng tạo thúc đẩy kinh tế tuần hoàn”.

Cuộc thi được tài trợ bởi Tập đoàn Huhtamaki là thành viên của Hiệp ước toàn cầu Liên hợp quốc (UNGC), hiện đang hoạt động tại 3 thành phố trên thế giới, bao gồm thành phố Johannesburg (Nam Phi), thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam) và Guwahati (Ấn Độ).

WasteAid cũng vừa tổ chức sự kiện làm sạch bãi biển ở Vũng Tàu (Việt Nam), với sự tham gia của hơn 120 tình nguyện viên. Đây là bước khởi động để WasteAid tiến hành các hoạt động chuyên sâu hơn trong khuôn khổ sáng kiến Mạng lưới kinh tế tuần hoàn.

Cuộc thi “Sáng kiến thành phố không rác thải” sẽ diễn ra trong khoảng thời gian 6 tháng. Thời gian đăng ký dự thi được mở cho đến ngày 19/6/2021.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate