April 23, 2024 | 16:49 GMT+7

Thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp gỡ “thẻ vàng” IUU

Chu Khôi -

Bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: "Quá trình thực hiện phòng chống đánh bắt IUU và gỡ “thẻ vàng” cần chú trọng tạo sự đồng thuận, quan tâm hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của ngư dân. Có như vậy, ngư dân mới tin tưởng để cùng Đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả"…

Triển khai đồng bộ, quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu.
Triển khai đồng bộ, quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu.

Chiều 22/4/2024, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản”.

Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng chủ trì hội nghị.

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cho biết phát triển ngành thủy sản Việt Nam chưa bền vững, chưa gỡ được cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC). Việc triển khai hệ thống quản lý, giám sát toàn diện đội tàu; cập nhật cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia; truy xuất nguồn gốc thủy sản; xây dựng chuỗi sản xuất thủy sản liên kết giữa ngư dân, doanh nghiệp và chính quyền; xử lý vi phạm còn hạn chế.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang , Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng chủ trì hội nghị tại trụ sở trưng ương Đảng.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang , Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng chủ trì hội nghị tại trụ sở trưng ương Đảng.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trình bày Chương trình hành động và kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng trước mắt cần thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp đến tháng 5/2024 trong chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.

Một là, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan chống khai thác IUU để xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”.

 

"Phải xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trước hết là các cấp ủy, tổ chức đảng. Người đứng đầu ở ngành, địa phương có trách nhiệm trực tiếp đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024".

Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024.

Hai là, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU; đặc biệt là hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Ba là, triển khai đồng bộ, quyết liệt pháp luật về thủy sản trong quản lý đội tàu, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, tại cảng, xuất nhập bến phải tuân thủ đầy đủ theo quy định pháp luật.

Bốn là, thực hiện nghiêm các quy định pháp luật Việt Nam và quốc tế về xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, đảm bảo không có sản phẩm thủy sản bất hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài.

Năm là, điều tra, xác minh, xử lý triệt để các hành vi khai thác IUU, không có trường hợp ngoại lệ; kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Sáu là, về hợp tác quốc tế, tăng cường biện pháp ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của các bên liên quan để sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”; không để tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài ảnh hưởng đến quan hệ với các nước. Kịp thời đấu tranh ngoại giao đối với việc tàu cá, ngư dân Việt Nam không vi phạm khai thác bất hợp pháp bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử lý tại vùng biển chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định với các nước.

Bảy là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống IUU.

5 NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP LÂU DÀI

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng chỉ ra 5 nhiệm vụ, giải pháp dài hạn phát triển bền vững ngành thủy sản. Đó là, tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thủy sản.

Thực hiện mạnh mẽ giải pháp chuyển đổi nghề, phát triển ngành nghề bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên biển, giảm phụ thuộc vào khai thác thủy sản cho ngư dân; đảm bảo số lượng tàu cá và cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển; cải thiện sinh kế, nâng cao cuộc sống của cộng đồng ngư dân ven biển và hải đảo.

Kiện toàn, nâng cao năng lực, đảm bảo cơ chế, chính sách cho các lực lượng thực thi pháp luật, lực lượng kiểm ngư từ Trung ương đến địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan để quản lý, thực thi hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật về thủy sản.

Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng thủy sản; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cho ngành thủy sản phát triển lâu dài, gắn với bảo đảm an sinh xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.

Tăng cường hợp tác quốc tế về thủy sản, đàm phán, phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và các nước, giải quyết các tranh chấp trên biển; tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, đảm bảo an ninh, an toàn cho ngư dân khai thác trên biển; thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế về bảo vệ đại dương, môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu chính.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu chính.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai chia sẻ: Tôi tin rằng, không phải hôm nay mà ngay từ năm 2017, khi chúng ta nhận cảnh báo “thẻ vàng” của EC, chúng ta đã nhận thức được những tác động tiêu cực của vấn đề này đối với phát triển ngành thủy sản lâu dài.

“Từ đó đến nay, chúng ta càng ngày càng nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn, từ các cấp ủy đảng, tổ chức đảng đến hệ thống chính trị, các địa phương trực tiếp và cả nhận thức của ngư dân, người lao động có liên quan trực tiếp. Hành động cũng thế, mỗi ngày sát sườn hơn, tích cực hơn và chúng ta cũng hiểu có nhận thức đủ thì mới có hành động đủ, có quyết tâm đủ để có thể thực hiện được mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Chỉ thị số 32 đã đề ra, đặc biệt là mục tiêu quyết tâm rất cao gỡ bỏ “thẻ vàng” trong năm 2024”, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Bà Trương Thị Mai lưu ý 4 vấn đề cần phải quan tâm để tháo gỡ “thẻ vàng” IUU. (i) tiếp tục hoàn thiện thể chế; (ii) quản lý và theo dõi đội tàu khai thác thủy sản; (iii) chứng nhận truy xuất nguồn gốc; (iv) thực thi pháp luật có hiệu quả.

Bên cạnh đó, bà Trương Thị Mai cho rằng những kinh nghiệm của Thái Lan, Philippines… cũng là bài học để Việt Nam rút kinh nghiệm, tất nhiên thực tiễn của mỗi đất nước có sự khác nhau.

Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh: "Quá trình thực hiện cần chú trọng tạo sự đồng thuận, quan tâm hỗ trợ, động viên cho người dân, người lao động có liên quan; quan trọng nhất là phải bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của ngư dân. Có như vậy thì ngư dân mới tin tưởng để cùng Đảng, chính quyền thực hiện có hiệu quả".

Theo bà Trương Thị Mai, việc gỡ “thẻ vàng” của EC mới chỉ là bước đầu, về lâu dài phải quan tâm đến vấn đề minh bạch trong khai thác thủy sản, có sinh kế bền vững cho người dân để hướng đến phát triển thủy sản bền vững. Dù còn nhiều thách thức nhưng nếu chúng ta hành động đầy đủ, thực thi quyết liệt thì sẽ đạt được kết quả...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate