Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, hôm 21/4 đã đi kiểm tra hiện trường và đốc thúc tiến độ thi công tại dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đoạn qua tỉnh Bình Thuận, thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
CHẬM TRỄ TIẾN ĐỘ Ở TẤT CẢ CÁC GÓI THẦU
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, dự án cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia, đã được Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm; trong đó tuyến cao tốc (thành phần) Vĩnh Hảo - Phan Thiết là một trong các dự án phải hoàn thành trong năm 2022 này.
Ban quản lý Dự án giao thông 7 (Ban QL7) Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cho biết, tiến độ thi công hiện tại vẫn chậm, không đạt được kế hoạch đề ra. Đến nay, toàn tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết mới giải ngân khoảng 2.425/6.065 tỷ đồng, đạt 39,99% giá trị hợp đồng. Tổng sản lượng xây lắp 1.996/6.065 tỷ đồng, đạt 32,92% giá trị xây lắp, chậm 12,21% so với kế hoạch đề ra. Toàn công trường dài 100,1 km từ Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong) đến xã Hàm Kiệm (huyện Hàm Thuận Nam), các nhà thầu (cácgói thầu XL01, XL02, XL03 và XL 04) đã huy động hàng trăm trang thiết bị xe, máy và gần 2.500 nhân sự, chia làm ba ca thi công. Nhưng theo Ban QL7, tiến độ vẫn chậm dù được cải thiện hơn so với cuối năm 2021.
Giải thích nguyên nhân của sự chậm trễ này, lãnh đạo Ban QL7 cho biết, mặc dù khối lượng công việc trong tháng 4/2022 được đẩy nhanh hơn tháng trước nhưng việc chậm trễ, không kịp tiến độ vẫn xảy ra ở tất cả các nhà thầu thi công. Nguyên nhân chính vẫn do nhà thầu chưa chủ động được nguồn vật liệu đất đắp nền, công đoạn san lấp, đắp nền chỉ đạt 77,4% so với kế hoạch điều chỉnh đã đề ra. Tình trạng thiếu hụt tài chính ở một số nhà thầu, việc bố trí các mũi thi công giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ chưa hợp lý, đã dẫn đến sự lúng túng trong bố trí thi công, không làm tăng sản lượng thi công.
Ban QL7 cũng cho biết, tính đến nay, trong số 4/6 mỏ được cấp phép, mới chỉ có một mỏ có thể khai thác cung cấp cho dự án, ba mỏ còn lại đã được cấp phép, nhưng dự kiến đến cuối tháng 4/2022 mới có thể khai thác.
Sau khi kiểm tra tiến đọ các gói thầu, Thứ trưởng Đông nêu nghi vấn: Mục tiêu là phải đưa dự án là phải về đích vào cuối năm nay. Mốc thời gian ngày 15/4 theo cam kết các gói thầu đều đã không đạt. Phải thế nào để lấy lại tiến độ?
MẠNH TAY ĐỐI VỚI CÁC NHÀ THẦU CHẬM, YẾU KÉM
Báo cáo với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, đại diện Ban QL7 cho biết, thời gian qua Ban đã bám sát, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân và tăng sản lượng thi công.
Nhận định chung về các gói thầu, ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc ban điều hành dự án cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban QL7 cho hay: Hiện sản lượng thi công các gói thầu xây lắp của dự án chậm tiến độ 12%. Mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chậm. Các hạng mục thi công là đường găng tiến độ vẫn chưa đạt yêu cầu, nhất là công tác đắp nền. Như tại gói thầu XL04 (gói xây lắp, đoạn Km185+400 ÷ Km235+000, thuộc hai huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc), sau khi liên danh nhà thầu kiện toàn lại nhân sự công tác thi công có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu Ban QL7 khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể từng gói thầu, nhà thầu đã cam kết nhưng vẫn bị chậm tiến độ để xử phạt theo hợp đồng đấu thầu, bao gồm cắt, điều chuyển khối lượng trong liên danh nhà thầu.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vạn tải đồng thời yêu cầu, nếu Ban QL7 sau đó xác định nhà thầu yếu, kém không thể hoàn thành thì hoàn toàn có thể chấm dứt hợp đồng và thay thế bằng nhà thầu khác. Cục Quản lý xây dựng sớm rà soát đánh giá "hạnh kiểm" các nhà thầu yếu kém để có thông báo công khai khuyến cáo hoặc không cho tham gia các dự án cao tốc giai đoạn 2.
Để tháo gỡ các vướng mắc, ông Đông yêu cầu Ban QL7, đơn vị tư vấn giám sát và các nhà thầu thi công, phải làm sao bảo đảm vật liệu đầu vào, bảo đảm quy trình nghiệm thu đúng quy định. Đối với các biến động về trượt giá vật liệu, sắt thép, xăng dầu biến động mạnh, lãnh đạo Bộ đã ghi nhận và sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng có giải pháp tháo gỡ.
Ông Phạm Quốc Huy cũng thông tin thêm: Đối với các nhà thầu không có chuyển biến rõ rệt, các liên danh nhà thầu điều chuyển khối lượng giữa các thành viên liên danh hoặc có phương án chấm dứt hợp đồng, thay nhà thầu khác vào thi công. Cụ thể, trong tháng 3 và đầu tháng 4/2022, Ban QL7 đã mạnh tay cắt, điều chuyển khối lượng trong nội bộ liên danh 2,5 km (của 2 nhà thầu), điều chuyển 14 km của bốn tổ đội thi công, yêu cầu nhà thầu chính tự tổ chức thực hiện.
Đối với các nhà thầu như Tổng Thăng Long, Cienco 8, Ban QL7 cho biết đã liên tục không đạt tiến độ. Nếu trong sắp tới không tích cực triển khai thi công, sẽ báo cáo Bộ Giao thông vận tải cắt, chuyển khối lượng chậm trễ.
Ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban QL7, khẳng định sẽ có hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn bằng mọi giải pháp gồm cắt, giảm điều chuyển khối lượng, cắt hợp đồng để đốc thúc tiến độ hoàn thành theo kế hoạch vào cuối năm 2022 này.
Dự án cao tốc Bắc – Nam qua tỉnh Bình Thuận, có tổng chiều dài 160,4 km, gồm ba dự án thành phần: tuyến Cam Lâm - Vĩnh Hảo (dài 12 km), tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết (100,1 km) và tuyến Phan Thiết - Dầu Giây (98 km). Trong đó, đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết dài nhất, rộng 32 m với quy mô 6 làn xe. Tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 11/2020, dự kiến hoàn thành cuối năm 2022.