Tình hình chung thị trường

Theo thống kê của EuroCham, thị trường ô tô Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 12,6%, đạt 340.142 xe trong năm 2024, đánh dấu sự phục hồi sau khi sụt giảm 25% xuống còn 301.989 xe vào năm 2023. Bất chấp những thách thức kinh tế trong và ngoài nước, kết quả này cho thấy những tín hiệu khởi sắc của thị trường cũng như sự gia tăng trong nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, quy mô thị trường Việt Nam vẫn còn khoảng cách đáng kể so với các quốc gia ASEAN khác như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines.
Để tăng doanh số bán hàng nội địa, chính phủ đã ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp trong nước (CKD), có hiệu lực từ tháng 9 đến hết tháng 11 năm 2024. Tuy nhiên, biện pháp này không áp dụng cho xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU), dù các dòng xe này cũng đang đối mặt với những thách thức tương tự, bao gồm nhu cầu tiêu dùng suy giảm, tình trạng dư cung và hạn chế trong tiếp cận tín dụng. Tuy nhiên, việc hỗ trợ có chọn lọc này làm nảy sinh lo ngại về tính công bằng trong cơ chế hỗ trợ thị trường.
Song song với đó, chính phủ cũng đã thực hiện chính sách thúc đẩy ô tô điện chạy pin (BEV). Nghị định 10 miễn lệ phí trước bạ cho ô tô điện chạy pin đến hết năm 2025, sau đó áp dụng mức thu 50% trong hai năm tiếp theo, nhằm tăng khả năng tiếp cận phân khúc ô tô thân thiện với môi trường. Ngoài ra, thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế TTĐB) với ô tô điện chạy pin đã giảm xuống còn 3% từ tháng 3 năm 2022 đến tháng 2 năm 2027, trước khi tăng lên 11% sau giai đoạn này. Nếu kéo dài thời gian áp dụng mức giảm này, Chính phủ có thể khuyến khích hơn nữa quá trình chuyển dịch sang phương tiện giao thông chạy điện.
Bên cạnh đó, theo Quyết định 876 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, chuyển đổi sử dụng điện trong lĩnh vực giao thông vận tải. Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay hợp nhất là Bộ Tài Chính) được giao nhiệm vụ xây dựng, triển khai chính sách ưu đãi đầu tư, sản xuất và sử dụng xe điện, phương tiện và cơ sở hạ tầng sử dụng năng lượng xanh. Bộ Công Thương xây dựng lộ trình dừng sản xuất và nhập khẩu xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040 và Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát triển mạng lưới trạm sạc.
Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) đã gửi báo cáo đề xuất chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện lên Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, trong đó khuyến nghị một số chính sách ưu đãi cho Ô tô điện chạy pin (BEV), ô tô điện chạy bằng pin nhiên liệu hydro (FCEV) và ô tô điện chạy bằng năng lượng mặt trời (SEV) để giảm phát thải và phát triển giao thông đô thị bền vững. Thay đổi này nhằm mục đích chuyển đổi phương tiện giao thông công cộng, bao gồm xe buýt, xe khách và xe tải.

Hiện doanh số bán xe điện cho mục đích sử dụng cá nhân tại Việt Nam vẫn tương đối thấp. Tuy nhiên, các thành phố như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu chuyển đổi toàn bộ xe buýt công cộng sang xe buýt chạy điện hoặc sử dụng năng lượng xanh vào năm 2030. Để hiện thực hóa mục tiêu này, hạ tầng sạc công cộng cần phải được hoàn thiện để hỗ trợ ngành công nghiệp xe điện và đáp ứng mục tiêu về môi trường.
Đáng chú ý, theo đánh giá của EuroCham, mạng lưới sạc xe điện của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành 58 tiêu chuẩn kỹ thuật cho xe điện, nhưng Việt Nam hiện chưa có quy định quản lý trạm sạc xe điện để cả doanh nghiệp sản xuất ô tô và người tiêu dùng cảm thấy an tâm.
Khung pháp lý đối với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng sạc vẫn chưa hoàn thiện, do chưa có quy định cụ thể về vận hành trạm sạc, phòng cháy chữa cháy hay giá điện. Chính phủ chưa có hỗ trợ tài chính phát triển trạm sạc về thuế, phí sử dụng đất hoặc lãi suất cho vay.
Chính sách ưu đãi hiện nay chủ yếu tập trung vào ô tô điện chạy pin, trong khi chưa có nhiều hỗ trợ cho ô tô lai điện (PHEV). Tuy nhiên, PHEV cũng đóng vai trò chuyển tiếp quan trọng bằng cách giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và kéo dài phạm vi di chuyển cho đến khi cơ sở hạ tầng sạc được hoàn thiện hơn.
Lợi ích và quan ngại trong quá trình điện hoá
Phát triển, hoàn thiện hạ tầng cho xe điện sẽ giảm ô nhiễm không khí đô thị và lượng khí thải carbon, giúp Việt Nam sớm đạt được các mục tiêu về môi trường và đáp ứng cam kết quốc tế về khí nhà kính.
Xe điện sử dụng năng lượng hiệu quả hơn đáng kể so xe động cơ đốt trong, giảm chi phí về lâu dài cho người sử dụng và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.
Mặc dù xe điện tại thị trường Việt hiện nay đắt hơn xe động cơ đốt trong nhưng chi phí pin giảm và những tiến bộ về công nghệ dự kiến sẽ giúp giá xe điện cạnh tranh hơn vào năm 2026 tại thị trường Việt Nam trong kế hoạch tăng trưởng xanh.
Khi phát triển hạ tầng xe điện hoàn thiện, Việt Nam có thể thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất và phát triển công nghệ xe điện. Khi đó, Việt Nam có thể trở thành quốc gia đi đầu khu vực trong lĩnh vực giao thông chạy điện, đồng thời tạo việc làm trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghệ và bảo trì.
Việc mở rộng hạ tầng xe điện, đặc biệt dọc theo các tuyến du lịch, có thể củng cố hình ảnh về một điểm đến du lịch xanh, giúp Việt Nam duy trì năng lực cạnh tranh so với các quốc gia trong cùng khu vực đang phát triển thị trường xe điện.

Tuy nhiên, chi phí mua xe điện và phát triển hạ tầng sạc vẫn tương đối cao và có thể là rào cản nếu Chính phủ không có cơ chế hỗ trợ hiệu quả.
Phát triển mạng lưới sạc dễ tiếp cận, đáng tin cậy trên toàn quốc là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Việt Nam chưa ban hành đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định cụ thể đối với trạm sạc xe điện, có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển hạ tầng sạc và làm giảm niềm tin của người tiêu dùng.
Việc nhanh chóng chuyển sang xe điện có thể tạo thêm áp lực cho lưới điện quốc gia hiện nay, đặc biệt nếu không tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào cơ sở hạ tầng sạc.
Trước thực trạng hiện tại, để đảm bảo chuyển đổi hiệu quả sang hệ sinh thái xe điện bền vững tại Việt Nam, EuroCham cho rằng Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe điện, thiết bị sạc và trạm sạc. Ưu tiên lồng ghép áp dụng đối với các dự án xây dựng, khu dân cư và tòa nhà văn phòng.

Xây dựng khung pháp lý về đầu tư, an toàn vận hành, phòng cháy chữa cháy, biểu giá điện, thuế, phí sử dụng đất và cơ chế ưu đãi tài chính cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sạc xe điện.
Áp dụng cơ chế ưu đãi tài chính cho những nhà đầu tư sớm tham gia phát triển mạng lưới sạc nhanh DC, công suất lớn để đảm bảo khả năng tiếp cận, khả năng tương thích và thúc đẩy mở rộng thị trường.
Đưa PHEV vào diện được hưởng ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế TTĐB) và lệ phí trước bạ. Miễn thuế nhập khẩu đối với xe điện nhập khẩu nguyên chiếc, xe lai điện và linh kiện cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước trong giai đoạn chuyển tiếp. Gia hạn chính sách ưu đãi cho ô tô điện chạy pin đến năm 2030 để khuyến khích đầu tư vào hạ tầng sạc và xác định mốc thời gian rõ ràng cho hoạt động phát triển mạng lưới sạc trên toàn quốc.
Do ô tô lai điện đóng vai trò là công nghệ chuyển tiếp giữa ô tô động cơ đốt trong và ô tô điện chạy pin, EuroCham đề xuất giảm mức thuế TTĐB và lệ phí trước bạ cho ô tô lai điện cho đến khi Việt Nam phát triển hạ tầng sạc đủ hiệu quả để chuyển sang sử dụng rộng rãi ô tô điện chạy pin.
Để đạt được mục tiêu “30% tổng số phương tiện cơ giới là xe điện vào năm 2030”, EuroCham cũng đưa ra khuyến nghị duy trì mức thuế TTĐB và lệ phí trước bạ đối với xe ô tô điện chạy pin đến hết năm 2030.