Tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,45 tỷ USD, tăng 29,1% so với tháng 4/2020, giảm 13,3% so với tháng 3/2021; trong đó giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 1,53 tỷ USD, lâm sản chính ước đạt 1,29 tỷ USD, thủy sản đạt 650 triệu USD và chăn nuôi đạt 36 triệu USD.
Nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng mạnh, như: cao su tăng 79,6% về khối lượng và tăng 111,6% về giá trị; chè tăng 1,6% về khối lượng và tăng 7,9% về giá trị; sắn tăng 65,3% về khối lượng và 23,9% về giá trị. Cùng với đó, nhóm hàng rau quả tăng 9,5%, sản phẩm chăn nuôi tăng 37,4%, cá tra tăng 2,8%, tôm tăng 5,5; sản phẩm gỗ tăng 71,4; mây, tre, cói thảm tăng 65,9%; quế tăng 28,1% về giá trị xuất khẩu.
XUẤT KHẨU CAO SU TĂNG GẤP ĐÔI
Điểm sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 4 tháng đầu năm nay là mặt hàng cao su khi không những vượt tốc về khối lượng xuất khẩu mà còn được giá cao, nên giá trị kim ngạch đem về cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021, chiếm thị phần lần lượt là 71,4%, 4,5% và 2,6%.
Phần lớn cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp xuất khẩu của Việt Nam là xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm 2020, tổng lượng xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc ước đạt 1,36 triệu tấn, chiếm 77,9% tổng lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Riêng quý 1/2021, Trung Quốc vẫn là thị trường Việt Nam xuất khẩu cao su nhiều nhất với khối lượng ước đạt 290.159 tấn, chiếm 71,4% tổng lượng xuất khẩu. Trong những tháng đầu năm nay, lượng lốp cao su xuất khẩu của Trung Quốc tăng 46,8% so với cùng kỳ năm 2020. Sản xuất lốp xe khởi sắc tại Trung Quốc đã góp phần kích thích tăng trưởng xuất khẩu cao su của Việt Nam.
Dù vẫn lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhưng trong những năm gần đây, ngành cao su Việt Nam đã và đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến những thị trường “khó tính” hơn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Mỹ trong hai tháng đầu năm 2021 đạt 8.450 tấn, trị giá 14,64 triệu USD, tăng 16,5% về lượng và tăng 37% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Theo dự báo, trong ngắn hạn, thị trường cao su thiên nhiên tiếp tục nhận được sự hỗ trợ khi nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu vẫn còn ở mức thấp, cùng nhiều yếu tố cơ bản thuận lợi giúp giá cao su phục hồi trở lại sau khi điều chỉnh ít nhất cho đến quý 2/2021, tuy nhiên vẫn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Theo Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG), mức tăng tiêu thụ toàn cầu đối với cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp trong năm 2021 sẽ lần lượt là 7% và 7,2%.
XUẤT KHẨU ĐỒ GỖ TĂNG MẠNH
Ngành hàng đồ gỗ trong 4 tháng đầu năm vẫn giữ được đà tăng trưởng thần tốc, thậm chí còn mạnh hơn những năm trước, tăng 71,4% về giá trị, đạt kim ngạch 5,81 tỷ USD. Các khách hàng lớn nhất của gỗ và lâm sản xuất khẩu của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của nước ta.
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hầu như các doanh nghiệp gỗ đều có đơn hàng nhiều hơn hẳn so với thời điểm này năm ngoái. Do dịch bệnh Covid-19, người dân nhiều nước phải ở nhà làm việc qua mạng nên họ có nhu cầu cao về trang bị bàn, ghế, gường tủ mới... trong nhà nhằm tạo không gian đẹp hơn. Những yếu tố đó khiến cho nhu cầu đồ gỗ tăng cao ở nhiều thị trường.
Trong nhóm các ngành hàng nông sản, có hai mặt hàng dù giảm khối lượng nhưng nhờ giá trị xuất khẩu bình quân tăng nên vẫn tăng giá trị, gồm: gạo (giảm 10,8% khối lượng nhưng tăng 1,2% giá trị); hạt tiêu (giảm 21,3% nhưng tăng 10,3%). Tuy nhiên, với mặt hàng gạo, dù giá xuất khẩu bình quân đạt 547 USD/tấn, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng do khối lượng xuất khẩu suy giảm mạnh nên kim ngạch tăng không đáng kể.
Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm, như: cà phê (giảm 17,6% về khối lượng và giảm 11,6% giá trị); hạt điều (tăng về 8,6% khối lượng, giảm 7,8% giá trị). Xuất khẩu cà phê trong tháng 4/2021 đạt khoảng 110.000 tấn, giảm 35,15% so với tháng 3/2021. Lũy kế 4 tháng, xuất khẩu đạt 563.000 tấn, giảm 17,54% so với cùng kỳ.
Hiện phần lớn các quán cà phê ở châu Âu và các quốc gia Trung Á đã đóng cửa, khiến nhu cầu tiêu dùng cà phê nhân xô giảm mạnh, trong khi đó những người dân ở nhà sẽ có xu hướng sử dụng cà phê hòa tan nhiều hơn. Vì vậy, rất nhiều quốc gia châu Âu đang giảm nhập khẩu cà phê dạng thô, tăng nhập khẩu dạng đã chế biến.
Thực tế phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của nước ta chưa kịp thời nắm bắt xu thế này nên khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam tại EU thấp hơn so với các đối thủ khác như Brazil. Đây cũng là nhận định của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam.
KIM NGẠCH NHẬP KHẨU TĂNG TỚI GẦN 50%
Về nhập khẩu, 4 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 14,93 tỷ USD, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 5,01 tỷ USD, tăng 121,9%; nhóm sản phẩm chăn nuôi khoảng 1,38 tỷ USD, tăng 36,9%; nhóm hàng thủy sản ước khoảng 679 triệu USD, tăng 22,1%; nhóm lâm sản chính khoảng 997,4 triệu USD, tăng 33,7%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 2,31 tỷ USD, tăng 40,1%. Cũng vì nhập khẩu tăng quá mạnh, tốc độ tăng cao gấp đôi so với tăng trưởng xuất khẩu, nên xuất siêu của toàn ngành trong 4 tháng chỉ còn khoảng 2,2 tỷ USD, giảm 41,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và các cơ quan liên quan cần tiếp tục theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương trong nước, đặc biệt là các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19.