May 25, 2010 | 19:05 GMT+7

Thuế nhà, đất và những quan điểm trái chiều tại Quốc hội

Nguyễn Lê

Dự luật mới đã đưa nhà ở ra khỏi đối tượng chịu thuế và có tên mới là dự án Luật Thuế phi nông nghiệp

Đại biểu Ngô Văn Minh: với cơ chế quản lý hiện nay thì có thể khó tính được giá nhà để tính thuế.
Đại biểu Ngô Văn Minh: với cơ chế quản lý hiện nay thì có thể khó tính được giá nhà để tính thuế.
"Tôi rất tiếc, nếu chúng ta giải thích là luật này chỉ đánh thuế với những người nhiều nhà, nhiều đất và đầu cơ nhà đất thì chắc chắn là cử tri sẽ ủng hộ", đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh khi Quốc hội thảo luận về Luật Thuế nhà, đất, chiều 25/5.

Dự luật mới đã đưa nhà ở ra khỏi đối tượng chịu thuế và có tên mới là dự án Luật Thuế phi nông nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết.

Nhân dân chưa đồng thuận

Chỉnh sửa nói trên xuất phát từ đa số ý kiến đại biểu Quốc hội chưa tán thành với việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế khi cho ý kiến về dự án luật tại kỳ họp trước.

Một lý do quan trọng khác là việc áp dụng thuế nhà ở tại thời điểm hiện nay chưa có sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Hơn nữa, một trong những mục tiêu áp dụng thuế đối với nhà ở là nhằm hạn chế đầu cơ nhà ở, song trên thực tế giá trị nhà ở lại gắn liền với giá trị đất và đầu cơ lại tập trung vào đất, căn cứ vào vị trí, địa thế của đất mà không phải đầu cơ giá trị xây dựng nhà trên đất. Do vậy, để hạn chế đầu cơ thì phải tập trung áp dụng công cụ điều tiết đối với đất.

Một số nội dung khác tại dự luật cũng đã được chỉnh lý. Như, bổ sung quy định về mức thuế suất riêng là 0,15% đối với đất lấn chiếm. Thuế suất với phần diện tích đất ở vượt trên ba lần hạn mức đã được điều chỉnh tăng lên 0,1%, tăng 0,01% theo dự luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp trước.

Đối với đất sản xuất kinh doanh, phi nông nghiệp áp dụng mức thuế suất là 0,03%. Riêng đối với đất sử dụng sai mục đích, đất được giao mà không đưa vào sử dụng đúng thời hạn thì thuế suất là 0,1%.

Nhiều đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với việc chưa đánh thuế nhà đều phản ánh rằng đó là ý kiến của rất nhiều cử tri. Bởi vì thực ra đánh thuế nhà là đánh thuế tài sản, thuế chồng lên thuế.

90% dân số không ảnh hưởng gì

Tuy nhiên, cũng không ít quan điểm hoàn toàn trái ngược.

Cho rằng, lý do để đưa nhà ở ra khỏi diện chịu thuế là chưa thuyết phục, đại biểu Vũ Hồng Anh nói, tình trạng đầu cơ đẩy giá đất lên cao khiến nhiều người không thể mua được nhà. Mà người dân có thể không có ôtô, tàu hỏa, máy bay… nhưng không thể không có chốn nương thân.

Cần xây dựng phương án để đại bộ phận người dân ở khu vực nông thôn, ở những khu đô thị loại 4, loại 5 không phải nộp thuế. Còn đối với nhà ở đô thị loại 3 trở lên, nhà mới xây, biệt thự, căn hộ trung, cao cấp ở các đô thị lớn thì cần phải nộp thuế, đại biểu Vũ Hồng Anh đề nghị.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng thuế nhà, đất bản chất là đánh vào bất động sản, nhưng không đánh vào toàn dân, 90% dân số không ảnh hưởng gì hết.

Ông Lịch phân tích, không đánh thuế nhà, tưởng rằng bảo vệ dân, nhưng đất thuộc định mức theo thuế suất vượt 3 lần định mức đánh thuế bằng người đầu cơ đất là 0,1%. Như vậy là đánh vào những người chỉ có 1 nhà ở dù là cha mẹ để lại, nhưng thuế suất bằng người đầu cơ đất thì có chấp nhận được không?

Đại biểu Lịch đề nghị treo lại dự luật này, vì nếu thông qua thì không còn công cụ tài chính gì nữa để điều tiết thị trường bất động sản, để giải quyết vấn đề nhà ở và vấn đề đất đai khác.

“Đặc biệt đồng tình ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch”, đại biểu Lê Quốc Dung cho rằng mục tiêu và yêu cầu thực tiễn hiện nay không chỉ là thu ngân sách, mà còn phải chống đầu cơ, đặc biệt phải hạ giá đất xuống.

Nếu chúng ta muốn cho người dân bình thường có đất và nhà ở thì phải hạ giá. Nhưng trong nội hàm của luật này thì chưa đảm bảo mục tiêu đó, trong khi chúng ta làm luật như thế này bên ngoài giá đất vẫn tăng, đầu cơ vẫn tăng, ông Dung nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh được mời phát biểu. Theo ông, nhà thì bao giờ cũng nằm trên một vị trí đất nhất định và giá trị gọi là nhà suy cho cùng là giá trị đất. Nếu tính trên giá trị sàn xây dựng thì một cái nhà xây ở gần hồ Hoàn Kiếm, diện tích như nhau, thiết kế như nhau với một cái nhà xây dựng ở ngoại ô thành phố Hà Nội thì giá trị ngang nhau. Nhưng cái nhà nằm ở vị trí bờ hồ khác với nhà ở ngoại ô là ở giá trị đất.

Cũng theo Bộ trưởng, kể cả đối với đối tượng gọi là đầu cơ mà có nhiều nhà, nhiều đất thì nhà đấy vẫn phải nằm ở vị trí nhất định, kể cả nhà chung cư. Nằm ở vị trí khác nhau thì rõ ràng giá trị của căn hộ  khác nhau, cho nên “chúng tôi suy ra chủ yếu điều tiết vào đất để cho nó đỡ phức tạp”, ông Ninh nói.

Hơn nữa, theo Bộ trưởng, để điều tiết đầu cơ nhà đất phải gồm rất nhiều chính sách thuế khác nữa, không phải chỉ có thuế này.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, thuế nhà, đất là một chính sách rất lớn của Đảng và Nhà nước cho nên qua ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, trên cơ sở ý kiến của nhân dân, của nhiều chủ thể khác sẽ tiếp tục hoàn chỉnh để trình lên Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp sắp tới.

Có thể sẽ gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về một số vấn đề, để làm căn cứ cho báo cáo tiếp thu, giải trình và hoàn chỉnh dự án luật, vì đây là vấn đề lớn, Phó chủ tịch nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate