December 01, 2008 | 09:08 GMT+7

Thuế thu nhập từ chứng khoán: Trông người, ngẫm ta

Minh Đức

Nhiều quốc gia không, chưa và hoãn đánh thuế, trong khi thị trường non trẻ tại Việt Nam lại chuẩn bị đón nhận chính sách này

Việt Nam là một nước đang phát triển với thị trường chứng khoán còn non trẻ, vốn hóa thị trường còn thấp, khoảng 20% GDP so với bình quân 50% GDP của các nước trong khu vực.
Việt Nam là một nước đang phát triển với thị trường chứng khoán còn non trẻ, vốn hóa thị trường còn thấp, khoảng 20% GDP so với bình quân 50% GDP của các nước trong khu vực.
Nhiều quốc gia không, chưa và hoãn đánh thuế, trong khi một thị trường non trẻ tại Việt Nam lại chuẩn bị đón nhận chính sách này.

Chỉ còn đúng một tháng nữa, chính sách thuế thu nhập cá nhân, trong đó có thu nhập từ chứng khoán, bắt đầu thực thi. Càng sát thời điểm này, càng có nhiều ý kiến đề nghị hoãn hoặc xem xét lại lộ trình, phương thức đánh thuế…

Mới đây, TS. Nguyễn Trọng Nghĩa, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Thăng Long (TSC), có bản phân tích khá chi tiết các nguyên do không và chưa nên áp chính sách trên.

Cân nhắc các lợi ích

Nhìn ra bên ngoài, nhiều quốc gia, thị trường lớn trên thế giới đều chưa đánh thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán, tiêu biểu như Hồng Kông, Singapore, Đài Loan, Lucxembourg, Bahamas, Bermuda…

Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Trọng Nghĩa, do thị trường chứng khoán là một kênh rất quan trọng để huy động vốn cho nền kinh tế nên phần lớn các nước, các thị trường có đánh loại thuế này cũng đều có một thời gian dài miễn thuế để kích thích sự lớn mạnh của thị trường nhằm thu hút vốn trong và ngoài nước.

Như tại Mỹ, thị trường chứng khoán ra đời năm 1897 nhưng phải đến 16 năm sau (1913) họ mới đánh thuế chứng khoán. Gần hơn, thị trường Trung Quốc đi trước Việt Nam 10 năm, gần đây mới dự định đánh thuế thu nhập cá nhân chứng khoán nhưng đã được hoãn lại để hỗ trợ cho thị trường vốn đã giảm rất mạnh từ đầu năm đến nay.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng việc không đánh thuế hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân tài sản (trong đó có chứng khoán) giúp cho nền kinh tế phát triển hơn, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ được tạo ra hơn, nhiều việc làm cho xã hội hơn và ngân sách không những không giảm mà thực tế còn tăng lên trong dài hạn.

Nguyên nhân cơ bản là thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán làm giảm lợi nhuận - giảm tiết kiệm cho đầu tư - và làm tăng chi phí vốn đầu tư, dẫn đến giảm lượng vốn đầu tư cho nền kinh tế. Khi vốn đầu tư bị khan hiếm, vốn đầu tư sẽ chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực an toàn nhất, và tránh xa những lĩnh vực đầu tư mạo hiểm như đầu tư cho vùng sâu vùng xa, công nghệ cao…

Ngược lại, việc không đánh thuế, hoặc giảm thuế làm cho chi phí vốn giảm, khuyến khích thu hút vốn đầu tư và làm tổng vốn đầu tư tăng lên. Khi có nhiều vốn đầu tư một lượng vốn đáng kể sẽ được đổ vào các lĩnh vực mạo hiểm như trên sẽ cải thiện đời sống của người nghèo, phát triển công nghệ mới – là nhân tố quan trọng của phát triển nền kinh tế tri thức.

Với những lập luận trên, TS. Nghĩa cho rằng “sự phát triển kinh tế sẽ mang lại một nguồn thu lớn hơn rất nhiều từ thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân”.

Theo dẫn chứng của Giám đốc Tư vấn Đầu tư của TSC, hơn 50 nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế trên thế giới đã chứng minh lý thuyết trên là đúng.

Nổi bật là nghiên cứu của Stephen Moore và Phil Kerpen (2000) thuộc trung tâm nghiên cứu phát triển chính sách Mỹ (IPI). Moore và Kerpen nghiên cứu ảnh hưởng của sự thay đổi thuế thu thập cá nhân lãi vốn (bao gồm lãi do bán tài sản chứng khoán, bất động sản…) đến nền kinh tế Mỹ trong giai đoạn từ năm 1942-2000.

Kết quả nghiên cứu của hai nhà kinh tế nổi tiếng trên cho thấy số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa tỷ lệ nghịch với thuế suất vốn; việc giảm thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán sẽ có nhiều doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường chứng khoán hơn và ngược lại.

Nguồn thu ngân sách tỷ lệ nghịch với thuế lãi vốn. Trái với dự đoán của Chính phủ, tăng thuế lãi vốn làm giảm nguồn thu ngân sách và ngược lại. Và quan trọng hơn cả, tăng trưởng GDP thực tỷ lệ nghịch với thuế lãi vốn (tăng thuế lãi vốn làm giảm tăng trưởng GDP thực của Mỹ trong giai đoạn 1989-1996 và ngược lại cho giai đoạn 1997-2000).

3 lý do không nên đánh thuế

Trong bản phân tích, TS. Nguyễn Trọng Nghĩa đưa ra 3 lý do chính không nên đánh thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán.

Thứ nhất, vì thuế này kìm hãm sự phát triển kinh tế như đề cập ở trên. Hơn nữa mục tiêu của Chính phủ không phải là để thu được nhiều ngân sách nhất mà là thu được một lượng ngân sách vừa đủ trong khi vẫn khuyến khích nền kinh tế tăng trưởng cao nhất. TS. Nghĩa cho biết một nghiên cứu gần đây cho thấy cứ 1 USD tăng thêm từ tăng thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán thì 10 USD GDP bị mất đi.

Thứ hai, thuế thu nhập cá nhân lãi vốn (trong đó có chứng khoán) chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với nguồn thu ngân sách (thường chỉ khoảng 7%), trong khi  nếu bỏ thuế này thì nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và nguồn thu ngân sách cũng tăng mạnh hơn, thậm chí lớn hơn nhiều so với khoản thu từ thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán.

Thứ ba, bản thân thuế thu nhập cá nhân chứng khoán là một loại thuế kép, không công bằng vì Chính phủ đã đánh thuế thu nhập doanh nghiệp. Việc đánh thuế trên thu nhập chứng khoán và cổ tức về bản chất là sự đánh thuế hai lần trên thu nhập đầu tư – do đó cần bị loại bỏ.

Chính vì những nguyên nhân trên mà hiện nay nhiều nhà kinh tế học trên thế giới đang thuyết phục Chính phủ của họ giảm hoặc xóa loại thuế này. Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (1987-2006) cho rằng tỷ lệ tối ưu của thuế này là 0%.

Việt Nam quá vội vàng?

Việt Nam là một nước đang phát triển với thị trường chứng khoán còn non trẻ, vốn hóa thị trường còn thấp, khoảng 20% GDP so với bình quân 50% GDP của các nước trong khu vực.

“Việc đánh thuế thu nhập cá nhân chứng khoán sẽ không khuyến khích được các nhà đầu tư tham gia thị trường, điều này sẽ làm trở ngại đến tiến trình cổ phần hóa (vốn đã đang bị đình trệ) và đặc biệt là hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán”, TS. Nghĩa nhận định, “vì vậy, Chính phủ chưa nên đánh thuế, ít nhất là cho đến khi thị trường đã tương đối phát triển, vốn hóa thị trường đạt khoảng 50% GDP”.

Mặt khác, chuyên gia của TSC còn cho rằng chính sách thuế thu nhập chứng khoán của Việt Nam (Thông tư số 84/2008/TT-BTC) chưa được hoàn thiện, còn nhiều bất cập, và đặc biệt là chưa khuyến khích được nhà đầu tư.

Thông tư 84 vẫn còn nhiều bất cập liên quan đến đối tượng, phương thức đánh thuế cũng như hoàn thuế. Như các vấn đề liên quan đến cổ phiếu thưởng và đặc biệt là cách xác định giá (mua, bán) của các cổ phiếu chưa niêm yết; việc không cho phép nhà đầu tư được hoàn thuế (giảm thu nhập chịu thuế cho các năm tiếp theo) trong trường hợp bị thua lỗ cũng là một bất cập, trong khi phần lớn các nước đều cho phép được chuyển lỗ sang các năm sau trong vòng 3-5 năm (Hàn Quốc, Indonesia, Úc..), thậm chí còn vô thời hạn.

Việc không tính các chi phí liên quan khác như lãi suất vay ngân hàng để đầu tư, lạm phát… vào chi phí cũng là một điểm bất lợi cho nhà đầu tư, đặc biệt là ở những nước có lạm phát và chi phí vốn vay cao như Việt Nam trong thời gian qua, cũng là một hạn chế của thông tư này.

Và mức thuế 20% trên thu nhập cũng là quá cao. Các nước phát triển hơn Việt Nam còn có mức thuế thấp hơn rất nhiều để khuyến khích nhà đầu tư như Ấn Độ 10%, Hàn Quốc 11%, Bồ Đào Nha 10%, Italy 12.5%...

Tăng thêm “nỗi đau” của nhà đầu tư?

Về lý thuyết, thuế sẽ làm tăng chi phí vốn, dẫn đến giảm thu nhập từ chứng khoán; hệ quả là giá trị cổ phiếu giảm và thị trường chứng khoán kém hấp dẫn đi.

Lịch sử chứng minh rằng, trong giai đoạn chuyển tiếp ngay trước thời điểm tăng thuế có hiệu lực thị trường có thể bị sụt giảm mạnh do các nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận để tránh thuế thu nhập. Điều này đã được kiểm chứng ở hầu hết các thị trường chứng khoán.

Như tại Trung Quốc, tin đồn về việc áp dụng thuế này đã làm cho thị trường chứng khoán đổi chiều trong năm 1994 và 2007. Sự sụt giảm mạnh của thị trường này năm 1994 đã buộc Bộ Tài chính phải thông báo không đánh thuế thu nhập từ chứng khoán để kích thích sự phát triển thị trường.

Với Việt Nam, do thị trường đã bị sụt giảm trong một thời gian dài, phần lớn các nhà đầu tư đều thua lỗ nên hiệu ứng trên có thể không xảy ra. Theo đó, TS. Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng tác động của thuế này trong ngắn hạn chủ yếu mang tính tâm lý.

Ông cũng nhân định thêm: “Việc đánh thuế thu nhập vào các khoản lãi ít ỏi (nếu có, so với những khoản thua lỗ) sẽ làm tăng thêm “nỗi đau” của nhà đầu tư, có thể gây ra sự chán nản và hậu quả có thể là sự rời bỏ thị trường”.

Trong dài hạn, việc đánh thuế sẽ làm cho thị trường phát triển chậm hơn do không thu hút được nhiều nhà đầu tư mới tham gia, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài vốn rất nhạy cảm với thuế. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ chuyển vốn sang các nước không áp dụng thuế này nếu như mức độ hấp dẫn của hai thị trường là tương đương.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate