Ngành công nghiệp thuốc thú y Việt Nam có thể nói là mới chỉ được hình thành trong khoảng hơn một thập niên trở lại đây, nhưng đã góp phần quan trọng đối với sự phát triển khá nhanh chóng của ngành chăn nuôi trong cả nước.
Theo các chuyên gia, thuốc thú y tuy chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng chi phí chăn nuôi, nhưng lại rất cần thiết giúp bảo vệ vật nuôi, và có vai trò quyết định cho sự thành bại của nghề.
Việc hình thành một ngành công nghiệp thuốc thú y với sự kiểm soát quá trình sản xuất chặt chẽ, đảm bảo các chuẩn mực quốc tế về chất lượng sản phẩm vẫn đang là một yêu cầu bức thiết không chỉ vì vật nuôi, mà còn vì chính sức khỏe của cộng đồng dân cư.
Theo ghi nhận, hiện nay trên cả nước đã có khoảng 80 công ty sản xuất thuốc thú y do Cục Thú y quản lý và 400 cơ sở sản xuất các loại thức ăn chăn nuôi do Cục Khuyến nông quản lý. Sự bùng phát các cơ sở sản xuất thuốc thú y này đã làm cho ngành thuốc thú y Việt Nam đi "từ không đến có".
Từ một vài loại kháng sinh thông thường, cho đến nay, thuốc thú y sản xuất trong nước đã dần chiếm lĩnh được thị trường, cơ bản đẩy lùi được tình trạng hầu như phải nhập toàn bộ thuốc thú y cho nhu cầu trong nước; ngược lại đã có nhiều sản phẩm được xuất khẩu.
Tuy nhiên, do hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, sự định hướng sản xuất gần như bị thả nổi, nên những thương hiệu Việt Nam đã mất dần sự tín nhiệm của người chăn nuôi, để các thương hiệu do các liên doanh với nước ngoài có định hướng rõ rệt về chất lượng và đầu tư về cơ sở hạ tầng nhanh chóng tạo dựng được uy tín trên thị trường.
Thế nhưng, có một thực tế còn rất ít người biết. Đó là hiện mới chỉ có 4 công ty sản xuất thuốc thú y đạt chuẩn mực GMP cho thuốc tiêm, gồm liên doanh BioPharmachemic, Anova (vốn 100% nước ngoài), Vemedine và Minh Dũng (là các công ty vốn trong nước), nhưng mới chỉ ở cấp GMP-WHO. Duy nhất trong cả nước cho đến đầu tháng 10/2007 chỉ có Công ty Minh Dũng ngoài chuẩn mực GMP-WHO cho thuốc tiêm (nước), còn đạt các chuẩn GMP - EU (mức cao nhất trong các chuẩn GMP - theo thứ tự là EU, WHO, ASEAN) cho các loại thuốc tiêm, thuốc bột, đồng thời cũng đạt chuẩn GSP (về bảo quản thuốc) và chuẩn GLP (về kiểm nghiệm thuốc)...
Các chuyên gia ở Viện Khoa học - Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam xác nhận.Để đảm bảo các yêu cầu về chất lượng trong sản xuất thuốc thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có Quyết định về lộ trình thực hiện tốt nhà máy sản xuất thuốc thú y.
Theo đó, đến năm 2008 các công ty nào không đạt chuẩn GMP về thuốc tiêm sẽ phải ngưng hoạt động sản xuất; và tương tự đến năm 2010 đối với các công ty nào không đạt chuẩn GMP về thuốc bột. "Nếu nghiêm túc thực hiện lộ trình này, sẽ chỉ có khoảng 20 công ty có thể tồn tại", một chuyên gia trong ngành nhận xét.
Điều đáng mừng là ngành chăn nuôi Việt Nam đã có được những doanh nghiệp lớn, đang càng ngày càng thể hiện tính tiên phong của mình trong việc xác lập, khẳng định thương hiệu của mình bằng chất lượng sản phẩm, và thái độ gắn bó thực sự với người chăn nuôi, từ hộ gia đình đến các trang trại quy mô lớn. Một trong số chính là Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất thuốc thú y - thủy sản Minh Dũng (Bình Dương), được Cục Thú y và Cục Thủy sản đánh giá là công ty đứng đầu ngành dược thú y thủy sản của Việt Nam trong năm 2006 và 2007 với số điểm 97/99.
Theo nhiều chuyên gia, sự đánh giá này bao gồm cả về cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh trên thị trường.Với quy mô nhà xưởng (rộng trên 30.000 m2, với đầy đủ các dây chuyền công nghệ tân tiến, khép kín, và tự động hóa toàn bộ); hệ thống đại lý, phân phối trên 350 điểm được xây dựng khắp các nơi, từ Đồng bằng sông Hồng đến Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, và các thành phố lớn trong cả nước; với 300 chủng lọai thuốc từ các sản phẩm kích thích, tăng trọng, tăng năng suất, đến các thuốc sát trùng, thuốc phòng và điều trị bệnh cho gia cầm, gia súc và đại gia súc...
Bà Vũ Thị Ngọc Trinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị và cũng chính là người sáng lập nên công ty Minh Dũng, cho biết: con đường phát triển của công ty là đồng hành với người chăn nuôi!
Ngoài việc đầu tư nghiêm túc, kiểm soát quá trình sản xuất chặt chẽ, đảm bảo chất lượng sản phẩm cao, phục vụ nhanh chóng các yêu cầu của người tiêu dùng; công ty còn có những cuộc trao đổi kinh nghiệm trực tiếp, hỗ trợ tương tác, chuyển giao kỹ thuật nhằm đem đến những giải pháp tốt nhất bảo vệ vật nuôi, tổ chức các lớp miễn phí để trang bị kiến thức bảo vệ và chăm sóc vật nuôi tốt cho các đối tượng là người chăn nuôi và thú y viên, tổ chức đội ngũ kỹ thuật viên lăn xả tại các địa phương cùng người chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh...
Minh Dũng còn tổ chức hướng dẫn bà con định hướng chăn nuôi an toàn, hiệu quả, thông qua các sản phẩm được chiết xuất từ thảo dược có nguồn gốc trong nước.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate