May 25, 2023 | 11:01 GMT+7

Thuộc top nhóm ngành “hot” khi tuyển sinh, vì sao ngành du lịch vẫn thiếu nhân sự?

Lưu Hà -

Ngành du lịch đã trải qua khoảng thời gian “cực thịnh”, để rồi sụt giảm khủng khiếp trong đại dịch và bây giờ đang phục hồi mạnh mẽ trở lại. Để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, ngành cần phải thích ứng với các xu hướng nhân sự mới…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục đào tạo về việc đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng, năm 2021, có 199.166 nguyện vọng đăng ký vào nhóm ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ cá nhân, trong đó 48.334 thí sinh lựa chọn nguyện vọng 1. Nhóm ngành này đứng thứ tư trong những nhóm ngành có sự cạnh tranh về xét tuyển mạnh nhất, trên tổng số 24 nhóm ngành.  Năm 2022, nhóm ngành này cũng đứng trong top 7 nhóm ngành có lượng thí sinh đăng ký thi vào nhiều nhất.

NHIỀU LỰA CHỌN HẤP DẪN VỀ VIỆC LÀM

Năm nay, dự báo nhóm ngành du lịch, khách sạn vẫn có sức hấp dẫn đối với các bạn trẻ. Hiện tại có nhiều trường tổ chức đào tạo ngành khách sạn, du lịch với điểm chuẩn đầu vào khá cao. Cụ thể như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội là trường đứng đầu trong các trường đào tạo ngành Du lịch lữ hành tốt nhất tại Hà Nội. Điểm chuẩn năm 2022 vào ngành này của trường là 25 - 26 điểm.

Trường Đại học Hà Nội có chuyên ngành quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành thuộc Khoa Quản trị kinh doanh Du lịch với mức điểm chuẩn năm 2022 là 32,70 (thang điểm 40); Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có 3 chuyên ngành về du lịch là Quản trị lữ hành, Quản trị du lịch và Quản trị khách sạn lấy điểm chuẩn vào ngành là 26,85 điểm... Ở TP.HCM, địa chỉ đào tạo tốt ngành này là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Thuộc Đại học quốc gia TP.HCM với mức điểm chuẩn năm 2022 là 25,60 - 27,60 điểm...

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mỗi năm ngành Du lịch Việt Nam cần thêm gần 40.000 lao động, nhưng chỉ có 14.000 sinh viên ra trường, trong đó chỉ có hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Chính nhu cầu cao về nhân lực trong khi số lượng sinh viên được đào tạo hàng năm thấp đã khiến cho Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành trở thành một trong top những nghề hot, lương khủng.

Theo chia sẻ từ Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, sinh viên ngành Quản trị du lịch – khách sạn có nhiều lựa chọn hấp dẫn về việc làm. Mức thu nhập cho vị trí quản lý khách sạn, du lịch quy mô vừa đạt 10 - 15 triệu đồng/tháng và 45 triệu đồng/tháng trở lên ở các khách sạn đạt chuẩn 5 sao.

Hiện tại có nhiều trường tổ chức đào tạo ngành khách sạn, du lịch với điểm chuẩn đầu vào khá cao.
Hiện tại có nhiều trường tổ chức đào tạo ngành khách sạn, du lịch với điểm chuẩn đầu vào khá cao.

Hiện tại có nhiều trường đào tạo ngành du lịch, khách sạn và mỗi trường sẽ có trọng tâm riêng, chẳng hạn Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội, sinh viên sẽ học các nội dung Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; hướng dẫn du lịch; Trường Đại học Kinh tế quốc dân học Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Trường Đại học Tôn Đức Thắng học Quản trị kinh doanh nhà hàng - khách sạn; Trường Đại học Hà Nội học Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành bằng tiếng Anh... 

"Trung bình 5 năm, chúng tôi sẽ sửa đổi tổng thể chương trình đào tạo. Mỗi lần như vậy, chúng tôi luôn mời các chuyên gia du lịch, giám đốc nhân sự của các công ty lữ hành lớn trong cả nước để góp ý về chương trình đào tạo sao cho sát với nhu cầu thực tế”, PGS. TS Phạm Hồng Long, Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết.

Tuy nhiên, tháng 3/2022, khi Việt Nam mở cửa du lịch, đón khách quốc tế trở lại thì ngành du lịch lại không có đủ nhân lực có năng lực để phục vụ. Ngay sau đó, Sở Du lịch các địa phương đã phải kết nối các đơn vị liên quan, nhằm lên kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo và bổ sung nguồn nhân lực đang thiếu hụt. Theo Sở Du lịch TP.HCM, nguồn nhân lực du lịch hiện thiếu và yếu cả về chất lượng lẫn số lượng.

THÍCH NGHI VỚI XU HƯỚNG CHUYỂN ĐỔI SỐ

Tại buổi tọa đàm "Đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch TP.HCM năm 2023" do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức, Giám đốc Nhân sự Tập đoàn IHG, bà Đoàn Trần Phương Thảo cho biết khó khăn chung trong đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực là do chương trình đào tạo chưa sát với thực tế công việc; chất lượng chuyên môn, kỹ năng chưa được cải thiện nhiều.

Tại Vietravel, 90% lực lượng ứng viên mới tốt nghiệp đều cần đào tạo lại để có thể thích ứng dần với công việc. Kỹ năng giao tiếp và xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình làm việc với khách hàng, với đồng nghiệp của một số ứng viên còn nhiều hạn chế. Năng lực ngoại ngữ và thái độ làm việc chưa đạt như kỳ vọng. "Các đơn vị cần chú trọng đào tạo lý thuyết gắn kết với thực hành, nâng cao yêu cầu về kỹ năng nghề, kỹ năng xử lý tình huống và ưu tiên kỹ năng giao tiếp thông thạo bằng ngoại ngữ",  bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Nhân sự công ty Du lịch Vietravel nói.

Để giải bài toán về nguồn nhân lực du lịch, các chuyên gia trong ngành đã đưa ra những giải pháp khắc phục. Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết đã phối hợp với Cục Thống kê đánh giá tổng thể thực trạng nguồn nhân lực du lịch để tìm ra giải pháp hiệu quả. Trong ngắn hạn, Sở phối hợp Trung tâm Tiếng Hàn, Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tổ chức lớp bồi dưỡng ngoại ngữ hiếm như Nhật, Hàn, Tây Ban Nha cho đội ngũ hướng dẫn viên. Ngoài ra, Sở vận động các cơ sở đào tạo tham gia các sự kiện của ngành như chương trình hợp tác liên kết các tỉnh, ngày hội, hội chợ du lịch.

Mỗi năm ngành Du lịch Việt Nam cần thêm gần 40.000 lao động, nhưng chỉ có 14.000 sinh viên ra trường.
Mỗi năm ngành Du lịch Việt Nam cần thêm gần 40.000 lao động, nhưng chỉ có 14.000 sinh viên ra trường.

Trong khi đó, bà Thái Thị Hoài Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm thanh niên - Thành Đoàn TP.HCM, nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng đề án khảo sát nhu cầu tuyển dụng, đào tạo và việc làm trong ngành du lịch. "Tại sao lại có chuyện đào tạo ra 100 hướng dẫn viên nhưng chỉ có khoảng 50 người theo nghề? Đó là do sinh viên chưa có cơ hội tiếp cận chính sách việc làm phù hợp, cũng như ít được trải nghiệm môi trường làm việc trong tương lai. Nếu được hướng nghiệp và hỗ trợ giới thiệu việc làm, sinh viên sẽ có định hướng rõ ràng hơn đối với công việc mình dự định theo đuổi", bà Sơn khẳng định. 

Bên cạnh đó, ngành du lịch, khách sạn những năm gần đây đã có sự thay đổi để bắt nhập với chuyển đổi số. Đặc biệt trong những năm xảy ra đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đã làm thay đổi các khái niệm du lịch truyền thống, cách tiếp cận và dẫn dắt nhu cầu du khách.

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa tư vấn: "Không chỉ ngành du lịch, bất cứ ngành nào trong quá trình chuyển đổi số cũng đòi hỏi nhân sự có hiểu biết về công nghệ thông tin. Do vậy, sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành kinh doanh du lịch số cũng có cơ hội nghề nghiệp rộng hơn. Việc tích lũy kiến thức, kỹ năng liên ngành trong bối cảnh hiện nay là vô cùng cần thiết đối với người học".

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate