June 26, 2022 | 07:00 GMT+7

Thương lượng tiền lương làm thêm giờ cao hơn mức doanh nghiệp trả

Phúc Minh -

Liên đoàn Lao động Hà Nội yêu cầu lưu ý công đoàn cơ sở cẩn thương lượng mức tiền lương làm thêm giờ trả cho người lao động cao hơn mức quy định tại Bộ luật Lao động, hoặc cao hơn mức doanh nghiệp đang trả để đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đây là một trong những nội dung được Liên đoàn Lao động Hà Nội nhấn mạnh trong công văn số 304 ban hành ngày 24/6 về việc thực hiện Nghị quyết số 17 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, Liên đoàn Lao động Hà Nội yêu cầu các Liên đoàn lao động quận, huyện, thị xã, công đoàn cơ sở lưu ý các trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong một năm là các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết và khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019.

Tất cả các trường hợp được làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm đều được làm thêm từ trên 40 giờ đến 60 giờ trong 1 tháng kể từ ngày 1/4/2022.

Khi tổ chức thực hiện làm thêm giờ theo quy định của Nghị quyết phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Đồng thời, vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định khác về làm thêm giờ tại Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật như: Quy định về giới hạn số giờ làm thêm trong ngày; tiền lương phải trả cho người lao động khi làm thêm giờ; các nội dung về sự đồng ý của người lao động tham gia làm thêm…

Các quy định của Nghị quyết về tăng khung làm thêm theo tháng, theo năm đối với người lao động chỉ được thực hiện và áp dụng cho đến hết ngày 31/12/2022, trừ trường hợp Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện.

Liên đoàn Lao động Hà Nội yêu cầu công đoàn cơ sở giám sát thực hiện Nghị quyết nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động; nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Trong đó, lưu ý các nội dung đối thoại, thương lượng có liên quan đến việc tổ chức làm thêm giờ như: Thương lượng mức tiền lương làm thêm giờ trả cho người lao động cao hơn mức lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm theo quy định tại Bộ luật Lao động, hoặc cao hơn mức doanh nghiệp đang trả để động viên và đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người lao động.

Nếu thời gian làm thêm trong 1 ca lớn hơn 3 giờ thì ngoài quy định về thời gian nghỉ giữa ca, đề nghị người sử dụng lao động cứ sau 90 phút làm việc thêm giờ thì bố trí nghỉ giải lao ít nhất 10 phút, nhất là đối với người lao động làm việc ở các dây chuyền sản xuất liên tục.

Cùng với đó, đề xuất thương lượng với doanh nghiệp bổ sung bữa ăn phụ, bữa ăn nhẹ cho người lao động sau khi kết thúc làm thêm giờ; đề xuất doanh nghiệp hỗ trợ tiền gửi trẻ cho người lao động, nhất là lao động có con nhỏ dưới 6 tuổi.

Trong quá trình thực hiện, các cấp công đoàn cần kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động, từ đó giải quyết các vấn đề phát sinh, các vụ ngừng việc tập thể, đình công có liên quan đến điều chỉnh thời gian làm thêm giờ…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate