Sau hơn một năm Viettel và Qualcomm công bố triển khai trạm thu phát sóng 5G tại Hội nghị Di động thế giới (MWC) 2023, đến nay, các hoạt động cụ thể mà Viettel và Qualcomm đã thực hiện, cũng như những kết quả bước đầu mang lại là như thế nào, thưa ông?
Năm ngoái, tại Hội nghị Di động thế giới, Viettel và Qualcomm công bố triển khai thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G theo tiêu chuẩn Open RAN sau hơn một năm hợp tác sản xuất, thiết kế từ tháng 5/2022.
Trong những tháng qua, để chuẩn bị triển khai thương mại hoá 5G trên toàn quốc, chúng tôi đã thử nghiệm chất lượng dịch vụ công nghệ mạng 5G trên mạng lưới thật của Viettel tại Hà Nội do lượng người dùng tại địa bàn này khá đông đúc. Sau thử nghiệm, có thể nói, hiện nay các thiết bị và giải pháp 5G của Viettel hợp tác với Qualcomm đã sẵn sàng triển khai thương mại hoá tại Việt Nam.
Vậy ông đánh giá như thế nào về chất lượng hệ thống trạm thu phát sóng 5G của Viettel trong đáp ứng nhu cầu triển khai thương mại? Đồng thời khả năng cạnh tranh của thiết bị thu phát sóng 5G của Viettel sử dụng chipset của Qualcomm với các sản phẩm tương tự của các nhà cung cấp khác trên thế giới?
Năm nay, ngành viễn thông Việt Nam đã có một bước tiến quan trọng trong phát triển công nghệ 5G, đó là Chính phủ đã hoàn tất đấu giá và cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến 5G cho các nhà mạng để triển khai thương mại hoá 5G trên toàn quốc.
Riêng hợp tác sản xuất, thiết kế các thiết bị 5G trên chuẩn Open RAN giữa Viettel và Qualcomm, ngay từ khi bắt đầu dự án, chúng tôi đã đặt mục tiêu phải sản xuất các sản phẩm 5G, hạ tầng 5G “Make in Vietnam” phải chuẩn Open RAN, tức là năng lực, chất lượng phải đẳng cấp quốc tế, phải ngang với tất cả những thương hiệu hàng đầu trên thế giới.
Qua những bước thử nghiệm không chỉ trong phòng lab mà trên mạng lưới thật của Việt Nam tại Hà Nội, thời điểm này chúng tôi tự tin nói rằng các sản phẩm của Việt Nam về chất lượng không thua gì các sản phẩm lớn trên thế giới và quan trọng hơn là đạt được mục tiêu mà Viettel cùng với Qualcomm đặt ra từ đầu về năng lực sản phẩm cùng nhiều yêu cầu khác.
Hạ tầng mạng lưới 5G có nhiều yêu cầu phức tạp về cả tốc độ truyền tải lên xuống, khả năng hỗ trợ nhiều người dùng trong cùng một lúc và đặc biệt là sự ổn định của thiết bị,… Tất cả những tiêu chí này được các kỹ sư của Viettel và Qualcomm xem xét rất chặt chẽ trong quá trình thiết kế, thử nghiệm và đều đã đạt được để sẵn sàng triển khai diện rộng trên toàn quốc bắt đầu vào cuối năm nay và trong vòng vài năm tới.
Theo ông, việc Viettel sản xuất thiết bị thu phát sóng 5G với sự hợp tác và hỗ trợ của Qualcomm, sẽ giúp Viettel nói riêng và Việt Nam nói chung từng bước làm chủ công nghệ 5G như thế nào?
Việc Viettel thiết kế sản xuất thành công các thiết bị hạ tầng 5G đáp ứng tiêu chuẩn Open RAN đã đưa Việt Nam vào một trong rất ít những quốc gia trên thế giới làm chủ và tự sản xuất được các thiết bị hạ tầng 5G. Nên đây là bước tiến lớn không chỉ đối với Qualcomm, Viettel mà còn đối với Việt Nam trong việc làm chủ hạ tầng công nghệ 5G để thực hiện những mục tiêu về chuyển đổi số.
Muốn xây dựng triển khai những giải pháp 4.0, ví dụ như thành phố thông minh, nhà máy thông minh hoặc đưa công nghệ ứng dụng vào các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, giáo dục,… 5G là một trong những hạ tầng bắt buộc phải có. Vì công nghệ 5G không giống những công nghệ trước kia như 4G.
Tốc độ trao đổi dữ liệu của mạng 5G so với 4G nhanh hơn vài chục lần. Những giải pháp cho ngành công nghiệp ví dụ đưa robot vào trong các nhà máy hay trong triển khai thành phố thông minh - có rất nhiều IoT kết nối, độ trễ của mạng lưới là rất quan trọng nên chỉ hạ tầng 5G mới đáp ứng tiêu chí này. Các thiết bị hạ tầng 5G chuẩn Open Ran là công nghệ mà nhiều quốc gia muốn làm chủ và đều muốn chủ động tự sản xuất các thiết bị. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia phát triển thành công công nghệ này.
Công nghệ 5G của Việt Nam được thiết kế và sản xuất bởi các kỹ sư người Việt tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp Việt Nam chủ động trong triển khai hạ tầng 5G trong thời gian tới. Tôi nghĩ đây là thời điểm quan trọng với Việt Nam vì đã chuẩn bị hoàn tất những điều kiện cần thiết cho triển khai 5G thương mại diện rộng trên toàn quốc.
Dự kiến trong năm nay Việt Nam sẽ triển khai thương mại hóa 5G trên phạm vi toàn quốc, ông đánh giá như thế nào về cơ hội, tiềm năng và sự phát triển của dịch vụ 5G tại Việt Nam trong một hai năm tới?
Thứ nhất, dựa trên kinh nghiệm và thực tiễn ở nhiều quốc gia đã triển khai 5G trong vài năm qua, sự xuất hiện của 5G sẽ tạo ra rất nhiều mô hình kinh doanh mới, những nguồn thu mới cho các nhà mạng.
Các thế hệ băng tần trước kia 3G, 4G chủ yếu cung cấp dịch vụ điện thoại, dữ liệu di động. Nhưng 5G với những tính năng đột phá như tốc độ trao đổi thông tin lớn, độ trễ thấp và đặc biệt khả năng kết nối thiết bị IoT phục vụ công nghiệp 4.0 và thành phố thông minh, sẽ tạo ra rất nhiều những mô hình kinh doanh mới.
Ví dụ, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, các quốc gia đều đặt mục tiêu phủ sóng Internet 100% toàn quốc để người dân hưởng thụ dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng trong học tập, giải trí và kết nối. Trong khi đó, để phủ sóng băng rộng toàn quốc, không thể kéo cáp quang, cáp đồng đến từng gia đình mà cần những công nghệ không dây thay thế như công nghệ 5G. Đây chính là mô hình kinh doanh mới.
Mô hình kinh doanh này được gọi là FWA, dùng công nghệ 5G để cung cấp Internet băng rộng cho các gia đình. Dịch vụ này đã thành công ở nhiều quốc gia nên đây sẽ là mô hình kinh doanh mới cho các nhà mạng của Việt Nam khi triển khai 5G.
Thứ hai, thực hiện những giải pháp 4.0 cho doanh nghiệp cũng là mô hình kinh doanh mới cho các nhà mạng viễn thông khi triển khai 5G, vì công nghệ 4G chưa thể tận dụng được hết các giải pháp.
Một ví dụ khác là xu hướng phát triển của xe bán tự động và xe tự lái, công nghệ 5G với những tính năng đặc biệt như là C-V2X (Công nghệ Cellular-Vehicle-to-Everything (C-V2X) là công nghệ vô tuyến cho phép dữ liệu được truyền trực tiếp từ phương tiện đến phương tiện (V2V), phương tiện đến cơ sở hạ tầng (V2I) và phương tiện đến người đi bộ (V2P) bằng các tin nhắn có độ trễ thấp, hỗ trợ cho các ứng dụng đảm bảo an toàn ngay thời điểm đó) – tạo ra hạ tầng kết nối không dây của ô tô với những thiết bị giao thông khác giúp việc triển khai công nghệ ô tô tự lái thành hiện thực. Vì khi đấy các chủ xe khi đăng ký dịch vụ này thì đều phải có phí dịch vụ cho các nhà mạng.
Những ví dụ trên cho chúng ta thấy công nghệ 5G sẽ mở ra rất nhiều những mô hình kinh doanh mới và tạo ra các nguồn doanh thu mới cho các nhà mạng khi triển khai 5G.
Nhưng có một điểm tôi muốn lưu ý là Việt Nam có hạ tầng 4G rất tốt với độ phủ 4G đã đạt tới 98 % dân số. Dựa trên thực tiễn ở các nước triển khai 5G, hạ tầng 4G và 5G sẽ tồn tại song song, đầu tư của Việt Nam cho hạ tầng 4G sẽ không lãng phí và sẽ tiếp tục được dùng trong nhiều năm tới. Từng thế hệ công nghệ mạng sẽ mang lại những nguồn kinh doanh khác nhau, 5G sẽ phục vụ những ứng dụng mới và tạo ra các nguồn doanh thu mới cho các nhà mạng.
Có con số đo lường về tác động của 5G đến sự phát triển kinh tế xã hội tại các quốc gia đã triển khai 5G không thưa ông? Và nếu có thì ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng của 5G tới sự phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam?
Theo dự báo phân tích đánh giá tác động của công nghệ 5G đến sự phát triển của kinh tế thế giới nói chung mà Qualcomm đã hợp tác thực hiện, đến năm 2030, 5G sẽ giúp kinh tế thế giới tăng giá trị khoảng 350 tỉ USD và tạo ra khoảng 35 triệu việc làm mới. Tất nhiên, chúng tôi không có những con số phân chia tác động theo từng quốc gia, nhưng tôi nghĩ ảnh hưởng triển khai công nghệ 5G tới kinh tế Việt Nam sẽ rất lớn.
Về tác động trực tiếp, các nhà mạng sẽ có những đầu tư mới, cần nguồn lực mới để triển khai và vận hành hạ tầng 5G. Nhưng quan trọng là tác động của công nghệ 5G đến sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp khác tại Việt Nam.
Như tôi chia sẻ để triển khai những dự án công nghiệp 4.0, muốn xây dựng những sân bay thông minh hoặc hệ thống cảng biển thông minh,... đều cần hạ tầng 5G. Cho nên tôi nghĩ tác động của hạ tầng mạng 5G đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam là rất lớn.
Từ thực tiễn triển khai mạng 5G trên thế giới, cũng như Qualcomm là đối tác của hàng trăm nhà mạng trên thế giới đã triển khai 5G, ông đánh giá như thế nào về tính thời điểm và sự sẵn sàng của hệ sinh thái 5G, thiết bị đầu cuối 5G cho việc triển khai thương mại 5G tại Việt Nam?
Việt Nam đang có nhiều lợi thế trong triển khai 5G. Việt Nam không phải là quốc gia triển khai sớm nhất hạ tầng 5G so với các quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực. Công nghệ này đã phát triển chín muồi và đây chính là lợi thế của Việt Nam khi triển khai 5G thời điểm hiện tại. Giá thành thiết bị đã giảm cho nên chi phí đầu tư cho hạ tầng 5G bây giờ so với cách đây vài năm sẽ tiết kiệm hơn.
Hệ sinh thái thiết bị đầu cuối cho công nghệ 5G cũng nhiều hơn và rẻ hơn. Cách đây vài năm, giá điện thoại thông minh 5G còn cao nhưng bây giờ điện thoại thông minh có giá rất thấp. Triển khai hạ tầng 5G phải có người dùng, vì vậy các thiết bị đầu cuối có mức giá phải chăng, số lượng nhiều thì việc triển khai dịch vụ 5G mới thành công. Vừa rồi, Qualcomm cũng ra mắt chipset Snapdragon 4s Gen 2, giúp các nhà sản xuất điện thoại có thể sản xuất những chiến điện thoại thông minh hỗ trợ 5G với giá dưới 100 USD
Như tôi chia sẻ, Việt Nam không phải quốc gia đầu tiên hoặc sớm triển khai 5G, cho nên chúng ta học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm ứng dụng và các mô hình kinh doanh mới của các quốc gia đã triển khai trước. Việt Nam triển khai có thể không sớm nhưng đúng thời điểm.
Các nhà mạng và Việt Nam khi triển khai 5G vào cuối năm nay và sang năm, ứng dụng dịch vụ sẽ nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác. Các quốc gia khác đã triển khai 5G cách đây vài năm, phải cần 4 - 5 năm mới có nhiều người dùng. Nhưng theo tôi, Việt Nam cuối năm nay bắt đầu thương mại hoá toàn quốc, tốc độ và thời gian người dùng chuyển lên 5G sẽ nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Cũng với kinh nghiệm của tập đoàn công nghệ toàn cầu trong việc hợp tác với các nhà mạng trên thế giới triển khai 5G, theo ông, khi triển khai thương mại dịch vụ 5G, các nhà mạng của Việt Nam nên tập trung hay lựa chọn chiến lược kinh doanh, chiến lược cung cấp dịch vụ 5G hoặc có những hướng đi riêng như thế nào để việc triển khai cung cấp dịch vụ 5G mang lại hiệu quả cao nhất và đạt tốc độ phủ sóng 5G nhanh nhất?
Chiến lược triển khai hạ tầng 5G phụ thuộc vào chiến lược kinh doanh của từng nhà mạng cho nên rất khó để có công thức chung phát triển cho các nhà mạng. Ví dụ nếu nhà mạng có chiến lược triển khai diện rộng đến người dân, đến các nhà máy, đến các khu công nghiệp,... ngay lập tức, đòi hỏi mạng 5G cũng cần phủ sóng diện rộng ngay lập tức. Nếu triển khai như vậy, người dùng có thể nhiều nhiều ngay lập tức nhưng bài toán đầu tư phải giải quyết như thế nào?
Trong khi đó, nhiều nhà mạng sẽ không triển khai 5G rộng khắp ngay lập tức mà tập trung đầu tư vào các thành phố lớn có nhu cầu sử dụng mạng 5G nhiều sau đó từ từ triển khai ra các vùng khác và bắt đầu chuyển dịch người dùng từ 4G lên 5G. Do đó, mỗi nhà mạng sẽ có công thức triển khai 5G riêng vì điều này phụ thuộc chiến lược và tiềm lực của các nhà mạng.
Tất nhiên theo kinh nghiệm triển khai ở các quốc gia khác của Qualcomm, để một dịch vụ băng tần mới thành công cần một số yếu tố.
Thứ nhất là chất lượng của hạ tầng mạng lưới phải tốt, tức là chất lượng 5G phải vượt trội so với 4G, người dùng mới có lý do để chuyển từ 4G lên 5G và sẵn sàng trả thêm phí.
Thứ hai là hệ sinh thái về thiết bị phải sẵn sàng vì nếu không có thiết bị, mạng lưới đầu tư triển khai ra không có người dùng sẽ không có nguồn thu. Do đó các nhà mạng muốn triển khai 5G, cần phối hợp và làm việc chặt chẽ với các nhà sản xuất thiết bị để các thiết bị có giá cả hợp lý và đáp ứng khả năng triển khai phủ sóng băng tần 5G tại Việt Nam.
Theo chủ quan của ông, tốc độ phát triển thuê bao 5G ở Việt Nam sẽ như thế nào sau khi dịch vụ này được thương mại hóa trên toàn quốc? Và dự kiến ba năm tới, số thuê bao 5G ở Việt Nam sẽ là bao nhiêu, theo dự đoán của ông?
Việt Nam sẽ bắt đầu phủ sóng 5G diện rộng bắt đầu từ quý 4 năm nay và tôi nghĩ năm 2025 - 2056 sẽ là thời điểm quan trọng để các nhà mạng đẩy mạnh triển khai, mở rộng độ phủ của mạng lưới 5G. Tôi sẽ chia sẻ thực trạng triển khai 5G ở các quốc gia khác để thấy công nghệ 5G sẽ phát triển tại Việt Nam như thế nào.
Thực tế, việc triển khai 5G trên toàn trên toàn cầu đã vượt kỳ vọng ban đầu của cả Qualcomm và các công ty khác trong ngành công nghiệp. Cụ thể, thời gian người dùng chuyển sang công nghệ 5G nhanh hơn nhiều so với các thế hệ trước kia. Thời gian người dùng sẵn sàng chuyển từ sử dụng 3G lên 4G khá là lâu, mất khoảng 5 - 6 năm nhưng thời gian chuyển đổi từ 4G lên 5G chỉ có 3 - 4 năm.
Tất nhiên có nhiều yếu tố tác động đến tốc độ chuyển đổi mạng nhanh chóng của người dùng. Một trong số đó bắt nguồn từ đại dịch Covid, đẩy nhu cầu học trực tuyến, làm việc từ xa, chữa bệnh từ xa,…khiến tốc độ tăng trưởng 5G nhanh hơn rất nhiều so với những thế hệ mạng trước kia.
Bối cảnh Việt Nam triển khai công nghệ 5G hơi khác so với cách đây 3 - 4 năm nhưng chúng ta có nhiều thuận lợi, bao gồm công nghệ đã chín muồi và đặc biệt giá thành thiết bị đã giảm. Cho nên tôi nghĩ việc ứng dụng công nghệ 5G tại Việt Nam sẽ rất là nhanh.
Trong thời gian tới Viettel và Qualcomm sẽ hợp tác như thế nào để tiếp tục thúc đẩy những bước đột phá lớn hơn nữa cho hạ tầng viễn thông tại Việt Nam?
Trước hết, chúng tôi và Viettel sẽ tập trung vào thương mại hoá các sản phẩm và giải pháp hạ tầng 5G chuẩn Open Ran tại Việt Nam. Khi Qualcomm làm việc với Viettel, chúng tôi ngay từ đầu đã xác định thiết bị hạ tầng 5G phải chuẩn Open Ran, tức là dựa trên kiến trúc mở để sau này khi phát triển, mở rộng sẽ không bị phụ thuộc vào công nghệ của các công ty khác, các quốc gia khác.
Qualcomm cam kết với với Viettel là với ảnh hưởng hoạt động của chúng tôi trên toàn cầu, chúng tôi sẽ cùng Viettel đưa các giải pháp 5G chuẩn Open RAN đến với các khách hàng khác trên thế giới.
Viettel có mạng lưới hoạt động tại các quốc gia khác không chỉ ở Việt Nam, đấy cũng là những thị trường tiềm năng cho các sản phẩm 5G của Viettel hợp tác với Qualcomm. Vậy, nhiệm vụ trước mắt của Viettel và Qualcomm là thương mại hóa thành công tại Việt Nam và lâu dài sẽ đưa các giải pháp, các sản phẩm ra các thị trường khác trên thế giới.
Khi Việt Nam thương mại hóa dịch vụ 5G trên phạm vi toàn quốc, theo ông, điều này sẽ mang lại cơ hội như thế nào cho Qualcomm tại thị trường Việt Nam?
Chúng tôi rất ấn tượng với năng lực công nghệ của Viettel vì hạ tầng 5G chuẩn Open RAN có thể nói là một trong những sản phẩm đòi hỏi thiết kế và sản xuất khó nhất, phức tạp nhất trong mảng công nghệ, nhưng Viettel đã sản xuất thành công.
Với năng lực này, có rất nhiều những cơ hội hợp tác mới được mở ra giữa Qualcomm và Viettel nói riêng và Việt Nam nói chung. Khi hạ tầng viễn thông 5G được triển khai diện rộng sẽ có rất nhiều cơ hội đến từ những thị trường mới, ví dụ như camera thông minh ứng dụng trong các giải pháp thành phố thông minh.
Chúng tôi đánh giá IoT sẽ là thị trường rất tiềm năng khi triển khai thành công 5G và chúng tôi hy vọng có thể mở rộng hợp tác với Viettel. Qualcomm Việt Nam luôn đặt mục tiêu đồng hành, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ các đối tác Việt Nam trong làm chủ công nghệ và thiết kế, cung cấp những sản phẩm công nghệ mới nhất, đáp ứng yêu cầu cao nhất để đưa các sản phẩm của Việt Nam thương mại thành công và phát triển ra toàn cầu.
Ngoài ra, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam cũng rất sôi động. Việt Nam được đánh giá là một trong những trung tâm công nghệ năng động của thế giới. Để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp rất quan trọng, vì vậy, hằng năm chúng tôi đều tổ chức chương trình Qualcomm Vietnam Innovation Challenge nhằm hỗ trợ cho các công ty khởi nghiệp Việt Nam. Năm nay đã là năm thứ tư chúng tôi triển khai chương trình này và chúng tôi đã giúp 39 công ty khởi nghiệp Việt Nam đưa các ý tưởng thành các sản phẩm cụ thể và rất nhiều công ty đã thương mại thành công sản phẩm của họ không chỉ tại Việt Nam mà còn ra quốc tế.
Do đó, mục tiêu và cái cam kết của chúng tôi đối với Việt Nam là tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng đối tác Việt Nam, hệ sinh thái công nghệ Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam để cùng thúc đẩy sự phát triển và đưa ra được những sản phẩm với công nghệ mới nhất và với yêu cầu chất lượng cao nhất cho thị trường Việt Nam và thị trường thế giới.
Công nghệ viễn thông đang không ngừng có những bước tiến mới, theo ông, Việt Nam cần làm gì để tiếp tục làm chủ công nghệ và có những cái bước đột phá cho ngành viễn thông?
Việt Nam chuẩn bị triển khai 5G trên toàn quốc, nhưng thế giới đang bắt đầu chuẩn bị cho thế hệ công nghệ viễn thông tiếp theo, công nghệ 6G.
Qualcomm từ khi thành lập đã đặt mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ viễn thông di động. Mỗi thế hệ mạng phải mất khoảng 10 năm để nghiên cứu và phát triển. Để 5G được triển khai như hiện tại, Qualcomm đã đặt nền móng từ lâu trước khi triển khai bằng cách đầu tư nghiên cứu mạnh mẽ và liên tục phát triển để đảm bảo thành công. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục cam kết đổi mới công nghệ, đào sâu nghiên cứu để xây dựng nền tảng quan trọng phát triển cho công nghệ 6G tiếp theo để mang công nghệ điện toán thông minh đến mọi nơi, đóng góp giải pháp tiên tiến và tạo tiềm năng tác động tích cực đến xã hội.
Việt Nam bây giờ đã bắt đầu triển khai 5G và thời gian tới phải phổ cập nhanh chóng dịch vụ 5G đến người dân để chuẩn bị thế hệ mạng 6G sẽ được triển khai trên thế giới trong 5 - 6 năm tới. Hạ tầng viễn thông rất quan trọng đối với mục tiêu về chuyển đổi số và công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, do đó thời gian tới, Qualcomm tiếp tục đặt trọng tâm cùng đồng hành Viettel triển khai thành công mạng 5G trên toàn quốc.
Trong vài năm tới, chúng tôi tiếp tục tập trung hợp tác với Viettel và những đối tác khác mà Qualcomm đã và đang làm việc để hỗ trợ Việt Nam triển khai hạ tầng 5G thành công, hiệu quả.
VnEconomy 30/09/2024 10:00